Chuyên gia: ‘Không nên gắn tài chính tiêu dùng với sứ mệnh đẩy lùi tín dụng đen’

Trong vài năm trở lại đây, dịch vụ cho vay tiêu dùng hay tín dụng tiêu dùng đã trở nên phổ biến trên thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện của các công ty tài chính như Fe Credit, F88, Home Credit, HD SaiSon, Tima,…đã không còn xa lạ gì với người tiêu dùng nữa.

Theo quan hệ cung – cầu, khi cầu tăng, sản xuất được mở rộng kéo theo cung tăng. Việc các cửa hàng tín dụng tiêu dùng mọc lên với tần suất lớn một phần cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng của người dân cũng đã cao hơn so với những năm về trước.

Theo ông Phan Đức Hiếu, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân đã hình thành từ xưa nhưng chưa có cơ hội khi thu nhập không đủ để tích trữ.

Các công ty tài chính xuất hiện với điểm mạnh là giải quyết nhanh chóng thủ tục đầu vào cho khách hàng, giải ngân tiền nhanh và thường là vay tín chấp, đã thu hút được nhiều đối tượng khách hàng cá nhân là những người có thu nhập từ thấp đến trung bình.

Những quảng cáo như vay tiền bằng giấy phép lái ô tô, xe máy, vay tiền bằng chứng minh nhân dân không hiếm gặp ở trên các con phố lớn, nhỏ.

Ngược lại, khâu xét duyệt hồ sơ khi vay tiền tại ngân hàng thường bị siết chặt hơn so với các công ty tài chính để đảm bảo chất lượng tín dụng. Điều này đã làm một bộ phận không nhỏ khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân không thể tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Đương nhiên, việc các công ty tài chính hoàn tất nhanh chóng thủ tục và giải ngân tiền cho khách hàng cũng dẫn tới các rủi ro tài chính, rủi ro nợ xấu cao hơn kênh ngân hàng.

“Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặc khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nên kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội”, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Các công ty tài chính có xu hướng tiếp cận khách hàng gần gũi hơn thông qua các cửa hàng phân phối, đại lý hàng hóa phủ rộng như Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động,…

Nhìn lại quá trình phát triển tài chính tiêu dùng trong 10 năm qua, TS. Cấn Văn Lực trong phần tham luật của mình cho biết, trong 1 thập kỷ qua, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Đến cuối năm 2020, theo thống kê của NHNN, thị trường đã ghi nhận sự có mặt có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012. 

Tỷ trọng dư nợ của các CTTC trong tổng tín dụng tiêu dùng gia tăng đáng kể so với trước đây, từ mức dưới 1% vào năm 2011 đến tỷ trọng 16,3% năm 2020 (khoảng 130.000 tỷ đồng), còn lại là các NHTM, quỹ tín dụng (chiếm khoảng 75%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 8,7%).

Theo thông tin công bố trên website của riêng 3 công ty lớn nhất thị trường là FE Credit, Home Credit và HD Saison, tổng số lượng khách hàng giao dịch đã lên đến 30 triệu tại 37.000 điểm bán.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng kết quả tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng cho thấy hệ thống ngân hàng đã và đang tập trung phát triển hoạt động cho vay lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, giúp giảm thiểu các hệ lụy đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Bà cũng nêu một số giải pháp mà NHNN đã triển khai đồng bộ để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen như hoàn thiện khung pháp lý, khơi thông dòng vốn ngân hàng để nâng cao khat năng tiếp cận vốn,…

Tuy nhiên, TS. Phan Đức Hiếu lại cho rằng: “Chính phủ không cần thúc đẩy bất kì điều gì, chỉ cần để nó tự nhiên diễn ra”.

Ông cho rằng không nên gắn tài chính tiêu dùng với một số sứ mệnh mà nó không làm được như đẩy lùi tín dụng đen.

“Phải phân biệt giữa tài chính tiêu dùng với việc các tổ chức khác lạm dụng hình thức này trá hình để cho vay”, TS Phan Đức Hiếu chia sẻ. 

Theo ông, nếu gắn tín dụng tiêu dùng với sứ mệnh đẩy lùi tín dụng đen thì vô hình chung Nhà nươc sẽ kiểm soát chặt mô hình này, làm cho các tổ chức chính thức gặp thiệt thòi và các tổ chức phi chính thức càng lạm dụng.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết khảo sát của NHNN cho thấy tín dụng đen xuất phát từ những nhu cầu bất hợp pháp như cá độ bóng đá và gắn với các nhóm tội phạm đòi nợ thuê. Bà cho rằng, nếu tín dụng tiêu dùng phát triển và tới gần hơn với người dân, không để các hình thức tín dụng đen trá hình tiếp cận với một bộ phận khách hàng chưa phân biệt được các tổ chức được cấp phép về tín dụng thì sẽ góp phần làm ổn định xã hội. 

Phản biện với ý kiến của đại diện NHNN, TS Phan Đức Hiếu cho rằng khi đặt lên bàn cân thì tín dụng tiêu dùng và tín dụng đen là rất khác nhau, bản chất của 2 sự việc cũng khác nhau về đối tượng đi vay, mục đích đi vay cũng như lãi suất vay. Ông cho rằng sứ mệnh đầu tiên của tín dụng tiêu dùng phải là được quyền phát triển chứ không phải là đẩy lùi tín dụng đen.

Ông Phan Đức Hiếu đề xuất phải bảo vệ cả người tiêu dùng lẫn tổ chức cho vay. Theo ông, việc nâng cao nhận thức của người dân là rất quan trọng, đặc biệt là ở Việt Nam. Đáng chú ý, ông đề cập đến vấn đề phá sản cá nhân, hay một số người dân vẫn định nghĩa là “vỡ nợ cá nhân”.

Về việc bảo vệ tổ chức cho vay, ông Hiếu cho rằng phải có điều kiện thuận lợi để giải quyết tranh chấp một cách văn minh, nhanh gọn và phải chấp nhận rủi ro đối với cả 2 bên.