Trung Quốc nỗ lực cắt ‘cơn thèm’ động vật hoang dã

“Nuôi động vật hoang dã có lợi hơn so với trồng trọt,” Wang nói. Năm ngoái, với việc bán 33 con cầy hương, cô lời được 50.000 nhân dân tệ (7.140 USD), gấp đôi so với lợi nhuận từ trồng lúa.

Người Trung Quốc có truyền thống dùng động vật hoang dã để ăn hoặc làm thuốc, dù có bằng chứng cho thấy một số loài như cầy hương là nguyên nhân gây ra dịch SARS 17 năm trước. Cùng với đó, thu nhập tăng cao trong vài thập kỷ qua cũng kéo theo nhu cầu động vật hoang dã – vốn được xem là món ngon đắt tiền.

Dù thiếu bằng chứng khoa học, nhiều người vẫn tin rằng tiêu thụ động vật hoang dã hoặc các bộ phận của chúng như xương hổ, sừng tê giác, có thể giúp tăng cường sức khỏe và chữa bệnh. Hay như cầy hương, được y học cổ truyền cho là có tác dụng cường dương.

Cầy hương được bày bán tại một chợ ở Quảng Châu năm 2004. Ảnh: SCMP

Trước đây, đáp lại những lo ngại của quốc tế với các loài có nguy cơ tuyệt chủng cũng như các vấn đề sức khỏe, Bắc Kinh hạn chế việc kinh doanh và cấm săn bắt chúng trong vài trường hợp. Nhưng họ cũng khuyến khích ngành công nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã, trở thành động lực tăng trưởng ở nông thôn.

Theo dữ liệu thống kê về lâm sản Trung Quốc, ngành chăn nuôi động vật hoang dã có quy mô 56 tỷ nhân dân tệ năm 2017, gấp 5 lần so với 10 năm trước đó. Trong khi đó, thị trường kinh doanh và tiêu thụ động vật hoang dã có quy mô tới 520 tỷ nhân dân tệ (74 tỷ USD) và sử dụng hơn 14 triệu lao động.

Những người chỉ trích cho rằng các trang trại lợi dụng việc không có quy định kiểm soát chính thức để lách luật và bắt động vật hoang dã trong tự nhiên. “Không có cách nào nuôi lớn động vật hoang dã nhanh đến vậy theo phương pháp hữu cơ”, một học giả kiêm cố vấn chính sách ở Bắc Kinh cho biết trên Financial Times.

Trên giấy tờ, Trung Quốc cho phép nuôi và kinh doanh 54 loại động vật hoang dã, trong đó có chuột túi và dúi. Nhưng thực tế, chính quyền địa phương mở rộng danh sách đến nhiều loài khác.

Zhou Jinfeng, Tổng thư ký Quỹ Phát triển xanh và Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Quốc, cho biết hàng trăm loài hoang dã – bao gồm nhiều loài quý hiếm – đã được rao bán. “Còn thiếu quy định chung về chăn nuôi và kinh doanh động vật hoang dã”, ông Zhou nói.

Việc chính sách không nhất quán có thể xuất phát từ xung đột lợi ích. Các hồ sơ công khai cho thấy hàng chục quan chức lâm nghiệp đã nghỉ hưu chịu trách nhiệm cấp giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã cũng có chức vụ trong các hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã địa phương – vốn được các trang trại tài trợ phần nào.

“Bạn trông chờ cơ quan lâm nghiệp nghiêm chỉnh thực thi các quy tắc bảo vệ động vật như thế nào khi nguồn tài chính của các cơ quan này đến từ chính ngành công nghiệp đó”, ông Zhou cho hay.

Dù đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra loài nào là nguyên nhân bùng phát virus corona, các nhà khoa học tin rằng sự thiếu kiểm soát ngành công nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã của Trung Quốc phần nào kích hoạt dịch bệnh này.

“Các thị trường động vật hoang dã tươi sống, chẳng hạn như các khu chợ thực phẩm lớn ở Trung Quốc… là nơi lý tưởng cho sự xuất hiện loại virus zoonotic (virus lây từ động vật sang người)”, Andrew Cunningham, Phó giám đốc khoa học tại Hiệp hội Động vật học ở London, cho biết.

Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc giờ cũng nghi ngờ việc kinh doanh động vật hoang dã đã góp phần trong dịch Covid-19. “Chúng ta phải kiên quyết đóng cửa và trấn áp thị trường kinh doanh động vật hoang dã bất hợp pháp”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong tháng này. “Thói quen xấu về việc ăn động vật hoang dã không giới hạn phải được loại bỏ”, ông nhận định.

Đến hôm thứ hai (24/2), quyết định cấm tiêu thụ động vật hoang dã chính thức được ban hành và có hiệu lực ngay lập tức. Nó cũng bao gồm việc trấn áp buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, SCMP đưa tin.

Yang Heqing, Phó giám đốc Văn phòng Kinh tế Luật, một cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nói rằng lệnh cấm bao gồm các động vật hoang dã đã được bảo vệ theo pháp luật, và các loài động vật hoang dã trên cạn khác trong các trại chăn nuôi, theo People’s Daily. Lệnh này cũng cấm săn bắn, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã trên cạn để ăn.

Động vật thủy sinh, gia súc, gia cầm và các động vật khác đã được nhân giống từ lâu ở nước này không được đưa vào lệnh cấm, ông Yang nói thêm. Sử dụng động vật hoang dã cho các mục đích khoa học và y tế sẽ được cho phép nhưng các cơ sở chăn nuôi sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.

“Cuối cùng cũng đã có một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc ăn thịt và buôn bán động vật hoang dã”, ông Zhou Haixiang, thành viên của Ủy ban Quốc gia về Con người và Sinh quyển Trung Quốc, nhận định. “Đây là một bước tiến lớn trong bảo vệ động vật hoang dã”, ông nói thêm.

Zhou Ke, giáo sư về luật tài nguyên và môi trường tại Đại học Renmin, cho biết việc kinh doanh liên quan đến động vật hoang dã đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ ở Trung Quốc. Do đó, điều chỉnh chuỗi công nghiệp này là điều rất khó. “Tuy nhiên, nếu tiêu thụ bị cấm và nhu cầu giảm, sẽ không có ai nuôi những con vật như vậy”, ông nói.

Một người giết mổ cá sấu tại chợ hải sản Huangsha, tỉnh Quảng Châu. Ảnh: EPA

Một người giết mổ cá sấu tại chợ hải sản Huangsha, tỉnh Quảng Châu. Ảnh: EPA

Hơn một nửa số người trong ngành – khoảng 7,6 triệu người – làm việc trong ngành lông thú và da, trị giá khoảng 390 tỷ nhân dân tệ. Khoảng 6,2 triệu người làm việc trong các trang trại chăn nuôi hoặc chế biến động vật làm thực phẩm.

Ở một số vùng nghèo của Trung Quốc, như Quý Châu hay Quảng Tây, nuôi động vật hoang dã là nguồn thu nhập quan trọng cho người dân. “Quyết định sẽ gây thiệt hại kinh tế cho các nhà chăn nuôi. Vì vậy, chính quyền địa phương có liên quan nên hỗ trợ họ chuyển đổi sản xuất và cung cấp tài chính”, Yang Heqing cho biết.

Wang Canfa, giáo sư luật môi trường của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc tại Bắc Kinh thì cho rằng chính phủ nên giúp chuyển đổi ngành chăn nuôi. “Chính sách này sẽ ảnh hưởng đến lượng lớn người dân trong các hoạt động hợp pháp hiện tại. Vì vậy, chính phủ nên cung cấp các chương trình giúp họ chuyển đổi”, ông nói.

Trước khi lệnh cấm được đưa ra, Trung Quốc cũng đã ban hành một lệnh cấm tạm thời việc vận chuyển và kinh doanh động vật hoang dã trong mùa dịch. Lệnh cấm này khiến Yuan Jun, một người nuôi cầy hương khác ở Jiangxi, mất đi một triệu nhân dân tệ kể từ tháng 1/2020.

Dù vậy, ông vẫn lạc quan về tương lai. “Mọi thứ sẽ trở lại bình thường khi giao thông vận tải được phục hồi”, ông Yuan nói.

 Phiên An (theo FT, SCMP)