Bảo hiểm PVI lên tiếng về vụ sự cố rơi máy bay trực thăng vịnh Hạ Long

Chiều 5/4, máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 cất cánh từ đảo Tuần Châu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã gặp sự cố làm 4 hành khách và 1 phi công thiệt mạng trong vụ tai nạn. Máy bay trực thăng này thuộc sở hữu Công ty trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18).

Được biết, Liên danh Bảo hiểm PVI – Bảo Việt – MIC là nhà bảo hiểm cung cấp bảo hiểm cho các máy bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.

Theo PVI, chương trình bảo hiểm mà liên danh cung cấp bao gồm bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công. 

Với vai trò nhà bảo hiểm gốc đứng đầu, Bảo hiểm PVI cho biết đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường, tích cực phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm và pháp luật hiện hành.

Trước đó, một đơn vị điều phối tour trực thăng ngắm cảnh vịnh Hạ Long cho biết mức cam kết bồi thường thiệt hại cho các sự cố hàng không lên tới 30 triệu USD/sự vụ (tương đương 703 tỷ đồng). Mức bồi thường này dành cho tối đa 4 hành khách, không bao gồm phi công.

Sáng nay (7/4), lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 5 trong vụ rơi máy bay trực thăng nêu trên. Danh tính 5 nạn nhân gồm: ông Chu Quang Minh (sinh năm 1964), phi công; ông Hồ Tá Lực (sinh năm 1964), bà Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1963), bà Hồ Thị Oanh (sinh năm 1962), bà Phạm Thị Bê (sinh năm 1958). Cả 4 hành khách đều trú tại TP. Đà Nẵng.

Sau sự cố này, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đã quyết định tạm dừng các tour du lịch ngắm cảnh bằng trực thăng.