Các công ty tài chính làm ăn ra sao nửa đầu năm?

Trên thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay, ngoài sự hiện diện từ sớm của Home Credit (100% vốn nước ngoài), còn có sự cạnh tranh gay gắt của nhóm các công ty tài chính trong nước với chủ sở hữu là các ngân hàng thương mại.

FE Credit, HD Saison và Mcredit hiện là 3 công ty tài chính trong nước có thị phần cho vay tiêu dùng lớn nhất. Trong đó, riêng FE Credit đang nắm hơn 52% thị phần, bỏ xa các đối thủ đứng sau là Home Credit với 17%; HD Saison với 11% và MCredit khoảng 8%.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay lại ghi nhận xu hướng hiệu quả hơn ở các công ty có thị phần thấp.

Lợi nhuận FE Credit giảm một nửa

Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của VPBank cho biết FE Credit giải ngân cho vay khoảng 28.000 tỷ đồng từ đầu năm, nhiều hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh số cho vay này thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra (nửa đầu năm 2019 công ty cho vay 37.000 tỷ).

Đến cuối tháng 6, FE Credit có tổng dư nợ tín dụng đạt 61.300 tỷ đồng, chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ và giảm so với đầu năm, trong đó chủ yếu là cho vay với cá nhân.

Với việc tăng trưởng cho vay âm nửa đầu năm qua, công ty tài chính lớn nhất thị trường này chỉ ghi nhận tổng thu nhập hoạt động tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 8.800 tỷ đồng. Thậm chí, biên lãi thuần (NIM) còn ghi nhận xu hướng giảm từ 29,1% xuống 26,9%. Trong năm 2020, NIM của FE Credit cũng đã giảm từ mức 30,5%.

Dù tiết giảm được hàng trăm tỷ đồng chi phí hoạt động trong 2 quý đầu năm, nhưng việc dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã khiến FE Credit phải trích lập dư phòng rủi ro nhiều hơn. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ đạt 1.200 tỷ, giảm một nửa so với số thu cùng kỳ.

Các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động như ROAA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản trung bình) và ROAE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình) vì thế cũng giảm xuống mức 2,6% và 12,3%, thấp hơn 2-3 lần.

Với việc chỉ thu về 1.200 tỷ đồng lãi trước thuế, FE Credit chỉ đóng góp khoảng 13% vào tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank nửa năm qua, mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Năm 2020, dù kết quả kinh doanh ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 khiến lợi nhuận giảm 17%, FE Credit vẫn đóng góp 29% vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng với 3.713 tỷ đồng trước thuế.

Mới đây, VPBank đã hoàn tất bán 49% vốn FE Credit cho đối tác tới từ Nhật Bản – SMBC – với định giá 2,8 tỷ USD. Ước tính, số tiền VPBank thu về trong thương vụ bán vốn này vào khoảng 1,37 tỷ USD.

Công ty nhỏ lãi tăng cao

Cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên HD Saison vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương nửa năm qua.

Trong đó, công ty tài chính này thu về 590 tỷ đồng lãi trước thuế sau 6 tháng đầu năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Tương tự FE Credit, các chỉ số tài chính của HD Saison cũng không tăng trưởng nhiều trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Trong đó, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 của công ty mới vào khoảng 14.393 tỷ, chỉ tăng 1,1% so với đầu năm. Thay đổi này tương đương với việc công ty chỉ cho vay ròng ra thị trường được khoảng 163 tỷ đồng nửa năm.

Tuy nhiên, nhờ việc chiếm 32% thị phần cho vay trả góp mua xe máy (mảng kinh doanh có biên lãi gộp cao) nên NIM của HD Saison vẫn tăng so với những năm trước, đạt 28,2%. Đây cũng là mức NIM cao nhất trong nhóm 3 công ty tài chính dẫn đầu thị trường hiện nay.

Hiện tại, trong cơ cấu cho vay của HD Saison đang có khoảng 45% (5.700 tỷ) là cho vay tiền mặt; 30% (4.300 tỷ) là cho vay mua xe máy và còn lại 25% (3.600 tỷ) là cho vay mua điện máy và các sản phẩm khác.

So với lợi nhuận hợp nhất của HDBank cùng giai đoạn, HD Saison đã đóng góp khoảng 14%. Trong năm 2020 trươc đó, với 1.001 tỷ lãi trước thuế, công ty cũng đóng góp vào 17% tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ.

Trong khi đó, trái ngược với đà suy giảm lợi nhuận của FE Credit và mức tăng trưởng thấp của HD Saison, có thị phần cho vay tiêu dùng thấp hơn nhiều nhưng MCredit lại ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao đầu năm nay.

Cụ thể, doanh thu nửa đầu năm qua của công ty này đạt 2.168 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ. Nhờ việc tiết giảm được các chi phí mà lợi nhuận trước thuế MCredit thu về đã đạt tới 346 tỷ đồng, tăng 188%.

Dù chỉ đóng vào một phần nhỏ vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ MBBank. Tuy nhiên, MCredit lại đang là công ty có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất thị trường. Trong năm 2020 trước đó, lợi nhuận trước thuế của công ty này cũng tăng tới 77%, đạt 320 tỷ đồng.Đến cuối năm 2020, công ty này đã có dư nợ cho vay khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 8% thị phần cho vay tiêu dùng trong nước.

Theo số liệu của NHNN, các công ty tài chính đang là nhóm dẫn đầu về khả năng sinh lời trong các loại hình tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Tính đến tháng 10/2020 (số liệu mới nhất), chỉ số ROA (lợi nhuận/tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của các công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt lần lượt 2,19% và 10,55%, cao nhất trong các loại hình tổ chức tín dụng.

Chỉ số ROA của hoạt động công ty tài chính thậm chí đã cao gấp gần 3 lần nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, nguyên nhân chính khiến thị trường cho vay tiêu dùng trong nước hấp dẫn là do tiềm năng phát triển rất lớn. Theo đó, tổng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam hiện chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ nền kinh tế.

Nếu bóc tách rõ ràng phần tín dụng liên quan đến nhà ở thì thực chất, tín dụng tiêu dùng mới chỉ tương đương 12% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Trong khi đó, tỷ lệ này tại các quốc gia như Trung Quốc lên tới 21%, nhóm các nước ASEAN là 34%.