Vốn ngoại rót vào Bất động sản giảm mạnh

Trong 8 tháng qua, lượng vốn FDI đăng ký đổ vào lĩnh vực BĐS chỉ đạt 1,6 tỉ USD, giảm 1,27 tỉ USD (tương đương hơn 44%) so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, vốn đầu tư gián tiếp thông qua đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh BĐS trong 8 tháng chỉ đạt 557,4 triệu USD, giảm hơn 50% so với con số 1,2 tỉ USD cùng kỳ năm 2020 và giảm đến 65% so với con số 1,6 tỉ USD năm 2019.

Theo Savills, một trong những nguyên nhân khách khiến lượng vốn ngoại vào BĐS Việt Nam sụt giảm là do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển.

Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, có nhiều chủ đầu tư mong muốn chuyển nhượng dự án, tuy nhiên lại không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển BĐS. Bởi theo quy luật chung, một nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người dưới 7.000 USD (không tính các quốc gia kém và chậm phát triển) thì tốc độ phát triển của thị trường BĐS sẽ rất mạnh do nhu cầu về nhà ở còn rất cao. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đang dừng mở mức khoảng 3.000 USD.

Thực tế, trong thời gian gần đây, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang có xu hướng tăng và nền kinh tế đang dần chuyển sang dịch vụ, công nghiệp nên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam vốn đã có nội lực, nên khi vốn đầu tư nước ngoài đưa vào thị trường sẽ làm cho nguồn nội lực này thêm mạnh mẽ thúc đẩy thị trường phát triển. Tuy nhiên, để nền kinh tế nói chung hay thị trường BĐS nói riêng phát triển trong thời gian tới, Chính phủ cần kiểm soát tốt dịch bệnh hoặc có giải pháp thích nghi với dịch bệnh như nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành. Ngoài ra, các thể chế, luật đầu tư cần cải thiện nhiều hơn để phù hợp với thông lệ quốc tế, không còn là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 8 tháng đầu năm 2021, có 5.163 doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thành lập mới tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp nói trên đạt khoảng 323.385 tỉ đồng giảm 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể là 611, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.044, tăng 18%. Riêng số doanh nghiệp rời thị trường tạm thời là 1.280 doanh nghiệp, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái.