Tập đoàn Thủy sản Minh Phú báo lãi tăng vọt trong quý 2/2020 nhờ đâu?

Lãi ròng quý 2 của Thủy sản Minh Phú gấp 2,5 lần cùng kỳ

Trong quý 2, MPC ghi nhận doanh thu thuần giảm 34% xuống còn 2.736 tỷ đồng. Do giá vốn hàng bán giảm mạnh 35% nên lãi gộp giảm 25% còn 338 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh 64% lên hơn 73 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ chênh lệch tỷ giá chiếm hơn một nửa tổng doanh thu tài chính, ghi nhận 42 tỷ đồng. Minh Phú còn ghi nhận phần lãi từ Công ty liên doanh liên kết ghi nhận gần 11 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ.

Trong khi, Công ty đã tiết giảm các chi phí như chi phí tài chính giảm 63%, chi phí bán hàng giảm 48% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23%.

Nhờ đó, Công ty ghi nhận lãi ròng gần 179 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, cũng nhờ lợi nhuận phần lớn từ liên doanh liên kết nên Minh Phú có lãi tăng 51% lên 236 tỷ đồng mặc cho doanh thu giảm 26%.

Tính đến ngày 30/6, MPC đang đầu tư vào 14 Công ty con và 2 Công ty liên kết là Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản MP Aquamekong (49%), Công ty TNHH Mekong Logistic (41%).

Thủy sản Minh Phú đang loay hoay trở lại thời hoàng kim

Vào thời điểm hoàng kim, cổ phiếu của Minh Phú từng là mơ ước của nhiều công ty khi tăng 122.000 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, cuối tháng 3.2015, Minh Phú đã chính thức hủy niêm yết tự nguyện rời sàn HOSE với giá đóng cửa ở mức rất cao. Đó là thời điểm, Minh Phú muốn vươn ra biển lớn khi muốn hợp tác với đối tác ngoại nhưng lại vướng quy định niêm yết trên sàn chứng khoán.

Mặc dù Minh Phú là doanh nghiệp đầu ngành thủy sản Việt Nam, nhưng giá cổ phiếu lại luôn có xu hướng đi xuống, thanh khoản thấp kéo dài và không huy động được vốn trên thị trường. Đồng thời, giá giao dịch của cổ phiếu MOC cũng thấp hơn giá trị thực của Công ty. Vì thế, các nhà đầu tư chiến lược rất khó đầu tư vào Minh Phú bởi họ sẽ phải ghi nhận ngay khoản lỗ khi vừa giải ngân vốn.

Từ năm 2017, khi Minh Phú quay trở lại sàn chứng khoán với mong muốn có thể quay lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa năm nào Minh Phú hoàn thành được kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, trong Báo cáo tài chính quý I/2020, của công ty mẹ, doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.855 tỉ đồng giảm 15% so với cùng kỳ, sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt gần 143 tỉ đồng, giảm 12% so với quý I/2019.

Trong quý II/2020, biên lợi nhuận gộp tăng từ 8,1% lên 9,1% nhưng biên lợi nhuận ròng lại giảm từ 5,8% về chỉ còn 5,3%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 3.836,9 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 242,5 tỉ đồng, lần lượt giảm 25,4% và 36,4% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Nhìn lại doanh thu năm 2019, Minh Phú cũng đi thụt lùi khi hoàn thành doanh số xuất khẩu đạt 643 triệu USD, giảm 14,25% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được Ban lãnh đạo đưa ra là do thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của Công ty.

Với kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian làm việc, hai vợ chồng bà Bình và ông Quang đã lên kế hoạch gây dựng sự nghiệp riêng của mình. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè cộng với số tiền tích lũy, năm 1992, ông Quang và bà Bình đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Minh Phú với số vốn ban đầu là 120 triệu đồng.

Cho đến nay, Minh Phú đã tăng vốn liên tục, lên 90 tỉ đồng, 180 tỉ đồng, 600 tỉ, 700 tỉ và đến nay là 2.000 tỉ đồng và ông Quang vẫn được mệnh là “vua tôm”. Nói đến tài sản, tính đến thời điểm 2018, khối tài sản bà Bình sở hữu lên đến 1.700 tỉ đồng, cao hơn so với khối tài sản ông Quang nắm giữ là 1.500 tỉ đồng.

Vì vậy, ở vị trí Phó Tổng Giám đốc nhiều năm nay nhưng bà Bình vốn là tay hòm chìa khóa và là trụ cột của Minh Phú. Ở vị trí mới, bà Chu Thị Bình giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, trong khi ông Lê Văn Quang, chồng bà sẽ thôi kiêm nhiệm và chỉ còn giữ chức Tổng Giám đốc. Sau chuyển giao, ông Quang vẫn là người đại diện pháp luật của Công ty.

Trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, Minh Phú còn liên tục bị ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài. Tháng 1 vừa qua, Minh Phú nhận được thông tin qua báo chí về việc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với MSeafood, công ty con của Minh Phú tại Mỹ (điều tra EAPA). Đồng thời, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cũng áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của tổ chức Ủy ban thực thi thương mại tôm Mỹ (AHSTEC).

Hồi đầu năm, Minh Phú cũng bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm nguyên liệu của Ấn Độ vào Mỹ. Sự việc bắt nguồn từ lá thư gửi tới ủy viên Kevin McAleenan thuộc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ của đại biểu bang Illinois là ông Darin LaHood.

Đối tượng được ông LaHood nhắc đến là Tập đoàn Minh Phú và công ty nhập khẩu tại Mỹ của Tập đoàn là Mseafood Corporation. Lá thư trên cáo buộc Tập đoàn Minh Phú đã lách thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh từ Ấn Độ gây tổn hại tới các nhà sản xuất tôm của Mỹ và tạo ra mối nguy cho người tiêu dùng tôm tại Mỹ. Tuy nhiên, phía Minh Phú đã ngừng sử dụng nguyên liệu Ấn Độ từ tháng 2.2019.

Trước quá nhiều khó khăn, tháng 6 vừa qua, Minh Phú đã thay đổi kết quả kinh doanh vì lo ngại khó đạt được kết quả. Theo đó, mục tiêu năm nay doanh thu hơn 15.200 tỉ đồng và lãi sau thuế 915 tỉ đồng, giảm 30% so với dự kiến đầu năm.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