4 người ở TP. HCM tố cáo sàn nhị phân chiếm đoạt 3,3 tỷ đồng

Đầu tháng 6, sàn giao dịch nhị phân Wolf Broker thông báo đóng cửa. Cộng đồng nhà đầu tư hoang mang vì không thể rút tiền, nhiều nạn nhân đã đâm đơn khiếu nại chủ dự án đa cấp lừa đảo này.

Nhóm bốn nạn nhân ở TP. HCM đã gửi đơn lên Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an TP. HCM, tố sàn Wolf Broker chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hơn 3,3 tỷ đồng. Hiện đơn được chuyển về Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. HCM (PC02) để điều tra.

Nhiều nhà đầu tư của các hội nhóm trên cả nước cũng kêu gọi nộp đơn tố cáo với hy vọng lấy lại được số vốn đã mất.

Phạm Tuấn, người thân cận với Khá “Bảnh”, từng là một trong các thủ lĩnh của sàn giao dịch Wolf Broker. Tuấn cam kết với người dùng rằng việc đầu tư vào sàn Wolf Broker sẽ thu về lợi nhuận cao, lên đến 30%/tháng và hoàn toàn không có rủi ro.

Chia sẻ với Zing, nhà đầu tư M.Q, ngụ Cà Mau cho biết ông đã chi 300 triệu để tham gia đầu tư vì tin tưởng vào cam kết của Tuấn. Tuy nhiên, sau khi sàn sập, Phạm Tuấn chối bỏ trách nhiệm và cho rằng việc đầu tư đều có rủi ro.

“Nhiều thành viên đã bị mắng chửi và loại ra khỏi hội nhóm vì lan truyền thông tin tiêu cực về sàn giao dịch Wolf Broker”, ông M.Q chia sẻ thêm.

Wolf Broker được nhóm quản trị giới thiệu là một sàn giao dịch có giấy phép tại nước Anh. Thực chất, sàn này hoạt động theo hình thức đa cấp, trả lãi theo nhiều tầng. Đồng LBX là đơn vị tiền số được sử dụng để giao dịch nhị phân trên nền tảng Wolf Broker, người dùng sẽ quy đổi với tỷ giá 33.000 đồng/LBX qua hình thức chuyển khoản cho các leader.

Hiện nay, nhiều người dùng nhận được cuộc gọi giới thiệu tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch nhị phân. Tuy nhiên, khi bị từ chối, nhân viên môi giới có những lời đe dọa đến khách hàng. Đồng thời, các hội nhóm giao dịch nhị phân còn chạy quảng cáo nhằm mời gọi tham gia mô hình này trên mạng xã hội Facebook, với cam kết lợi nhuận cao, thu về trong ngày.

Quyền chọn nhị phân hay BO (Binary Options) là mô hình cho phép người chơi đặt cược vào sự biến động trong tương lai của các loại tài sản như tiền số, vàng, cổ phiếu…

Thực tế, mô hình đa cấp nhị phân hoạt động theo hai cách chính là tuyển dụng người tham gia để hưởng hoa hồng hoặc đặt cược vào sự lên xuống của các loại tài sản.

Mô hình nhị phân đang được kiểm soát chặt, thậm chí là cấm tại nhiều nước. Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCAUK), Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), chính phủ Canada… đều đã lên tiếng cảnh báo, ban hành lệnh cấm hoặc quản lý chặt mô hình nhị phân.