Tăng trưởng toàn cầu có thể thấp nhất thập kỷ vì Covid-19

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm qua (2/3) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 2,4%, thấp hơn so với dự báo trước đó là 2,9%. Đây cũng là mức yếu nhất kể từ năm 2009. “Nếu tình hình tồi tệ hơn, các nước cần phối hợp chính sách trong việc chăm sóc sức khỏe và kích thích kinh tế”, báo cáo viết.

Chính phủ và các ngân hàng trung ương cho biết đã sẵn sàng “chiến đấu”. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Anh cam kết sẽ có những hành động thích hợp để ổn định thị trường tài chính. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì phát tín hiệu về khả năng sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3. Trong khi đó, nhóm 7 bộ trưởng tài chính các nền kinh tế lớn sẽ tổ chức hội nghị từ xa về cuộc khủng hoảng trong tuần này.

Những con phố vắng trong khu người Hoa ở Manhattan. Ảnh: NYT

“Tuy nhiên, mọi việc có thể còn tồi tệ hơn”, OECD đánh giá. Ảnh bìa trên báo cáo mới công bố của tổ chức này là sảnh chờ vắng vẻ tại một sân bay. Đây được coi là biểu tượng cho sự bùng phát của dịch viêm phổi, khiến việc đi lại bị hạn chế và các doanh nghiệp, trường học phải đóng cửa.

OECD giả định rằng đỉnh điểm của dịch bệnh sẽ diễn ra trong quý này và diễn biến tại các khu vực khác chưa quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu kịch bản tiêu cực hơn xảy ra, khi dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng khắp Châu Á, Châu Âu và Mỹ, tác động kinh tế sẽ rất nghiêm trọng.

Tăng trưởng toàn cầu trong trường hợp này được dự báo chỉ còn 1,5%. Hàng loạt nền kinh tế như Nhật Bản và khu vực đồng euro có khả năng suy thoái. “Sự bùng phát của Covid-19 sẽ gây ra gián đoạn kinh tế lớn”, OECD cho biết. “Không có điều gì chắc chắn khi nói về triển vọng tăng trưởng”.

Mức độ ảnh hưởng, nếu kịch bản nghiêm trọng xảy ra, có thể khiến các nhà hoạch định chính sách khó phản ứng. Ở nhiều quốc gia, dư địa chính sách để các ngân hàng trung ương hành động đã gần cạn kiệt, do nhiều nước đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và chi hàng tỷ USD mua tài sản.

“Bản chất thực sự của vấn đề là chính sách tiền tệ có thể không phải là công cụ phù hợp nhất. Chi tiêu và các chính sách kinh tế tập trung mới là cần thiết, kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone cho biết. “Đây không chỉ là cú sốc về nhu cầu, mà còn là cú sốc niềm tin và chuỗi cung ứng mà các ngân hàng trung ương không thể đối phó một mình”, bà nói.

Nếu dịch bệnh lan rộng, OECD cho rằng phối hợp hành động sẽ hiệu quả hơn so với các quốc gia hành động đơn lẻ. Điều này thậm chí hữu ích ngay từ bây giờ. Theo tổ chức này, các chính phủ có thể hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ y tế, đưa ra chế độ làm việc linh hoạt, cấp thanh khoản cho ngành tài chính và hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng như du lịch.

Ngoài Covid-19, OECD cũng cho rằng, vẫn còn những rủi ro khác tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Đó là căng thẳng thương mại và đầu tư vẫn duy trì ở mức cao và có thể lan rộng, bất ổn quanh vấn đề Brexit và thị trường tài chính lao dốc gần đây.

“Chúng tôi rất thận trọng khi đưa ra dự báo này”, Boone nói, “Diễn biến hiện tại rất phức tạp và đang thay đổi từng ngày”.

 Minh Sơn (theo Bloomberg)