Ứng phó ra sao khi hàng hóa ‘dính’ điều tra phòng vệ thương mại?

Nhiều mặt hàng “dính” điều tra về phòng vệ thương mại

Theo thông tin từ Bộ Công thương, tính đến tháng 10/2022, Việt Nam ghi nhận 224 vụ việc bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới khó khăn, xung đột Nga – Ukraine chưa có hồi kết khiến nhiều quốc gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ hàng hóa trong nước. Trong các thị trường lớn, Hoa Kỳ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (43 vụ).

Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông lâm thủy sản như: gỗ, cá tra – basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như: thép, máy cắt cỏ… thậm chí sản phẩm bìa kẹp hồ sơ. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.

Với mặt hàng mật ong có thời điểm Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 400%. Ảnh minh họa.

Điển hình, với mặt hàng mật ong có thời điểm Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 400%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành xử lý hiệu quả nên mức áp dụng chống bán phá giá mật ong giảm 7 lần xuống 58 – 62%, tùy từng doanh nghiệp.

Hay đối với thép cũng là mặt hàng liên tiếp “dính” các vụ kiện về phòng vệ thương mại. Cuối tháng 7/2022, Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) từ một số quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại… Bộ Công thương đã đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm ống thép liên quan tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ.

Theo thống kê, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Những mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn sang bên thị trường Hoa Kỳ là điện tử, dệt may, da giày, gỗ và mặt hàng thép. Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu sang Hoa Kỳ ngày càng tăng mạnh, một số nhóm hàng bùng nổ doanh số nên các hàng hóa này có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại trong thời gian tới.

Đâu là giải pháp ứng phó?

Bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khi một quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá trợ cấp hoặc chống lẩn tránh, công việc đầu tiên họ cần phải xác định là kiểm tra hàng hóa đó có xuất xứ từ đâu và hàng hóa từ những thị trường bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hay không.

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

Về việc ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hệ thống quản lý xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ dựa trên nguyên tắc quản lý hậu kiểm. Đặc biệt, khi doanh nghiệp bị điều tra thì cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và theo đúng thời hạn.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần có sự chủ động, tích cực và khắc phục tâm lý e ngại khi vướng phải các vụ việc điều tra; nâng cao năng lực, hệ thống quản trị của doanh nghiệp góp phần hạn chế những rủi ro bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.

Ngoài ra, doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao. Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ cũng như các thị trường khác trên thế giới, vẫn cần có cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho doanh nghiệp về vấn đề này.