Vinachem vẫn chưa thoát khỏi gánh nặng loạt dự án yếu kém

Báo cáo tình hình sản xuất – kinh doanh quý I/2020 của Vinachem cho thấy, trong kỳ, Tập đoàn đạt doanh thu 9.357 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 8.923 tỷ đồng, đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, 4 doanh nghiệp gồm CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, CTCP DAP – Vinachem; CTCP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ 803 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo lý giải của Vinachem, tình hình sản xuất – kinh doanh của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô và tác động của các chính sách, quy định của Nhà nước, đặc biệt là các bất cập trong quy định về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón.

Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến các đơn vị của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tiến độ sửa chữa máy móc thiết bị…

Đây là những nguyên nhân chính khiến kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh trong các tháng đầu năm của toàn Tập đoàn đạt thấp so với cùng kỳ năm trước cũng như kế hoạch đã được giao.

Riêng CTCP DAP – Vinachem, vốn là niềm hy vọng phục hồi duy nhất trong số 4 doanh nghiệp yếu kém cũng bắt đầu lỗ trở lại trong năm 2020. Quý I, công ty này ghi nhận doanh thu thuần hơn 400 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ và lỗ 6 tỷ đồng.

Theo lý giải của DAP-Vinachem, do bán hàng khó khăn khiến dòng tiền thiếu hụt cho đầu vào nguyên liệu và duy trì sản xuất – kinh doanh, Công ty đã phải tăng vốn vay lưu động từ ngân hàng để ứng phó. Biến động của tỷ giá ngoại tệ đã dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá thanh toán.

Mặt khác, việc tăng tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước cũng khiến chi phí quản lý cao hơn cùng kỳ, chưa kể những tác động kéo dài từ dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng khó khăn về bán hàng trong những tháng tới.

Đánh giá về tình hình kinh doanh trong 2 quý cuối năm, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem cho rằng, việc thiếu nguyên liệu, thiếu máy móc thiết bị do chậm nhập khẩu hay phải mua với giá cao sẽ tiếp tục là những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp trong Tập đoàn phải đối mặt.

Ngay trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đầu tháng 4 vừa qua, Vinachem ước tính, các nhóm ngành chính của Tập đoàn chỉ còn đủ nguyên liệu đến tháng 5/2020.

Để giải quyết bài toán này, ông Hiệp cho biết, Tập đoàn đã và đang chủ động tìm nguồn hàng thay thế trong nước hoặc ở các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời làm việc với các nhà cung cấp về nhu cầu cả năm 2020 để cố gắng đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất ổn định trong thời gian tới.

Tuy nhiên, câu chuyện đáng lo ngại nhất hiện nay của Vinachem là 4 doanh nghiệp yếu kém nói trên.

Tính toán của Vinachem cho 3 kịch bản về thời điểm kết thúc của dịch bệnh Covid-19 cho thấy, nếu dịch bệnh kết thúc trong quý II hoặc kéo dài tới quý IV thì mức lỗ của 4 doanh nghiệp này ước tính lên tới 3.440 – 3.700 tỷ đồng trong năm nay, tương đương tăng từ 34 – 41% so với kế hoạch ban đầu (-2.576 tỷ đồng).

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