Thấy gì sau vụ ‘rau dởm biến hình vào siêu thị’?

Người tiêu dùng lựa chọn rau tại siêu thị. Ảnh: VGP.

Người tiêu dùng bị qua mặt

Mới đây, sau phản ánh của báo chí liên quan đến vụ việc hô biến rau dởm thành rau chuẩn VietGAP trong siêu thị gây bức xúc dư luận, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), chị Bùi Mến (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Từ trước đến nay gia đình tôi hầu như sử dụng rau trong siêu thị vì nghĩ dù giá có đắt hơn ngoài chợ nhưng dùng rau củ chất lượng thì sức khỏe được đảm bảo. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí không biết gia đình tôi đã ăn bao nhiêu rau của các cơ sở bị phản ánh”.

Chị Thanh Thanh (trú tại Đống Đa, Hà Nội) bức xúc lên tiếng: “Đây là hành vi đánh lừa người tiêu dùng, qua mặt cơ quan chức năng và nâng giá khống một cách bài bản. Rau không được kiểm định chất lượng thì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm… Ai biết được tình trạng này đã diễn ra từ lúc nào cho đến khi sự việc bị phanh phui? Có ai trả lại tiền, trả lại quyền lợi cho chúng tôi khi bỏ tiền thật nhưng mua phải hàng dởm?”.

Nhiều người tiêu dùng khác cũng cho hay: “Rau là món ăn hàng ngày, người tiêu dùng vì tin tưởng nên mới bỏ tiền mua giá cao hơn. Cuối cùng, đổi lại là rau như ngoài chợ mà giá trên trời”; “Những sự việc đau lòng như này làm ảnh hưởng hình ảnh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến hình ảnh người nông dân trồng rau, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân, sức khỏe người tiêu dùng”.

Còn nhớ một sự việc cũng làm dậy sóng dư luận trước đây khi người ta trồng cùng một loại rau nhưng chia thành các luống khác nhau. Luống rau để ăn thì không phun thuốc, luống rau để bán thì thấm đẫm hóa chất. Hay người bán hàng bắt sâu bỏ vào rau rồi bán cho người tiêu dùng và mặc nhiên rằng “rau có sâu là rau sạch”. Nhà văn Nam Cao từng viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”. Từ sự việc này khiến người ta có quyền hoài nghi: Liệu còn bao nhiêu cơ sở làm ăn gian dối như trên mà chưa bị phát hiện? Và cần phát huy vai trò của cơ quan chức năng như thế nào để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Bài học sâu sắc

Ngay sau khi thông tin về việc rau dởm xuất hiện, lực lượng chức năng đã lập tức vào cuộc. Cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các Đội Quản lý thị trường trực thuộc yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị trực thuộc và hiệp hội ngành hàng về công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản. Tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết chuỗi ngành hàng vẫn bị đứt gãy, giữa người sản xuất với người tiêu thụ, giữa người tiêu thụ với người tiêu dùng… “Sạch từ trang trại đến bàn ăn” là cả quá trình cần kết nối chuỗi ngành hàng. Trong chuỗi ngành hàng đó, bên cạnh việc cân bằng lợi ích của các bên còn là niềm tin. Tránh “treo đầu dê bán thịt chó” thì cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ.

Chia sẻ với báo chí, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, khi ký kết với nhà sản xuất phải có sự kiểm tra, kiểm soát, trước hết là về mặt giấy tờ. Nếu siêu thị làm bài bản còn có quy định riêng kèm theo sự giám sát tại cơ sở sản xuất. Cùng với đó là việc hạn chế mua của nhà cung cấp trung gian vì khó quản lý đầu vào. Các siêu thị cần mua trực tiếp của nhà sản xuất, hợp tác xã có sản phẩm đạt chuẩn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm, nếu không đã không để xảy ra vụ việc đáng buồn như trên. Hơn nữa, việc xử phạt đối với cơ sở vi phạm cần phải mạnh tay. Nếu hình thức xử phạt chỉ như “muối bỏ bể” các đối tượng sẽ vẫn tiếp tục hành vi vi phạm bởi lợi nhuận hấp dẫn, có thể dùng một phần lợi nhuận để đóng phạt cũng là điều không quá lạ lẫm.