Bùng nổ gian hàng nước ngoài trên sàn thương mại điện tử Việt

Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước đạt 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh, đạt mức 35 tỷ USD. Song thị trường này vẫn tồn tại nhiều bất cập, nhất là về vấn đề chất lượng hàng hóa và niềm tin của người tiêu dùng dành cho thương mại điện tử còn chưa vững vàng.

Lợi thế giá rẻ của shop quốc tế

Thường mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, chị Mai Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết gần đây khi cô thường chọn mua sản phẩm từ các gian hàng nước ngoài thay vì chọn mua các gian hàng trong nước như trước.

“Shop quốc tế chủ yếu là các gian hàng Trung Quốc mẫu mã đẹp, giá lại rẻ hơn so với gian hàng trong nước”, chị Linh nói và cho biết mua hàng quốc tế cũng có nhiều chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển.

Người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm từ gian hàng quốc tế trên sàn thương mại điện tử vì mẫu mã đẹp, giá rẻ, nhiều ưu đãi. Ảnh chụp màn hình.

Vào mùa đông năm ngoái, chị Linh đặt mua một đôi giày với giá khoảng 120.000 đồng. “Tuy giá rẻ nhưng sản phẩm đi thoải mái và rất bền. Mới đây, tôi vừa đặt một chiếc vòng cổ giá chỉ 1.000 đồng, sản phẩm cũng giống với hình ảnh quảng cáo”, chị nói.

Tuy nhiên theo chị Linh, mua hàng ở shop nước ngoài thời gian giao hàng lâu hơn, mất từ 4 ngày đến 1 tuần, thậm chí lâu hơn trong thường hợp trục trặc như tắc biên hoặc vào dịp gần Tết.

Nhiều người dùng trước kia còn e ngại khi thấy sản phẩm vận chuyển từ nước ngoài nay cũng đã quen với việc chờ đợi 10-20 ngày để đặt hàng từ shop quốc tế.

Trước đây, để mua hàng từ Trung Quốc, chị Đoàn Phượng (Cẩm Phả, Quảng Ninh) phải đặt qua người quen hoặc tự tìm cách mày mò trên các trang website nội địa Trung Quốc như Taobao. Tuy nhiên, từ khi các sàn thương mại điện tử Việt Nam cho phép các shop quốc tế kinh doanh, chị có thể dễ dàng mua sắm trên shop quốc tế với giá cả chênh lệch không nhiều, thậm chí còn rẻ hơn và rất ít khi không mất phí vận chuyển.

“Bây giờ 10 đơn thì đến 7 đơn tôi mua ở shop nước ngoài, từ quần áo đến đồ gia dụng,… Thỉnh thoảng có đơn thiếu hàng nhưng mình ấn hoàn, trả hàng thì shop sẽ trả tiền lại”, chị Phượng nói.

Theo chị, phí vận chuyển khi mua hàng từ nước ngoài sẽ không quá 20.000 đồng. “Thậm chí còn được giảm xuống 0 đồng nếu áp dụng mã miễn phí vận chuyển”, chị nói.

Thực tế, theo khảo sát của phóng viên, hiện nay người dùng có thể dễ dàng lên các sàn thương mại điện tử như shopee, Lazada hay Tiki để giao dịch mua hàng từ gian hàng nước ngoài từ quần áo, phụ kiện đến đồ dùng gia đình, nhà bếp… Và người tiêu dùng cũng có xu hướng lựa chọn đặt mua hàng nước ngoài nhiều hơn.

“Cùng một chiếc vòng cổ ở shop trong nước có giá 20.000 đồng, nhưng shop quốc tế giá chỉ 10.000 đồng kèm miễn phí giao hàng thì đương nhiên tôi sẽ chọn mua shop quốc tế dù có phải chờ đợi”, Hồng Nhung cho biết.

Đề xuất quản lý người nước ngoài bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Việc bùng nổ các shop quốc tế trên các sàn thương mại điện tử sẽ khiến các gian hàng Việt chịu sự canh tranh lớn với gian hàng nước ngoài, thậm chí sẽ tạo kẽ hở để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường Việt Nam.

Thực tế, nhiều người dùng cho biết họ đã gặp một số vấn đề khi mua hàng quốc tế trên sàn thương mại điện tử. “Tôi mua hàng quốc tế thường bị gửi thiếu hàng. Khi nhắn tin khiếu nại với chủ hàng thì bất đồng ngôn ngữ, các khâu giải quyết phức tạp trong khi giá trị đơn hàng không nhiều nên từ đó tôi hạn chế mua hàng nước ngoài”, anh Thắng (An Dương, Hải Phòng) nói.

Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước dần mở rộng thị trường, tiếp cận các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới và được người tiêu dùng đặt mua.

Các mặt hàng trên các shop nước ngoài có mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ. Ảnh chụp màn hình.

Mặc dù vậy, Nghị định 52 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử chưa có quy định đối với chủ thể này. Bộ Công Thương đánh giá người bán nước ngoài đem lại sự phong phú về nguồn cung hàng hóa, tuy nhiên các hoạt động này làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của thị trường.

“Đặc biệt, trường hợp trong quá trình giao dịch phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại của người tiêu dùng, quyền, lợi ích của người tiêu dùng sẽ gặp thách thức lớn, khác biệt cơ bản so với trường hợp phát sinh với chủ thể có hiện diện tại Việt Nam”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Theo Bộ Công Thương, điều 67c được bổ sung trong Nghị định 52 sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử khi có người bán nước ngoài. Theo đó chủ sàn sao dịch thương mại điện tử Việt Nam là người chịu trách nhiệm xác thực danh tính của người bán nước ngoài khi cho phép các đối tượng này tham gia mua bán hàng hoá trên sàn.

Do đó, cơ quan quản lý ngành cho rằng việc xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài là có cơ sở pháp lý và thực tiễn.