Bức xúc khi sổ tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm

Những chuyện bức xúc

Anh Minh Quang (Ba Đình, Hà Nội) kể câu chuyện gia đình mình: “Ngày 28/4/2022, mẹ tôi ra phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại cổ phần để gửi tiết kiệm với số tiền 50 triệu đồng. Tại quầy giao dịch, nhân viên tư vấn nói rằng gửi tiết kiệm lúc này lãi suất thấp, nên gửi vào quỹ đầu tư trả góp hàng năm có lãi suất cao hơn. Ngân hàng đang có chương trình ưu đãi, nếu tham gia sẽ được tặng nửa chỉ vàng. Mẹ tôi tin tưởng và ký luôn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với phí đóng 50 triệu đồng cho năm đầu tiên. Những năm sau, số tiền đóng sẽ tăng dần theo từng năm và độ tuổi của người tham gia”.

Theo anh Quang, không hiểu nhân viên tư vấn kiểu gì mà mẹ anh hoàn toàn không hiểu, không biết rằng mình đã ký vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Sau khi làm việc với ngân hàng, anh Quang nhận ra nhân viên tư vấn đã không tư vấn thời gian cân nhắc 21 ngày, không tư vấn điều khoản loại trừ, không tư vấn khoản khấu trừ hàng năm. Về sức khỏe, nhân viên tư vấn có hỏi và khách hàng trả lời bình thường thế là ghi tốt hết. Trong khi người già như mẹ anh Quang có nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp cao…

“Mẹ tôi đã nghỉ hưu, lĩnh lương 4 triệu đồng/tháng, phải tiết kiệm từng đồng để gửi ngân hàng, có một khoản phòng lúc ốm đau, tin tưởng vào ngân hàng mà bị đối xử như vậy”, anh Quang bức xúc.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đưa chỉ tiêu bán bảo hiểm vào KPI, nên nhân viên phải bán bằng được để lấy doanh số mà bỏ qua những thủ tục và yêu cầu bắt buộc khi tư vấn và giao dịch với khách hàng. Cách làm này khiến cho những nhân viên lâu năm của các công ty bảo hiểm cũng bức xúc. Nhân viên của một công ty bảo hiểm kể đã phải tiếp nhiều khách hàng đi gửi tiết kiệm nhưng bỗng một ngày phát hiện ra đó là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nên đến đòi lại tiền với thái độ rất bức xúc. Như trong trường hợp như kể trên thì đúng là người tư vấn “không có tâm”.

Nhân viên một hãng bảo hiểm đã kể lại một câu chuyện không thể quên khi phải xử lý hậu quả của việc tư vấn và bán hợp đồng không rõ ràng khiến khách bức xúc. Cụ thể, một khách hàng nữ 55 tuổi, tiết kiệm được 1 tỷ đồng mang đến gửi ngân hàng.

Khách hàng đã nói rõ với nhân viên ngân hàng là số tiền này để dành cho con đi du học, tạm thời gửi ngân hàng vài tháng, nếu con được đi du học sẽ rút ra chi tiêu. Khách hoàn toàn tin tưởng ngân hàng nên nhân viên tư vấn nói có chương trình tiết kiệm đặc biệt, hưởng lãi suất cao, muốn rút lúc nào cũng được nên đồng ý tham gia. Tuy nhiên, thực chất đây là mua bảo hiểm nhân thọ, với số tiền bảo hiểm 400 triệu đồng/năm kéo dài 6 năm và 600 triệu đồng đầu tư thêm, tổng cộng là 1 tỷ đồng nộp ngay.

Sau 8 tháng, lúc cần tiền chi tiêu, ra ngân hàng để rút tiết kiệm thì nhân viên ngân hàng trả lời đây là hợp đồng bảo hiểm và chỉ khách sang công ty bảo hiểm lấy tiền. Sang công ty bảo hiểm, khách hàng được giải thích mới biết rằng, với 400 triệu đồng mua bảo hiểm, còn phải đóng thêm 5 năm nữa, mỗi năm 400 triệu đồng. Nếu không may mà tử vong sẽ được chi trả khoảng 2 tỷ đồng. Còn số tiền 600 triệu đầu tư thêm thì phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của công ty bảo hiểm. Lợi nhuận cao sẽ trả lãi cao, nếu thua lỗ thì trừ vào tiền đầu tư.

