10 sự kiện tiêu biểu của thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2021

FWD Việt Nam tăng vốn điều lệ lên gần 17.000 tỷ đồng

Tháng 3/2021, FWD đã tăng vốn điều lệ lên 16.961 tỷ đồng. Với mức vốn này, FWD Việt Nam tiếp tục giữ vị trí công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam tính theo vốn điều lệ.

Trả lời báo chí, ông Vương Gia Vũ – Phó Tổng Giám đốc Tài chính FWD Việt Nam cho biết: “Nguồn tài chính này là nền tảng giúp FWD phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới mang tính đột phá, mở rộng các kênh phân phối đa dạng, tiếp tục đầu tư vào công nghệ và nâng cao trải nghiệm của khách hàng”.

FWD Việt Nam là thành viên của Tập đoàn bảo hiểm FWD – được thành lập năm 2013, trực thuộc tập đoàn đầu tư Pacific Century Group. FWD có hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông, Ma Cao, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia. Tập đoàn này cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm trợ cấp người lao động và dòng sản phẩm Takaful theo luật Shariah.

Năm 2016, Tập đoàn bảo hiểm FWD mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern (Việt Nam) và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam. FWD Việt Nam tập trung phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực tế của khách hàng, bao gồm: bảo hiểm nhân thọ, tai nạn cá nhân, bệnh hiểm nghèo và các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khác.

Lần tăng vốn điều lệ gần nhất của FWD Việt Nam diễn ra vào tháng 12/2020, khi đó vốn điều lệ của công ty tăng từ 13.937 tỷ đồng lên hơn 15.174,2 tỷ đồng.

Cathay Life Việt Nam tăng vốn điều lệ lên 690 triệu USD

Cũng trong tháng 3/2021, Cathay Life Việt Nam đã chính thức được Bộ Tài Chính Việt Nam chấp thuận về mặt nguyên tắc việc rót thêm 400 triệu USD vào vốn điều lệ tại thị trường Việt Nam. Sau 12 năm hoạt động và qua 5 lần tăng vốn điều lệ, Cathay Life giữ vững vị trí hàng đầu thị trường bảo hiểm Việt Nam với vốn điều lệ mới sau khi tăng là 690 triệu USD.

Công ty TNHH BHNT Cathay thành lập tháng 8/1962, trực thuộc tập đoàn tài chính hàng đầu Cathay. Tại Đài Loan, Công ty BHNT Cathay hiện là thương hiệu số một trong ngành bảo hiểm nhân thọ.

Công ty TNHH BHNT Cathay bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2007 với số vốn đầu tư 60 triệu USD. Sau 3 lần tăng vốn, Cathay Việt Nam trở thành một trong những công ty bảo hiểm có vốn điều lệ cao nhất thị trường bảo hiểm Việt Nam vào năm 2016.

Cathay Việt Nam đặt mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ chuyên nghiệp nhất Việt Nam. Mục tiêu lâu dài mà công ty đặt ra là thị phần tổng phí bảo hiểm đạt 5%. Tính đến thời điểm hiện tại, Cathay có 6 chi nhánh và 69 văn phòng kinh doanh trên toàn quốc.

Mipec thoái sạch vốn tại Bảo hiểm quân đội (MIC)

Đầu tháng 6/2021, Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec) cho biết đã bán ra thành công toàn bộ gần 4,3 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC – HoSE: MIG). Giao dịch được khớp lệnh trên sàn từ ngày 26/5 đến 9/6. Ước tính với giá trung bình 17.600 đồng/cp trong khoảng thời gian trên, Mipec sẽ thu về khoảng 75,5 tỷ đồng từ giao dịch.

Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (tiền thân là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội) được thành lập theo Quyết định số 871/BQP ngày 22/2/2007 của Quân uỷ Trung ương và Giấy phép số 43GP/KDBH ngày 08/10/2007 của Bộ Tài chính.

Tính đến nay MIC nằm trong top công ty nghìn tỷ có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng và quy mô gần 2000 nhân sự. MIC hiện có 69 công ty thành viên, hơn 467 phòng kinh doanh và 4.500 đại lý bảo hiểm được ủy quyền trên toàn quốc.

Hiện tại, MIG tổng doanh thu tính đến 30/9/2021 đạt 2.872 tỷ đồng, tăng trưởng 21,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.684 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước, luôn duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với thị trường gấp 4 lần, đứng Top 5 về thị phần. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 9 tháng của MIC đạt 186 tỷ đồng.

Riêng mảng kinh doanh bancassurance cũng vẫn ghi nhận những thành tích tốt với doanh thu từ mảng này của các chi nhánh đạt 366 tỷ đồng và tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm

Thời điểm giữa năm 2021, thị trường bảo hiểm xôn xao về việc khách hàng Nguyễn Văn Khánh (Hải Phòng) mua 19 hợp đồng tại 13 công ty bảo hiểm. Vụ việc đã được Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) tố giác đến cơ quan công an vì nghi ngờ ông Nguyễn Văn Khánh có hành vi trục lợi bảo hiểm.

