Thái Lan gấp rút cứu kinh tế

Lễ hội té nước Songkran năm nay của Thái Lan sẽ rơi vào ngày 13-14/4 tới. Tuy nhiên, theo dự báo của Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT), tháng 4 có thể là tháng yếu nhất, với số lượng khách du lịch nguy cơ giảm 50-60%, vì tác động của dịch Covid-19.

“Mọi người cũng đang nói về việc không té nước vì virus, điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng không khí chung”, Giám đốc Cơ quan Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn cho biết, “Songkran năm nay có thể sẽ yên ắng”.

‘Cú đấm’ vào ngành du lịch

Du lịch là ngành chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế Thái Lan, chiếm 12% GDP. Năm ngoái, chi tiêu của riêng khách nước ngoài lên đến 1.930 tỷ baht, tương đương 11% tổng sản phẩm quốc nội. Sang năm nay, sau khi lượng khách tăng 2,5% vào tháng 1/2020, Covid-19 đã giáng một đòn mạnh, khiến tình hình xấu đi nhanh chóng.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. Trong tháng 2/2020, lượng khách đã giảm 44%. Chỉ riêng du khách Trung Quốc đã giảm 85%. Đầu tháng này, TAT dự báo tổng lượt khách nước ngoài sẽ giảm xuống 30 triệu, so với 39,8 triệu của năm ngoái.

Khách du lịch thưa vắng hơn bình thường tại khu Patong Beach, Phuket đầu tháng 3/2020. Ảnh: BI

Cao điểm du lịch của Thái Lan là từ tháng 11 đến tháng 3, nhưng Thareeya Deasakorn Khamkar – Giám đốc tiếp thị của resort Keemala tại Phuket, nói tình hình không có vẻ gì là đang trong mùa cao điểm. “Về cơ bản là nó đã kết thúc sớm và chúng tôi đang đi vào mùa thấp điểm”, cô nhận xét.

Krystal Prakaikaew Na-Ranong, đồng sở hữu khu nghỉ dưỡng cao cấp The Slate, nói rằng các khách sạn và hoạt động kinh doanh phục vụ riêng cho khách Trung Quốc gặp vấn đề lớn. “Một số doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa”, Na-Ranong nói.

Tuy nhiên, cô cho rằng còn quá sớm để hoảng sợ về tác động lâu dài của Covid-19. Khu nghỉ dưỡng của cô đang tìm cách thu hút khách hàng mới để bù lại những khách không thể đến Thái Lan vì dịch bệnh.

TAT thì dự đoán dịch bệnh có thể gây ra tác động trong 5-6 tháng và lượng khách sẽ chuyển biến tích cực từ tháng 7. Nếu không kịp có giải pháp hỗ trợ, ngành này sẽ mất khoảng 500 tỷ baht doanh thu.

Khó khăn bủa vây

Người Thái từng kỳ vọng khởi sắc trong năm mới, nhờ vào những tiền đề tốt đẹp từ bên ngoài, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt. Tuy nhiên, 3 sự kiện tiêu cực đồng thời xuất hiện, thay đổi hoàn toàn bối cảnh.

Đầu tiên là sự bùng phát của Covid-19, ảnh hưởng đến nền kinh tế thông qua nhiều kênh khác nhau. Lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất là du lịch, vốn phụ thuộc nhiều vào khách Trung Quốc và là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Còn trong nước, sự lo lắng của công chúng khiến tiêu dùng và đầu tư suy giảm, một phần bởi những tin đồn.

“Lúc này, các phương tiện truyền thông cũng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn, lan truyền một số thông tin sai”, Na-Ranong nói, “Họ tạo ra nỗi sợ, họ gieo nỗi sợ vào đầu mọi người”.

Ngoài ra, sản xuất đình trệ ở Trung Quốc, bao gồm cả điện tử và ôtô, có khả năng dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực. Một vấn đề đặc biệt đáng lo là tình hình lây lan phức tạp gây khó khăn cho việc đánh giá tác động tổng thể.

Một trở ngại khác là năm nay Thái Lan thông qua ngân sách tài khóa 2020 khá chậm, làm mất thời cơ vàng để kích thích tài khóa và đầu tư cho nền kinh tế. Cuối cùng, hạn hán nghiêm trọng hơn dự kiến đang ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Kết quả là thu nhập và sức mua của nông dân giảm đi.

Trong một phân tích ngày 17/2, Fitch Solutions cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2020 của Thái Lan từ 3% xuống còn 2%, nhấn mạnh Thái Lan là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở khu vực châu Á do tác động của Covid-19.

Chính phủ hành động

Dấu hiệu của suy thoái đã xuất hiện trên toàn bộ nền kinh tế Thái Lan, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực như vận tải, thương mại và các dịch vụ khác. Nhiều khách sạn đã ngừng hoạt động. Việc thiếu thanh khoản cũng đe dọa tương lai của các doanh nghiệp và thị trường việc làm.

Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) của Ngân hàng trung ương Thái Lan tháng trước đã bỏ phiếu nhất trí hạ lãi suất xuống 1%, mức thấp trong lịch sử. Đây cũng là ngân hàng trung ương đầu tiên phản ứng với sự bùng phát của Covid-19.

Khách du lịch đeo khẩu trang tham quan một ngôi chùa tại Bangkok trong lúc công nhân phun thuốc khử trùng ngày 12/3. Ảnh: AP

Khách du lịch đeo khẩu trang tham quan một ngôi chùa tại Bangkok khi công nhân phun thuốc khử trùng ngày 12/3. Ảnh: AP

Đến hôm 10/3, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã phê duyệt Giai đoạn 1 của một loạt các biện pháp cứu trợ tài chính nhằm giúp các công ty, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Đặc biệt, du lịch là trọng tâm của hành động lần này.

Chương trình này bao gồm 11 giải pháp, tập trung nhiều vào việc cho vay lãi suất thấp, giảm thuế và phí. Cụ thể, có hai gói cho vay ưu đãi gồm gói 150 tỷ baht lãi suất 2% trong 2 năm thông qua kênh ngân hàng và gói 30 tỷ baht lãi suất 3% trong 3 năm của Quỹ An sinh xã hội. Cùng với đó, điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại được nới lỏng. Riêng Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ và Ngân hàng Nhà ở Chính phủ sẽ tạm dừng thu nợ gốc và giảm lãi suất các khoản vay.

Nhiều loại thuế, phí khác nhau được giảm trong đợt này. Ví dụ như giảm thuế nhà thầu từ 3% xuống 1,5%; giảm đóng góp cho Quỹ An sinh xã hội của người sử dụng lao động và người lao động; các cơ quan chính phủ giảm phí cho thuê tài sản nhà nước…

Với Khamkar, dù resort Keemala buộc phải vào mùa thấp điểm một cách miễn cưỡng, cô nói rằng Thái Lan đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng. “Tôi trở về Thái Lan sau thảm họa sóng thần”, cô kể lại, “Mọi thứ bị xóa sổ, bắt đầu từ con số không. Chúng tôi đã vượt qua nó và sống sót”. Cô hy vọng khủng hoảng lần này cũng vậy. Mọi chuyện sẽ nhanh ổn thỏa và mọi người sẽ sớm tìm được sự cân bằng mới.

Phiên An (theo BI, Bangkok Post, TAT)