Chính sách nào cho ngân hàng số ở trung tâm tài chính?

Điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế

Cho đến thời điểm này thị trường mới có một vài tổ chức được gọi là ngân hàng số, nhưng vẫn đang hoạt động thông qua hợp tác với các ngân hàng truyền thống để cung cấp một số dịch vụ tài chính – ngân hàng số. Đó là ngân hàng số Timo hợp tác với Ngân hàng Bản Việt, ngân hàng số Cake hợp tác với VPBank… Thời gian qua, các ngân hàng truyền thống phát triển kênh dịch vụ được số hóa, chứ chưa có một ngân hàng số thuần túy nào ở Việt Nam được cấp phép.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, trong 1-2 năm tới, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế sẽ là một trong những động lực chính để kéo tăng trưởng kinh tế TP. HCM phục hồi và phát triển. Trong dài hạn, không phải công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng không phải là logictics chỉ có dịch vụ tài chính ngân hàng mới là thế mạnh của TP. HCM.

Theo đó, có hai điểm mấu chốt cần phải nhanh chóng được triển khai. Thứ nhất là tạo ra cơ chế pháp lý cho phép các mô hình tập đoàn tài chính được hoạt động thuận lợi. Kinh nghiệm cho thấy, đến hiện nay những tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh nhất ở Việt Nam đều có xu hướng đi theo mô hình tập đoàn tài chính. Trong tương lai, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ thuần túy khai thác một mảng thị trường ngách như ngân hàng bán lẻ, chuyên phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn có thể phát triển được. Nhưng để cạnh tranh top đầu thì phải chuyển sang mô hình tập đoàn tài chính.

Mặc dù Việt Nam đã làm khá tốt việc thúc đẩy NHTM truyền thống chuyển đổi số, nhưng vẫn chậm hơn Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia về việc cấp phép cho các ngân hàng thuần số.

Điểm qua kinh nghiệm thành lập các ngân hàng thuần số tại các nước trong khu vực, vị chuyên gia này cho hay, có rất nhiều cách để tạo lập các ngân hàng số 100%. Chẳng hạn, Hồng Kông chọn cách liên danh giữa một NHTM truyền thống và một fintech khởi nghiệp.

Theo đó, cả 8 ngân hàng thuần số được cấp phép tại Hồng Kông đều là liên danh giữa ngân hàng và fintech. Singapore thì làm ngược lại. Tất cả các đơn xin cấp phép thành lập ngân hàng số 100% của các NHTM truyền thống đều không được chấp thuận. Singapore chỉ cấp phép cho các fintech để làm ngân hàng thuần số.

“Indonesia thì có cách làm rất hay. Họ chọn những NHTM truyền thống quy mô nhỏ, yếu kém về tài chính hoặc thua lỗ, sau đó cho phép đổi chủ, xử lý những tồn tại yếu kém, tái cơ cấu bằng cách thành lập ngân hàng số 100% để hoạt động. Vì thế Việt Nam có thể chọn một số mô hình để mạnh dạn, đẩy nhanh việc cấp phép cho ngân hàng thuần số”, ông Thành đề nghị.

Tháo nút thắt từ tư duy đề án

Theo các chuyên gia, những pháp lý hiện tại liên quan đến lĩnh vực ngân hàng số 100% thì việc trước tiên TP. HCM cần làm là tiếp cận Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo tư duy đột phá.

Hiện nay TP. HCM đã được tổ chức xếp hạng các trung tâm tài chính quốc tế Global Financial Centres Index ghi nhận là có trình độ phát triển tài chính và cơ sở hạ tầng hỗ trợ đạt mức “trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp”, tương đương với Jakarta của Indonesia và Manila của Philippines. Vì thế, TP. HCM cần đề xuất Chính phủ những cơ chế chính sách đặc thù để phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế trong đó có những điều kiện thành lập ngân hàng thuần số.

Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế TP. HCM cần được Chính phủ nhìn nhận là đề án quốc gia, triển khai không chỉ cho TP. HCM mà cho cả đất nước.

Vì vậy, mọi thứ từ quy mô, tầm nhìn, năng lực cạnh tranh đến pháp lý đều phải có sự khác biệt, có tính đặc thù. Việc cho phép các mô hình tập đoàn tài chính và các ngân hàng thuần số hoạt động theo đó cũng cần tiếp cận cởi mở, cần thiết thì có cơ chế thí điểm sandbox để thí điểm.

Nhận định từ phía ngân hàng trực tiếp xây dựng các ngân hàng thuần số, ông Nirukt Sapru – cố vấn toàn cầu của Timo Digital Bank cho rằng, việc hình thành các ngân hàng số 100% tại Việt Nam sẽ tiếp tục được các NHTM đẩy mạnh.

Các ngân hàng số ra đời không phải để thay thế các ngân hàng truyền thống. Vì vậy, để phát triển mạnh các mô hình ngân hàng số 100%, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các ngân hàng số có thể bắt kịp với tốc độ phát triển cả lĩnh vực tài chính và công nghệ.

“Trong khoảng 10 năm sắp tới một số rào cản mà các ngân hàng thuần số cần phải vượt qua, bao gồm: tính toán cân đối chi phí đầu tư công nghệ và hiệu quả hoạt động; đào tạo nguồn nhân lực bắt kịp xu hướng phát triển của ngành ngân hàng số; nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin khách hàng và có chiến lược truyền thông, thúc đẩy thay đổi thói quen tiêu dùng và xây dựng xã hội không tiền mặt”, ông Nirukt Sapru nhận định.

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho rằng, việc phát triển thị trường tài chính tiền tệ trở thành trung tâm tài chính của cả nước, của khu vực và quốc tế, phải có giải pháp đột phá và có ý nghĩa chiến lược.

Theo đó, cần phải có chính sách đột phá trong tăng trưởng và phát triển của thị trường tài chính, với các giải pháp về đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại theo định hướng phát triển ngân hàng số. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Ngân hàng mà là đòi hỏi từ chính xu hướng phát triển và yêu cầu phát triển nền kinh tế số và trực tiếp là mục tiêu phát triển thị trường tài chính thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.