Thận trọng khi mua hàng hóa online chuyển khoản trước kẻo tiền ‘bay hơi’

Tiền bay hơi khi đặt mua thực phẩm chuyển khoản trước

Mới đây, trên trang cá nhân, diễn viên Thúy Diễm đăng tải nội dung chia sẻ việc cô bị lừa tiền mua hàng khi đặt mua thực phẩm trên mạng, đồng thời đưa ra lời cảnh báo thận trọng khi mua hàng online trong thời điểm hiện tại.

Thúy Diễm viết: “Nhà bị phong tỏa nên Diễm vào nhóm dân cư tìm mua thực phẩm cho gia đình trong khu vực trong phường. Giới thiệu món, báo giá xong kêu chuyển khoản, xong hẹn 4 giờ chiều ship qua, đợi 5 giờ không thấy, Diễm nhắn thì biết mình bị chặn số.

Diễm báo cho mọi người trong nhóm dân cư thì biết người này lừa mấy người rồi… Lúc dịch bệnh khó khăn, tiền bạc eo hẹp, lỡ gia đình nào không có tiền thì mất trắng. Mọi người cẩn thận mua đồ online trong thời gian này nhé. Ai kêu chuyển khoản trước thì nên kiểm tra xem đáng tin không đã…”.

Trước đó, lợi dụng việc Đà Nẵng thực hiện cách ly nhà với nhà, ai ở đâu ở đấy, nhu cầu mua sắm online tăng vọt, chủ yếu là hàng lương thực, thực phẩm, nên một số đối tượng lừa đảo người dân.

Trong đó, phổ biến nhất là dùng số điện thoại rác, tài khoản mạng xã hội ảo tham gia các hội nhóm đi chợ, tự nhận mình là shipper có thể giúp bà con mua hàng. Sau khi người mua gửi đơn hàng và chuyển tiền vào tài khoản thì các đối tượng chặn số, chiếm đoạt tiền mua hàng của người dân.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Sở Công thương TP Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện thông tin tuyên truyền đến người dân chỉ đặt hàng qua các kênh Hotline, Zalo, Facebook của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, qua shipper công nghệ. Khuyến cáo người dân không mua bán hàng hóa qua các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Đồng thời, yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa quản lý chặt chẽ đội ngũ nhân viên giao hàng, phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và các quy định phòng chống dịch.

Ngoài ra, Sở Công thương đề nghị Sở Thông tin – truyền thông phối hợp với UBND các quận huyện và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thông tin về các trường hợp lừa đảo, vi phạm pháp luật trong mua bán hàng hóa.

Dùng các “App” lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine COVID-19

Các đối tượng còn dùng các “App” lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine COVID-19, thiết bị y tế. Các ứng dụng này có hình thức đầu tư vào các gói vaccine COVID-19 hoặc thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… Người dùng bị dụ dỗ, lôi kéo đăng ký tài khoản tại một trang web hoặc “App” không rõ nguồn gốc, không có bản quyền công ty bảo hộ; việc đầu tư sẽ thu lời hàng ngày. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên Zalo, Telegram hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác. Nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi “App” sập, không thể rút lại tiền.