Thực trạng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe điện

Xu hướng sử dụng xe điện ngày càng tăng mạnh

Theo ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN) cho hay, hiện nay, các quốc gia đang không ngừng đầu tư nguồn lực về kinh phí và nhân lực với mong muốn làm chủ công nghệ và đi đầu trong ngành công nghiệp xe điện. Tổng kinh phí của các Chính phủ dùng để hỗ trợ ngành xe điện là 14 tỷ USD riêng trong năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, số lượng xe điện được bán ra riêng trong năm 2020 đã tăng 70% so với năm 2019. Tổng số xe được lưu hành năm 2020 ước tính khoảng 3 triệu xe. Các mẫu xe điện cũng không ngừng cải tiến để đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Thực tiễn phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp và sử dụng xe điện đã đòi hỏi hệ thống tiêu chuẩn của mỗi quốc gia, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế luôn luôn phải thay đổi và cập nhật. Rõ ràng Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế phát triển mang tính tất yếu này.

Ở Việt Nam, thị trường sản phẩm xe điện đang được đánh giá là hấp dẫn với các nhà đầu tư. Số liệu Cục Đăng kiểm cho thấy xu hướng phát triển hiện tại của xe điện so với xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống. Cụ thể, tuy tỷ trọng của xe mô tô và xe máy điện sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 7% hàng năm, nhưng duy trì ở mức tăng trưởng đều.

Ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu của ô tô điện có tốc độ tăng trưởng lớn. Năm 2020 ghi nhận số lượng ô tô điện nhập khẩu tăng khoảng 500% so với năm 2019. Trong những năm gần đây ghi nhận sự tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng ô tô điện của các công ty trong nước. Dự kiến năm 2021 một loạt sản phẩm xe điện sẽ được đưa ra thị trường như các dòng xe buýt, xe ô tô con.

Trước sự phát triển của dòng xe điện ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đầy đủ, hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới.

Thực trạng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện

Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, hệ thống TCVN có khoảng 13.000 TCVN trong đó có các TCVN về xe điện, với mức độ hài hòa chung với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%. Hệ thống TCVN và QCVN về xe điện là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước, định hướng cho các nhà sản xuất và lắp ráp, cho ngành công nghiệp phụ trợ và góp phần bảo vệ người tiêu dùng đối với các sản phẩm xe điện.

Tổng số TCVN đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, trong đó ô tô có 140 tiêu chuẩn, mô tô xe máy 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn. Trong các TCVN trên thì có 39 TCVN áp dụng cho xe điện. Hệ thống TCVN được biên soạn bởi nhiều cơ quan QLNN, xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế và quy định pháp luật Việt Nam, cùng sự tham gia đóng góp của các chuyên gia, tổ chức…Vì vậy hệ thống TCVN được xây dựng đảm bảo về chất lượng cũng như được hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả to lớn, tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng các tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Bên cạnh đó có một số nội dung TCVN chưa đề cập đến, chưa đảm bảo được các yêu cầu phát sinh, thay đổi lớn trong thời gian gần đây.

Một số hạn chế, nội dung TCVN chưa đề cập đến như: Yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; Yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy của xe điện; Thuật ngữ và phân loại các mức độ của xe tự lái; Yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe tự lái; Yêu cầu về kỹ thuật và yêu cầu về thử nghiệm đối với hệ thống điều khiển trong quá trình vận hành; Yêu cầu về tái chế đối với ắc quy, pin sau một thời gian sử dụng; Yêu cầu và đặc tính của thiết bị nạp tự động; Phương pháp thử nghiệm để đánh giá hiệu năng của hệ thống phanh tái sinh; Yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn xe buýt điện… Việc hệ thống TCVN chưa đầy đủ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp xe điện và ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất của xe điện.

Cũng theo ông Triệu Việt Phương, trong hệ thống QCVN hiện có 21 QCVN quy định đối với xe điện, trong đó có 16 QCVN dùng chung với phương tiện ô tô, xe mô tô, xe gắn máy có 5 QCVN dành riêng cho xe điện. Hệ thống QCVN ban hành đưa ra quy định cho động cơ, ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe máy điện và kết hợp với một số QCVN chung về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối phương tiện giao thông chung. Các QCVN đó chưa bao quát được hết các vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy và xe điện. Bên cạnh đó, trong thời gian tới sẽ có một số nhà máy sản xuất xe buýt, xe con chạy điện nhưng hiện tại chưa có QCVN nào cụ thể cho các dòng xe này.

Cũng trong thời gian qua, trên thế giới ghi nhận đã có những trường hợp hoả hoạn gây ra cháy xe trong quá trình sạc điện gây nguy hiểm cho con người và điều kiện môi trường xung quanh. Tuy nhiên, hệ thống QCVN chưa có quy chuẩn kỹ thuật và an toàn cụ thể nào về tiêu chuẩn của thiết bị và hệ thống trạm sạc cũng như các yêu cầu an toàn trong quá trình sạc đối với các loại thiết bị này. Trong khi đó, hệ thống thiết bị sạc và trạm sạc là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện.

Những giải pháp cần thực hiện

Ông Triệu Việt Phương nhấn mạnh, mặc dù đã có những cố gắng nỗ lực của các bộ ngành trong thời gian qua khi một số tiêu chuẩn quốc gia về xe điện đã được xây dựng và công bố nhưng số lượng TCVN và QCVN đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện. Điều này đòi hỏi cần phải cập nhật, bổ sung trên cơ sở mức độ hài hòa lớn hơn với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Bởi trên thực tế, việc hoàn thiện hệ thống TCVN và QCVN còn giúp tạo nên hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, ngăn chặn các kiểu loại xe có chất lượng thấp xâm nhập vào Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, hệ thống TCVN đang thiếu các TCVN về yêu cầu an toàn kỹ thuật cho các loại xe điện hoạt động trong các lĩnh vực và phạm vi cụ thể như xe con điện, xe buýt điện…Hệ thống TCVN cũng đang thiếu các TCVN quy định yêu cầu kỹ thuật cho các thiết bị thuộc cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận hành khai thác sử dụng xe điện như hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin,…Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống các TCVN và QCVN đầy đủ hơn.

Về mặt giải pháp, ông Phương cho rằng, thứ nhất, cần tiếp tục cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách về phát triển xe điện ở Việt Nam. Ban hành các cơ chế khuyến khích sự tham gia đóng góp và phát triển hệ thống TCVN và QCVN từ phía các doanh nghiệp và các tổ chức hữu quan.

Hai là, tăng cường phối hợp giữa các nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, kinh doanh, phân phối với các đơn vị truyền thông, các cơ quan nhà nước hữu quan….nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến hệ thống TCVN và QCVN đã có

Ba là, cần sự vào cuộc chủ động, đồng hành nhiều hơn từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh….xe điện để có được nguồn lực mạnh, đủ khả năng rà soát, cập nhật và bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN và QCVN về xe điện ở Việt Nam.

Bốn là, trong quá trình hoàn thiện hệ thống TCVN và QCVN về xe điện thì trước hết ưu tiên phát triển các TCVN và QCVN về hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin… để có thể sớm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của các thiết bị và trạm sạc vào quản lý, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả, an toàn điện trong quá trình sử dụng.