Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe: Ngọt doanh thu, đắng bồi thường

“Mùa gặt” doanh thu

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu bảo hiểm sức khỏe (bao gồm bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe) ước đạt 18.021 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 31,1% tổng doanh thu toàn thị trường. Trong đó, bảo hiểm tai nạn con người đạt 9.442 tỷ đồng, giảm 7,3%; bảo hiểm y tế – chăm sóc sức khỏe đạt 8.578 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Trước đó, mức tăng trưởng doanh thu bảo hiểm sức khỏe 9 tháng đầu năm 2021 đạt 54,9%.

Trong năm 2021, một trong những sản phẩm bảo hiểm được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ là bảo hiểm liên quan đến Covid-19. Mặc dù Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn triển khai bằng hình thức thành lập quỹ hỗ trợ cho khách hàng khi không may nhiễm bệnh.

Sản phẩm này đánh trúng tâm lý lo sợ dịch bệnh của người dân thời điểm đó, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm bán hàng “mỏi tay”.

Nhân viên bán hàng của một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ: “Hơn 10 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ thấy cảnh bán bảo hiểm không xuể như năm 2021”.

Không chỉ sản phẩm liên quan đến Covid-19, mà các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thông thường cũng “hút hàng”. Bên cạnh nhu cầu bảo hiểm tăng cao của các cá nhân, nhiều doanh nghiệp đã tăng ngân sách mua tặng cho cán bộ, nhân viên sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe để vừa tăng chế độ phúc lợi, vừa giúp giảm chi phí hỗ trợ khi không may có nhân viên phải nằm viện.

Nếm mùi “trái đắng”

Sau thời gian hưởng trái ngọt từ doanh thu, doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu tiếp nhận những “trái đắng” bồi thường. Từ đầu năm 2022, Nhà nước thay đổi chính sách đối phó với đại dịch, chuyển từ cách ly, giãn cách xã hội sang “bình thường mới”. Số lượng người nhiễm Covid-19 tăng mạnh khiến doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu tiếp nhận những hồ sơ bồi thường liên quan đến sức khỏe với số lượng gia tăng từng ngày.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện chi trả khoảng 34.552 tỷ đồng, tăng 57,35% với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 15.954 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 32%, cao hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2021 (30,1%).

Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là bảo hiểm xe cơ giới (47%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (37,1%), bảo hiểm sức khỏe (31%). Không có tỷ lệ chi tiết của từng dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, nhưng theo số liệu tại một số doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường tập trung vào bảo hiểm Covid-19.

Đơn cử, trong quý II và III/2022, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã chi trả 330 tỷ đồng bồi thường cho chương trình bảo hiểm liên quan đến Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến PTI lỗ gần 348 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng.

Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm không công bố cụ thể số tiền bồi thường liên quan đến Covid-19, nhưng theo các chuyên gia bảo hiểm, con số bồi thường có khả năng gấp nhiều lần mức phí mà doanh nghiệp thu được. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp cùng triển khai gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19 giống PTI, tuy nhiên, đa phần bán theo gói cho các doanh nghiệp, chứ không tập trung bán lẻ, nên mức độ tổn thất ít hơn.

Một lý do khác khiến số tiền bồi thường sức khỏe tăng cao ngay cả tại các công ty bảo hiểm không triển khai sản phẩm liên quan đến Covid là rất nhiều quy tắc bảo hiểm trước đây không có điều khoản “loại trừ đại dịch”. Theo đó, nếu khách hàng phải nhập viện điều trị các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chi trả các chi phí y tế liên quan.

Bồi thường bảo hiểm sức khỏe liên quan đến Covid-19 tăng đột biến là tình trạng chung ở nhiều thị trường bảo hiểm trên thế giới.

Bên cạnh đó, hiện tượng “nợ miễn dịch” khiến cho một số loại dịch bệnh bùng phát. Đây là tình trạng hệ thống miễn dịch của người dân với các dịch bệnh trước đây như sốt xuất huyết, chân tay miệng, adeno… suy giảm sau thời gian dài giãn cách. Đa số bệnh viện quá tải bệnh nhân vào điều trị, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bảo hiểm phải gồng thêm các khoản chi trả bồi thường.

Bồi thường bảo hiểm sức khỏe liên quan đến Covid-19 tăng đột biến là tình trạng chung ở nhiều thị trường bảo hiểm trên thế giới. Chẳng hạn, Ủy ban Giám sát tài chính Đài Loan cho biết, các công ty bảo hiểm tại quốc gia này trả tiền bồi thường cho các hợp đồng bảo hiểm Covid-19 với tổng số tiền gấp hơn 14 lần doanh thu phí của các hợp đồng bảo hiểm từ ngày 1/1 – 5/9/2022.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Bảo hiểm Phillipines, ngành bảo hiểm nước này đã chi trả 20,82 tỷ peso (353 triệu USD) liên quan đến Covid-19 cho người tham gia bảo hiểm từ đầu tháng 3/2020 đến tháng 6/2022.

Tính riêng quý II/2022, các khoản thanh toán liên quan đến Covid-19 do các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, các tổ chức duy trì sức khỏe (HMO) và các tổ chức bảo hiểm tương hỗ (MBA) thực hiện đã lên đến 1,18 tỷ peso; hơn 70% các khoản thanh toán, tương đương 842 triệu peso, được chi trả cho những người thụ hưởng trong các hợp đồng bảo hiểm do chủ hợp đồng qua đời vì Covid-19.

Quay trở lại với câu chuyện bồi thường bảo hiểm gia tăng tại thị trường Việt Nam, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 đang là “gánh nặng” cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu cao cho thấy, nhu cầu và nhận thức của người dân về gói bảo hiểm này ngày càng tăng, cánh cửa để phát triển về lâu dài vẫn rộng mở.