Vietnam Airlines: Bất đắc dĩ phải giảm lương, cho một số nhân viên nghỉ không lương

Vietnam Airlines phải để một số nhân viên nghỉ không lương

Tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (ủy ban) ngày 27.2 để đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc ủy ban, nhiều “ông lớn” từ vận tải, đến xăng dầu, hóa chất đều “kêu” đang gồng mình chống đỡ. Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đã chia sẻ về những tác động của dịch mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết tích lũy của 4 – 5 năm vừa qua quay về con số 0. Theo đó, vị lãnh đạo hãng cho hay, dịch Covid-19 đã kéo lùi ngành hàng không thế giới 4-5 năm và tích lũy của Vietnam Airlines trong 4-5 năm qua đã bốc hơi vì dịch.

Ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều bị ảnh hưởng nặng nề. Việc bùng phát dịch ở Italy cũng làm cho đường bay châu Âu gặp khó khăn.

CEO của Vietnam Airlines cho biết do nhu cầu di chuyển của hành khách giảm mạnh, doanh nghiệp đang thừa khoảng 20 – 30 máy bay vào tuần trước và tuần này có thể phải thừa 40 chiếc.

Dự báo được điều này sớm nên Vietnam Airlines cũng chủ động tìm đối tác cho thuê tàu bay, nhưng tháng 1 vừa qua, hợp đồng cho thuê 10 chiếc gần xong cũng phải huỷ bỏ”, ông Thành nói.

Vị này cho hay tại Hàn Quốc, từ ngày 24/2, Vietnam Airlines đã sơ tán các cán bộ, nhân viên không phải thực hiện khai thác nhiều về nước, số lượng nhân viên làm việc văn phòng đại diện của hãng tại Hàn Quốc chỉ duy trì con số tối thiểu. Tính tổng cộng, 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

Cùng với đó, lương lãnh đạo cũng bị giảm 40%, lương của cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Vietnam Airlines cũng phải đàm phán với lao động người nước ngoài để họ nghỉ không lương trong một thời gian. Trước mắt, làm việc với phi công nước ngoài để họ nghỉ không lương 3 tuần.

Những biện pháp ứng phó chưa từng có để vượt qua khủng hoảng

CEO của Vietnam Airlines lo ngại rằng việc học sinh nghỉ học kéo dài khiến hàng không Việt không còn cao điểm hè trong thị trường nội địa. Hiện hãng đang phải thực hiện những biện pháp ứng phó chưa từng có để vượt qua khủng hoảng tài chính, và đối phó với dịch bệnh trong bối cảnh này.

Về tiêu chuẩn dịch vụ trên không, Vietnam Airlines sẽ tạm ngừng cung cấp suất ăn nóng, chỉ phục vụ nước suối đóng chai và cấp đồ ăn nhẹ đóng gói cho hành khách hạng Phổ thông để hạn chế tiếp xúc vật phẩm dùng nhiều lần; không phục vụ báo, gối và chỉ phục vụ chăn trong trường hợp hành khách cần sự trợ giúp về y tế.

Nhiệt độ khoang hành khách luôn được duy trì ở mức 26 độ C trong suốt thời gian bay để hạn chế điều kiện tồn tại và phát triển của virus SARS-CoV-2. Hành khách từ Hàn Quốc về Việt Nam sẽ được Vietnam Airlines phát tờ khai sức khoẻ và hoàn thành cung cấp thông tin trước khi chuyến bay hạ cánh.

Vietnam Airlines sẽ tạm ngừng cung cấp suất ăn nóng, chỉ phục vụ nước suối đóng chai và cấp đồ ăn nhẹ đóng gói cho hành khách hạng Phổ thông để hạn chế tiếp xúc vật phẩm dùng nhiều lần.

Trước đó Vietnam Airlines công bố các chuyến bay tới Hàn Quốc của hãng đều được quay về Việt Nam ngay, tổ bay thực hiện chuyến bay không nhập cảnh vào Hàn Quốc. Việc này để bảo vệ an toàn cho hành khách và người lao động.

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), than rằng các hãng hàng không thiệt 1, thì ACV thiệt 1,2 – 1,5 lần, bởi hoạt động của ACV liên quan đến toàn bộ hoạt động dịch vụ qua cảng.

Dù vậy, theo lãnh đạo ACV, trong hoàn cảnh ít khách này thì cũng có “thời cơ” để sửa chữa hạ tầng, như 2 đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất vì kinh nghiệm sau dịch SARS 2003 cho thấy sau mỗi dịch bệnh thường đón đầu đợt tăng trưởng mới.

Tại cuộc họp đánh giá thiệt hại của ngành vận tải do dịch Covid-19 của Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 27/2 vừa qua, thay vì dự kiến thiệt hại 10.000 tỷ đồng như cách đây nửa tháng, theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