Tự tin vẽ lại bản đồ bán lẻ Việt Nam

Xuyên suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam, hiện thực hóa mong muốn để “doanh nghiệp Việt làm chủ được hệ thống phân phối và chiếm lĩnh thị trường hàng Việt”.

Nhìn lại thời điểm cách đây hơn chục năm, làn sóng đầu tư của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường nội địa Việt Nam diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp ngoại khi đó với rất nhiều thế mạnh đã khiến cho doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ thua thiệt hơn các doanh nghiệp ở chỗ vốn ít, doanh nghiệp Việt Nam thời điểm đó còn yếu về năng lực cạnh tranh, thiếu sự liên kết liên doanh để tạo sức mạnh chung. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng chưa được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Thời kỳ này, thậm chí có một lãnh đạo của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã phải đau xót mà kêu gọi “chúng ta khi đang còn là những cô gái đẹp, phải bán đi (có nghĩa là bán doanh nghiệp cho nước ngoài) nếu không về già sẽ không ai chú ý đến”. Thậm chí một số doanh nghiệp như Phú Thái, Nguyễn Kim… dù đã được nhà nước hỗ trợ một phần trong lúc khó khăn nhưng vẫn phải bán đi cho doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều chuyên gia thương mại, các nhà quản lý đều có nhận định chung rằng, thời kì đó nhiều doanh nghiệp phải bán đi, hoặc phá sản, hoặc làm ăn thua lỗ, nên chúng ta đã mất đến 50% thị phần bán lẻ vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Đi đôi với việc ra sức chiếm lĩnh hệ thống các mạng lưới phân phối thì hàng hóa của Thái Lan và các nước cũng thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam và được trưng bày ở những vị trí đẹp nhất, thuận tiện nhất. Đây là điều đáng lo ngại nếu còn tiếp tục diễn ra thì hệ thống phân phối của Việt Nam sẽ cơ bản vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài. Mất hệ thống phân phối là mất cả thị phần sản xuất hàng Việt. Khi đó, nhiều người đã nghĩ đến việc có lẽ chúng ta phải đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài.

Đứng trước tình hình khó khăn trên, với quyết tâm cao và được sự lãnh đạo sát sao của Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực của doanh nghiệp bán lẻ Việt, từ những năm 2015 – 2016 đến nay, bộ mặt bán lẻ của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi.

Mở đầu cho sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp Việt là vào thời điểm tháng 12/2019, hai tập đoàn Masan và Vingroup đã trở thành một tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn của Việt Nam.

Đây là một phép cộng đẹp cho sự thay đổi nhận thức về hợp tác giữa doanh nghiệp Việt với nhau. Sự hợp tác này còn làm giảm bớt các chi phí sản xuất, bán hàng, đem lại giá bán có lợi nhất cho người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Liên tục trong 1-2 năm gần đây, các doanh nghiệp Việt đã vươn lên để mở rộng thị phần bán lẻ. Cụ thể giữa năm 2018, SG Coop đã mua lại toàn bộ hệ thống mạng lưới của Auchan trước khi họ rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Trước Auchan hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà chủ yếu công bố là thua lỗ, đã rút lui lần lượt ở thị trường VN. Ví dụ như vào năm 2015, Tập đoàn Parkson (Malaysia) đã đóng cửa nhiều trung tâm thương mại, Big C (Pháp) và Metro (Đức) đã rời đi và chuyển nhượng vào tay các tập đoàn bán lẻ Thái Lan. Gần đây nhất, tập đoàn Emart đã nhượng lại thương hiệu của mình trong 10 năm cho Thaco Trường Hải. Trước đó Shop&Go của Singapore cũng đã nhượng bán cho VinCommerce…

Ngược lại với tình hình không mấy sáng sủa và có chiều hướng sa sút của các doanh nghiệp ngoại đã nêu ở trên, thì các doanh nghiệp nội đã và đang âm thầm mở rộng và chiếm lĩnh lại mảng phân phối hiện đại. Minh chứng là Vincom Retail của Vingroup đang sở hữu trên 80 trung tâm trên toàn quốc và gần như không có đối thủ trong phân khúc bán lẻ này. Hay chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ với hơn 2500 điểm bán đang tăng tốc với những cú bắt tay liên kết của The CrownX, là đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ trực thuộc Masan.

Mới nhất, từ tháng 4/2021 tới nay, tập đoàn SK Hàn Quốc đã rót 410 triệu USD vào The CrownX. Nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) đã rót 400 triệu USD vào The CrownX.

