Thị trường Việt: Ngành cá tra đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung

Theo bà Lệ Khanh, người nuôi cá ở Việt Nam đã giảm đáng kể sản lượng cá tra do thua lỗ trong hai năm 2019 và 2020, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu thô cho lĩnh vực chế biến và xuất khẩu trong năm nay.

“Các khách sạn, nhà hàng, trường học, văn phòng đã hoạt động lại nên nhu cầu cá tra đang dần trở lại mức bình thường. Cũng vì lẽ đó, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô có thể trở thành vấn đề đau đầu cho chúng tôi”, nữ chủ tịch Vĩnh Hoàn nói.

Chi phí thức ăn và cá bột đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá cá tra thu mua tại ao duy trì ở mức cao, bà Lệ Khanh cho biết thêm.

Ảnh minh họa

So với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2020 giảm 25% xuống còn 1,5 tỷ USD do tác động của đại dịch COVID-19. Giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long neo ở mức tương đối thấp trong nửa đầu năm 2020, sau đó tăng trở lại vào tháng 10.

Theo số liệu năm 2020 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – thị trường chính của Việt Nam, giảm 38,6% so với năm 2019 xuống còn 13,6 triệu USD.

Vĩnh Hoàn, nhà chế biến và xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu của công ty sang Trung Quốc giảm 24% trong cùng giai đoạn. Theo đó, Trung Quốc từ thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Vĩnh Hoàn nay tụt xuống vị trí thứ ba, xếp sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

“Nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh cho biết năm 2020, xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều cửa khó. Quy trình kiểm tra hàng hóa, thủ tục thông quan kéo dài và thiếu hụt container khiến quá trình thông quan tốn thời gian và chi phí tăng cao.

Trong khi đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn, chiếm 51% doanh số bán cá tra của công ty trong năm ngoái. EU vượt Trung Quốc để trở thành thị trường lớn thứ hai của ông lớn ngành cá tra Việt Nam sau khi Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 7/2020.

“Thuế xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU giảm đáng kể nhờ hiệp định EVFTA. Chúng tôi nhân cơ hội này để tăng doanh thu cá tra tại các nước châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Italy và Tây Ban Nha. Hiệp định này giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam ở thị trường châu Âu”, bà Trương Thị Lệ Khanh thông tin thêm.

Tuy nhiên, chủ tịch Vĩnh Hoàn cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam nói chung, chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra.

Triển vọng cá tra năm 2021

Chia sẻ thêm, bà Lệ Khanh cho biết dù đại dịch gây thiệt hại lớn cho toàn ngành thủy sản trong năm 2020, Vĩnh Hoàn vẫn tiếp tục sản xuất và dự kiến đầu tư 580 tỷ đồng vào các dự án như xây trại giống mới, cải tạo các trang trại hiện có, mở rộng nhà máy sản xuất collagen và xây kho đông lạnh mới.

Ngoài ra, Vĩnh Hoàn còn thành lập công ty con Vinh Technology (trụ sở tại Singapore) nhằm tăng cường hoạt động ở nước ngoài.

Năm ngoái, Vĩnh Hoàn cũng thông báo đang xây dựng nhà máy sản xuất dầu cá tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Nhà máy này dự kiến sẽ xử lý khoảng 100 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Hơn nữa, Vĩnh Hoàn cũng đang thành lập một công ty sản xuất thức ăn cho cá tra.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán năm 2021, xuất khẩu phục hồi nhưng giá thức ăn cá tra tăng cao sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn.

Ngoài ra, áp lực mở rộng sang các nhóm hàng tiêu dùng nhanh và phát triển thị trường nội địa cho cá tra cũng sẽ khiến lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đi xuống.

Cụ thể, VDSC nhận định năm 2021 Vĩnh Hoàn có thể đạt 9.014 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế dự báo giảm 10% xuống 634 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm từ 14,2% về 11,7%.

Theo Kinh tế Chứng khoán