Trong văn bản số 61/HHBH/2021 ngày 29/4/2021 mà IAV gửi cơ quan chức năng nêu rõ IAV đã có những bằng chứng cho thấy ông Khánh đã biết trước mình bị K tuyến giáp vì trước đó khách hàng này lấy tên là Khanh đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhận được kết quả chuẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp.

Ngay sau đó, từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, ông Khánh đã che giấu việc mình bị bệnh để mua 19 hợp đồng bảo hiểm sức khoẻ mức cao nhất. Theo đó, mỗi năm ông Khánh đóng trên 200 triệu đồng tiền phí bảo hiểm tại 13 DNBH nhằm mục đích yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm khi đã hợp pháp hoá hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại bệnh viện K Hà Nội.

Sau khi mua bảo hiểm hơn 3 tháng, người này đã được Prudential, MB Ageas, Bảo hiểm Bảo Việt và VBI chi trả số tiền bảo hiểm gần 4 tỷ đồng. IAV cho rằng nếu không kịp thời điều tra làm rõ và ngăn chặn hành vi gian dối, trục lợi của khách hàng thì các công ty bảo hiểm còn lại sẽ phải tiếp tục chi trả số tiền bảo hiểm ước tính lên tới 20 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.

Sự việc nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận cũng như ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau của những người trong và ngoài ngành về vấn đề trục lợi/gian lận bảo hiểm trong thị trường.

PJICO đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong hơn 26 năm hoạt động

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 được PJICO công bố cho biết đến hết tháng 6/2021, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt 1.564 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động kể từ năm 1995, bảo hiểm PJICO ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng trên 202 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2020 và vượt kế hoạch cả năm 2021.

Tính đến hết 30/6/2021, vốn chủ sở hữu của PJICO tăng thêm 7,5% so với đầu năm, đạt mức 1.588 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt mức 6.516 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 7% so với đầu năm 2021.

Năm 2021, PJICO dự báo khai thác các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, tàu thủy, hàng hóa, tài sản kỹ thuật sẽ khó khăn hơn do khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề sau 3 đợt dịch Covid-19 và giãn cách xã hội trước đó.

Được biết, năm 2021, hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu tổng doanh thu bảo hiểm gốc 3.565 tỷ đồng (không bao gồm tàu cá theo Nghị định 67), lợi nhuận trước thuế 202 tỷ đồng, dự kiến chi trả cổ tức 12%.

Cổ phiếu bảo hiểm ‘dậy sóng’

Năm 2021, đa số cổ phiếu bảo hiểm (trừ một mã bảo hiểm nhân thọ) có mức tăng giá cao hơn nhiều so với mức tăng của chỉ số VN-Index. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 9/12, nhóm 9 mã cổ phiếu trong lĩnh vực bảo hiểm tăng bình quân 52,1%, trong khi VN-Index tăng 33%. Trong đó, đa số cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ đều tăng giá mạnh. Trong đó, cổ phiếu PTI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện tăng 101,9%; cổ phiếu VNR của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam tăng 87,6%; cổ phiếu BMI của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh tăng 71,1%; cổ phiếu PVI của Công ty cổ phần PVI tăng 60%,…

Một trong những yếu tố được cho là nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành bảo hiểm dậy sóng đó là khung pháp lý mới góp phần nâng cao triển vọng dài hạn của ngành bảo hiểm. Cụ thể, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, dự kiến có hiệu lực từ năm 2023. Nhiều công ty chứng khoán như SSI, KIS Việt Nam, Chứng khoán Rồng Việt đều đánh giá tích cực về việc Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến được ban hành và cho rằng những thay đổi trong khung pháp lý mới sẽ là nền tảng vững chắc, là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm.

Tiki chuyển sang làm bảo hiểm, được định giá tỷ USD và sắp IPO tại Mỹ

Đầu tháng 11/2021, thông tin Tiki chuyển sang làm bảo hiểm đã được tiết lộ. Theo đó, công ty đã huy động được 258 triệu USD vốn đầu tư từ AIA Insurance Inc,. Điều này diễn ra trong bối cảnh Tiki muốn mở rộng mảng kinh doanh của mình sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài AIA Insurance, các nhà đầu tư tham gia vào vòng gọi vốn Series E này của Tiki còn có ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, quỹ đầu tư Mirae Asset – Naver Asia và nhà mạng Taiwan Mobile. Những nhà đầu tư đã từng bỏ tiền trước đó vào Tiki là Sumitomo Corp, Northstart Group và JD – gã khổng lồ trong làng thương mại điện tử Trung Quốc.

