Vacine Covid-19 – chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Hiện nay, cả nước đang bước vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với 150 triệu liều vaccine Covid-19 tiêm cho 70% dân số, nhằm hướng đến mục tiêu cuối năm 2021 đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Có thể nói, với cách tiếp cận sức khỏe người dân là trên hết, chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đến từ việc ngăn chặn dịch lây lan và đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19.

Để thực hiện chiến lược vaccine, Chính phủ yêu cầu các ngành đẩy mạnh giải pháp mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Trong đó, lưu ý phải thống nhất tại một đầu mối, phối hợp tốt để bảo đảm cấp phép, quản lý, bảo đảm chất lượng vaccine, chống cạnh tranh giữa tư nhân và Nhà nước.

Thực tế cho thấy, người dân và doanh nghiệp sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ để mua đủ số lượng vaccine tiêm hai mũi cho người dân. Sự đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 thời gian qua đã thể hiện rõ điều này.

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang.

Tuy nhiên, để mua sớm được vaccine với số lượng lớn đang là khó khăn. Nhiều chuyên gia khuyến nghị: Trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên toàn cầu chưa đủ cung cấp cho nhu cầu và có sự cạnh tranh lớn trong việc mua vaccine, Việt Nam cần đàm phán với các hãng dược để mua theo giá thị trường.

Ngoài vaccine AstraZeneca, cần mở rộng đàm phán với các hãng Pfizer, Moderna…, đồng thời tranh thủ quan hệ với các quốc gia tìm nguồn vaccine họ chưa dùng tới. Các chuyên gia nêu hai khuyến nghị lớn: Đối với tiếp cận vaccine, cần phát đi thông điệp mới là Việt Nam có nguồn lực tài chính và sẵn sàng trả theo giá thị trường.

Đây là bài học được rút ra từ các quốc gia đã tiêm chủng thành công ở diện rộng và do cho phép các tổ chức, doanh nghiệp đứng ra mua, Nhà nước cần cơ chế giám sát và quản lý rủi ro, nắm vai trò điều tiết dẫn dắt để tránh nguy cơ mua phải vaccine giả, kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cạnh tranh vaccine toàn cầu diễn ra mạnh mẽ khiến vaccine Covid-19 trở thành một vấn đề chính trị, không đơn thuần là vấn đề kinh tế. “Muốn vaccine không trở thành câu chuyện chính trị, phải quay trở lại định hướng của Đảng từ cách đây 15 năm rằng, ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định. Điều này có nghĩa chúng ta phải vừa tăng cường năng lực sản xuất vaccine, vừa cố gắng đàm phán mua vaccine về tiêm cho người dân và mở cửa lại nền kinh tế.

Rất nhiều phân tích trên thế giới dự đoán, vaccine Covid-19 không miễn dịch cả đời mà cần nhắc lại hằng năm. Do đó, nếu không tự sản xuất được vaccine, phải đi mua và trông vào viện trợ sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả phòng, chống dịch của đất nước. Cần phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất và tiêm chủng vaccine trong nước sản xuất, đáp ứng yêu cầu cấp bách vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế”, TS Nguyễn Đức Kiên cho hay.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, tại Việt Nam, kết quả phòng, chống dịch Covid-19 đã có những thành công. Song để đáp ứng yêu cầu mới, cần đẩy mạnh chiến lược nghiên cứu, sản xuất vaccine thông qua chương trình đầu tư công lớn và khuyến khích khối tư nhân tham gia…

Theo Chất lượng Việt Nam Online