Chủ tịch Quốc hội: ‘Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quản trị của doanh nghiệp bảo hiểm’

Về vấn đề quản trị doanh nghiệp trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

“Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quản trị của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà cần nâng chuẩn hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, không chấp nhận các doanh nghiệp dưới chuẩn cả về vốn, quản trị,…”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề này trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện nay “chưa thuyết phục” và Bộ Tài chính cần tiếp thu thêm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số vấn đề của dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, trong đó nhấn mạnh về sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

Cụ thể, đặc thù của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh khiến lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp bị thiệt hại rất lớn, tuy nhiên hiện chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động trợ giúp, thiện nguyện của xã hội, trong khi đó việc bù đắp thiệt hại qua bảo hiểm còn ít.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dù việc tính toán phí bảo hiểm trong các lĩnh vực như nông-ngư-lâm nghiệp là khó nhưng không thể không làm, phải quy định những vấn đề căn bản nhất để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm nông nghiệp.

“Hiện nay chúng ta đã có nghị định này nhưng chưa đi vào cuộc sống, phải tổng kết, đánh giá để đúc kết những nội dung nào có thể thể chế hóa, pháp điển hóa trong dự thảo Luật này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết cần tiếp tục nghiên cứu Chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa bảo hiểm vi mô trong dự án luật này bởi Chiến lược tài chính toàn diện là do Ngân hàng Nhà nước xây dựng nhưng bảo hiểm vi mô lại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Ngoài ra, cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện hình thức bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội thực hiện thời gian qua, nhất là do Mặt trận Tổ quốc và Hội phụ nữ thực hiện để quy định cụ thể hơn về bảo hiểm vi mô trên cơ sở chiến lược tài chính toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trên cơ sở luật gốc là Bộ luật Dân sự. Theo Chủ tịch Quốc hội, luật bảo vệ các chủ thể là như nhau nhưng cần chú trọng các đối tượng yếu thế.

Hợp đồng bảo hiểm cần phù hợp với kinh doanh bảo hiểm tới đây trên môi trường số, môi trường điện tử, liên quan đến các vấn đề số hóa, chữ ký điện tử, hồ sơ điện tử… Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là cơ hội rất tốt để tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.

Về thời điểm có hiệu lực của Luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đề nghị lấy mốc thời gian là 1/7/2023, tức là hơn một năm sau khi được Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, giải trình của Chính phủ về vấn đề này là không thuyết phục và không có lý do để kéo dài như vậy, do đó đề nghị Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, các cơ quan phải dự thảo văn bản hướng dẫn từ bây giờ.

Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm là cần thiết.

“Cuộc sống mà không có bảo hiểm giống như là đi cầu thang mà không có tay vịn”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.