Đến cuối tháng 5/2021, Masan tiếp tục công bố đầu tư vào chuỗi cà phê Phúc Long để cùng tăng sức mạnh thương hiệu Việt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ở phía Nam, Saigon Coop cũng từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào các sản phẩm riêng biệt, ngành hàng thực phẩm tươi sống chế biến sẵn, phát triển thêm các trung tâm thương mại, đại siêu thị khác, cũng các cửa hàng nhỏ tiện lợi Như Co.opFood, Co.op Smile… Họ đặt mục tiêu đạt tối thiểu có 2000 điểm bán lẻ vào năm 2025, tăng gần gấp đôi so với hiện nay.

Với Tổng Công ty thương mại Hapro – trực thuộc tập đoàn BRG cũng đã mở thêm hàng mấy chục điểm bán hàng ở Thủ đô Hà Nội để mở rộng thị phần kinh doanh, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu bán lẻ hiện đại ở Thủ đô từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Một hệ thống bán lẻ nội địa khác là Thế giới Di động đã tích cực xây dựng chuỗi Bách hóa xanh trong vài năm gần đây để vươn lên Top 3 các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam với 1700 điểm bán tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và tiến tới phủ rộng trên toàn quốc.

Qua tình hình thực tế ở trên cho thấy, trong giai đoạn 2015 – 2016 đến nay, ngành bán lẻ nội địa đã mạnh hơn và có thế chủ động hơn trên thị trường. Các doanh nghiệp nội đã tự giác liên kết với nhau và họ đã tìm thấy những điểm mạnh của nhau đế phát triển. Đặc biệt, họ đã tăng cường được sức cạnh tranh, sức mạnh nhiều hơn trước để có những cơ hội thâu tóm các công ty nước ngoài trong ngành phân phối bán lẻ.

Các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay thậm chí còn phát triển được việc bán hàng đa kênh, theo kịp sự phát triển của thời đại công nghệ số. Họ cũng tự phát triển sản xuất để đưa hàng hóa nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ, giảm trung gian, giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá trên thị trường – một trong những điểm yếu nhất của hệ thóng phân phối Việt Nam mà nhiều năm chưa được khắc phục. Tuy nhiên cho tới nay, bài toán này đã được các doanh nghiệp Việt đã bước đầu giải quyết.

Giành “trận địa” đã khó, giữ “trận địa” còn khó hơn. Mặc dù đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ, tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

Các doanh nghiệp Việt cần tự giác hoàn thiện mình về mọi mặt từ đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang, đáp ứng nhu cầu của thời đại công nghệ số để tiếp tục phát triển nhanh trong lĩnh vực bán lẻ. Bán lẻ phải luôn luôn gắn kết với vùng sản xuất hàng hóa Việt, nhất là hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam đang có thế mạnh. Đó cũng chính là đảm bảo ổn định cho đầu vào của hệ thống phân phối Việt.

Thêm vào đó, giữa sản xuất và nhà bán lẻ Việt phải có mối quan hệ giao dịch mua bán một cách minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, mở rộng cửa đón hàng hóa nhất là hàng nông sản thực phẩm đang rất cần giải quyết đầu ra khi thu hoạch, giảm bớt những thiệt hại không đáng có mà bằng chứng là những đợt giải cứu hàng năm thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, cần phải loại bỏ hiện tượng ép giá, ép cấp, đưa những mức chiết khấu cao vô lý đối với hàng kí gửi đại lý, gây thiệt hại cho người sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội tiêu dùng.

Tại Việt Nam, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có những tập đoàn bán lẻ lớn, chính vì vậy, sự hợp tác liên doanh liên kết một cách chân thành và trách nhiệm là điều hết sức cần thiết, chấp nhận vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Song song với đó là tiếp tục xây dựng thương hiệu bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, gây dựng niềm tin lâu dài cho người tiêu dùng bởi mất niềm tin là mất tất cả.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rõ bức tranh tươi sáng của bán lẻ Việt đang được vẽ ra. Và đã đến lúc các doanh nghiệp Việt hãy cùng nhau tự tin vẽ lại bản đồ bán lẻ Việt Nam, cùng nhau hành động tạo ra những vector tổng hợp chung, làm chủ vững chắc hệ thống phân phối và sẵn sàng mở cửa rộng thuận tiện để đón hàng Việt vào phục vụ người tiêu dùng.

Bởi trên thực tế, hệ thống bán lẻ Việt đóng góp khoảng 14% GDP và giải quyết công ăn việc làm cho 6-7 triệu người, đóng góp phần quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta cũng cần đặt niềm tin vào việc trong thời gian tới, ngành bán lẻ Việt sẽ phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn, góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của đất nước từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Theo Chất lượng Việt Nam Online