Đáng nói hơn, nếu ngay năm đầu tiên mà khách đòi hủy hợp đồng, rút tiền về sẽ bị trừ phí rất cao, chỉ có thể lấy lại tối đa được 800 triệu đồng. Bởi vì hợp đồng bảo hiểm phải có chi phí bảo hiểm rủi ro và phải trừ các khoản phí quản lý, chiết khấu bán hàng. Nghĩ đi nghĩ lại, nếu 5 năm nữa mỗi năm phải đóng 400 triệu đồng thì không biết ấy tiền đâu ra, khách hàng đành chấp nhận hủy hợp đồng, nhận về 800 triệu đồng.

Tỉnh táo trước những “cái bẫy”

Nhân viên của công ty bảo hiểm giải thích, với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khi khách hàng mua, nếu không may bị tử vong thì sẽ được hưởng một khoản bồi thường, tùy theo số tiền mua hàng năm và độ tuổi. Tiền đóng nhiều thì được hưởng nhiều, nhưng tuổi cao thì được hưởng ít hơn so với tuổi trẻ. Còn khoản đầu tư thêm mua kèm theo sẽ phụ thuộc vào việc đầu tư kinh doanh của công ty bảo hiểm, có lợi nhuận cao sẽ trả lãi cao, lỗ thì trừ vào vốn đầu tư. Với khoản này, có công ty bảo hiểm cho rút ngay cả gốc lẫn lãi nhưng có công ty quy định 10 năm sau mới được rút. Nếu rút sớm sẽ bị tính phí cao và số tiền thực nhận về sẽ bị trừ đi đáng kể.

Vì hợp đồng bảo hiểm khá dài với rất nhiều điều kiện kỹ thuật và con số tính toán nên khách hàng cần phải tỉnh táo và cảnh giác bởi có những nhân viên ngân hàng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, chủ quan hay cả tin để đưa khách hàng vào “tròng”.

Ví dụ, nhân viên ngân hàng sẽ không bao giờ nói đó là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà thường lấp lửng là chương trình gửi tiết kiệm đặc biệt có quà tặng hay đầu tư hưởng lãi suất cao của ngân hàng, muốn rút lúc nào cũng được. Nhân viên cũng không tư vấn đầy đủ khoản khấu trừ hàng năm. Vì thế, những khách hàng cao tuổi, thiếu thông tin, lại đặt niềm tin vào ngân hàng rất dễ bị “sập bẫy”.

Đáng chú ý, với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo quy định sẽ có 21 ngày cân nhắc kể từ khi ký. Khách hàng sau khi cân nhắc, nếu không đồng ý có thể hủy và được trả lại toàn bộ số tiền đã mua bảo hiểm và đầu tư thêm. Nhưng trong nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng không giao ngay cho khách hợp đồng mà giữ lại, chờ qua 21 ngày mới giao, thời gian dành cho cân nhắc đã hết, khiến khách hàng không thể hủy được.

Không những thế, nhân viên ngân hàng thường để mức thụ hưởng thấp so với số tiền mua bảo hiểm. Như vậy, sẽ không cần phải đưa khách hàng đi kiểm tra sức khỏe, không phải thẩm định tài chính… Điều này sẽ dẫn đến hậu quả, nếu khách hàng có bệnh mà hợp đồng ghi không có bệnh, sau này khi có chuyện xảy ra, rất dễ bị công ty bảo hiểm từ chối chi trả, bởi cho là khai báo gian dối.

Thời gian qua, có nhiều khách hàng đi gửi tiết kiệm đã bị dính “bẫy” mua bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, không ít khách hàng mua với số tiền mua 50-100 triệu đồng/năm, đã quyết định hủy hợp đồng, không tham gia khi hiểu rõ vấn đề. Họ chấp nhận mất tiền, bởi có kiện ra tòa đòi được thì chi phí theo kiện cũng tốn kém một khoản lớn.