Nguồn vốn mới sẽ giúp đẩy nhanh các khoản đầu tư của Tiki vào lĩnh vực hậu cần, bao gồm việc phát triển công nghệ AI và hệ thống robot để quản lý hàng tồn kho, xử lý đơn đặt hàng và cả việc giao hàng. Tiki cũng đang có kế hoạch cung cấp các gói bảo hiểm nhân thọ tùy chỉnh và dễ tiếp cận với người dùng.

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn – Founder và CEO Tiki, với khoản đầu tư này, định giá của Tiki giờ đây lên đến gần 1 tỷ USD. Hiện Tiki cũng là một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam với quy mô khoảng 4.000 người.

Cũng theo tiết lộ của ông Sơn, Tiki có ý định sẽ IPO tại Mỹ vào năm 2025. Tuy vậy, kế hoạch này sẽ được đẩy sớm lên một năm, ông Sơn cho biết.

Bamboo Capital Group (BCG) thế chân IAG tại AAA

Ngày 2/12/2021, hồ sơ xin phép chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty Bảo hiểm AAA (AAA) giữa Bamboo Capital Group (BCG), Công ty Cổ phần BCG Financial (BCG Financial -một công ty thành viên của BCG) và Tập đoàn Bảo hiểm Australia IAG (IAG) đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Theo đó, Bamboo Capital Group và BCG Financial sẽ mua lại 80,64% cổ phần của IAG.  Tổng số cổ phần của AAA hiện nay là 112,2 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/đơn vị. Tỷ lệ tham gia góp vốn đầu tư của BCG tại AAA là 79,7 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 71% vốn điều lệ của bảo hiểm AAA.

Bên cạnh đó, BCG Financial cũng mua lại 10,82 triệu cổ phần của AAA, tương đương sở hữu 9,64% vốn điều lệ. Với tỷ lệ sở hữu 80,64% vốn điều lệ, BCG đã thay thế IAG trở thành cổ đông lớn nhất của AAA hiện nay. Kế hoạch mua lại cổ phần của AAA đã được Hội đồng quản trị BCG thông qua vào đầu tháng 10, giá mua không được tiết lộ.

FWD bắt tay HDBank bán bảo hiểm

Ngân hàng HDBank và Bảo hiểm FWD Việt Nam vừa chính thức triển khai hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Theo đó, giai đoạn khởi đầu, ngân hàng này sẽ phân phối các 10 sản phẩm bảo hiểm của FWD Việt Nam.

HDBank thành lập năm 1990, là 1 trong những ngân hàng TMCP đầu tiên của cả nước, cung cấp đa dạng về dịch vụ tài chính ngân hàng cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tính đến tháng 31/3/2021, HDBank có vốn điều lệ 16.088 tỷ đồng; tổng tài sản hơn 325.821.442 triệu đồng; mạng lưới 308 điểm giao dịch ngân hàng và hơn 19.500 điểm giao dịch tài chính của HD SAISON; phục vụ 20 triệu khách hàng trong hệ sinh thái đặc quyền từ hàng không, siêu thị, viễn thông, tài chính- ngân hàng… , đặc biệt tại khu vực nông thôn.

Ngày 5/1/2018, gần 981 triệu cổ phiếu “HDB” của HDBank đã chính thức lên sàn HOSE và nhanh chóng lọt vào top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.

Hoàn tất bán vốn tại PTI, VNPost thu về hơn 1.409 tỷ đồng

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây cũng đã thông báo về kết quả đấu giá bán hơn 18 triệu cổ phiếu Tổng công ty tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) mà Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đang nắm giữ.

Theo đó, có 5 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia phiên đấu giá cổ phần PTI gồm 4 nhà đầu tư cá nhân trong nước và 1 tổ chức nước ngoài. Kết quả, chỉ có 3 nhà đầu tư cá nhân đã mua trọn lô hơn 18,2 triệu cổ phần PTI trong tổng số 5 nhà đầu tư đăng ký tham gia phiên đấu giá.

Với giá đấu thành công bình quân ở mức 77.341 đồng/cổ phiếu, VNPost thu về hơn 1.409 tỷ đồng sau khi bán 18,2 triệu cổ phiếu PTI.

Ngành kinh doanh chính của PTI là bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm, tiến hành các hoạt động đầu tư, đại lý giám sát tổn thất, xét duyệt bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn,…và có vốn điều lệ xấp xỉ 804 tỷ đồng.

Trước phiên đấu giá, VNPost sở hữu 22,67% vốn; tương ứng hơn 18,2 triệu cổ phiếu PTI.

Ngoài VNPost, PTI còn có 2 cổ đông lớn khác gồm Công ty TNHH Bảo hiểm Dongbu (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 37,22% và 22,67% vốn.

Năm 2015, Bảo hiểm Dongbu trở thành cổ đông chiến lược của PTI và 1 năm sau đó, công ty bảo hiểm này có thêm cổ đông lớn là VNDirect.