Tại toạ đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi nền kinh tế” diễn ra ở Bình Định ngày 30-5, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (VN), cho rằng quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Ví dụ, hiện vào một ngày cao điểm có tới 21 chuyến bay giữa TP HCM và Cần Thơ nối Côn Đảo cho thấy sự phục hồi lớn trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 4 tuần từ khi hoạt động trở lại.

Đường bay Côn Đảo hiện nay Cục Hàng không VN đang nghiên cứu xem liệu có thể khai thác bằng máy bay Airbus 319 bằng cách nào đó sớm nhất và đầu tư nhỏ. Hiện loại máy bay này Bamboo Airways đang có 1 chiếc, có thể phục vụ đường bay từ Hà Nội đi Côn Đảo, sau đó về TP HCM và ngược lại.

Sân bay Côn Đảo

TS Trần Du Lịch nêu câu hỏi tại sao Côn Đảo chỉ có một hãng hàng không và giá vé đắt như vậy? Đồng thời, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng có thể cần phải thay đổi tư duy, cơ chế điều phối trong ngành hàng không để tạo điều kiện hợp lý nhất trong điều kiện hiện nay. Đây là điểm cần đột phá, có thể trở thành một trong những “cơn mưa đầu tiên” giúp hàng không Việt Nam “đâm chồi nảy lộc” trở lại.

Đáp lại, ông Võ Huy Cường khẳng định Chính phủ không hạn chế cũng không ưu ái cho một doanh nghiệp, một hãng hàng không nào. Việc chỉ một hãng khai thác đường bay Côn Đảo hiện nay là do định hướng sử dụng đội máy bay của các hãng hàng không. Hiện nay Vietjet chỉ tập trung vào dóng máy bay A320, A321 phục vụ cho hoạt động khai thác chi phí thấp (giá rẻ), sử dụng một “họ” máy bay để giảm chi phí khai thác, đào tạo phi công, kho vật tư phụ tùng… để hạ mức giá vé cạnh tranh.

Trong khi đó, hiện nay Côn Đảo chỉ đáp ứng được loại máy bay ATR-72, Fokker 70 hay trước đây có Bombardier của Air Mekong, sau này Vietnam Airlines muốn thay đội máy bay ATR 72 thì định thuê máy bay của Embraer.

Vietjet chưa bay được, Vietnam Airlines đang nghiên cứu A319, song chưa biết mẫu máy bay này có thể hạ cánh ở sân bay Côn Đảo được không. Độ dài của đường cất hạ cánh có thể đáp ứng được, nhưng sức chịu tải của đường cất hạ cánh, sân đỗ có thể chưa đạt được và đang phải nghiên cứu. Sức chịu tải của sân bay cũng đang phải nghiên cứu.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường khẳng định bất kỳ hãng nào thu xếp được máy bay phù hợp với năng lực tiếp nhận ở Côn Đảo, đều được Cục Hàng không VN cấp phép

“Nếu giờ khai thác đường bay Côn Đảo, Bamboo Airways sẽ phải đầu tư một loại tàu bay mới, nghĩa là thêm chi phí khai thác, thêm chi phí đào tạo phi công, thợ máy… Đó là do hãng có thể quyết định bay bằng Bombardier, Embraer, hay thậm chí bằng Xian MA60 của Trung Quốc”- ông Võ Huy Cường chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN cho rằng VASCO, một thành viên của Vietnam Airlines, đang khai thác đường bay đến Côn Đảo đang ở vào thế độc quyền không phải do họ mong muốn. Trước đây, đường bay này có cạnh tranh với Air Mekong nhưng doanh nghiệp này không còn tham gia thị trường. Do đó Cục Hàng không VN trước đây định ra quy định không quản lý giá trần cho đường bay này, song sau đó Air Mekong rời thị trường, VASCO trở thành “một mình một chợ”.

VASCO cũng mong muốn có nhiều chuyến bay hơn, giảm chi phí, hướng tới giảm giá vé. Sân bay này không có đèn đêm. Nếu máy bay hỏng thì phải huỷ vài ba chuyến, rất khó khăn. Tân Sơn Nhất cũng không muốn đón ATR-72 do cất cánh hay hạ cánh đều chậm, không tăng được tần suất khai thác ở sân bay này. Do đó, sân bay Tân Sơn Nhất cho phép hạ cánh nhưng không khuyến khích, nên máy bay phải hạ cánh ở Cần Thơ. Đó là thực trạng nhiều hãng bay không mặn mà khai thác, nhưng vì chỉ một mình VASCO khai thác nên lại thành như độc quyền “tự tung tự tác”. Một đường bay có tình trạng tương tự là Điện Biên.

“Tôi khẳng định bất kỳ hãng nào thu xếp được máy bay phù hợp với năng lực tiếp nhận ở Côn Đảo, đều được Cục Hàng không VN cấp phép, không hạn chế. Vietjet, Bamboo Airways, thậm chí là hãng hàng không sắp sửa ra đời Viettravel Air mà nếu thuê máy bay phù hợp thì đều có thể bay được. Hiện ngoài đường bay từ TP HCM hay Cần Thơ đi Côn Đảo, còn đường bay Vũng Tàu – Côn Đảo do tổng công ty trực thăng khai thác với tần suất 3-4 chuyến/tuần nhưng chi phí còn hơi cao, chủ yếu phục vụ du lịch cao cấp”- ông Cường chia sẻ.

Theo Dương Ngọc/Người lao động