Chuyên gia Lâm Minh Chánh ‘mách nước’ cách không làm việc vẫn đủ sống 1 năm

Chia sẻ tại hội thảo “Tiền trong nghịch cảnh”, chuyên gia Lâm Minh Chánh cho rằng khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn; thậm chí ngay cả những gia đình kinh tế khá giả nhưng không có tích lũy về tiền mặt thì cũng rất khó khăn. Đó là do họ không có “an toàn tài chính”.

Ông Lâm Minh Chánh định nghĩa: “An toàn tài chính là chúng ta có một số tiền hoặc tài sản có thể chuyển thành tiền mà không mất giá trị, để sử dụng trong vòng 6 – 12 tháng để dự phòng cho những bất trắc có thể xảy ra”.

Phân tích về tài chính cá nhân, ông Lâm Minh Chánh cho rằng nó bao gồm các hoạt động: kiếm tiền, tiết kiệm tiền, đầu tư và bảo vệ tiền.

Trước hết, chúng ta phải kiếm tiền với công suất cao nhất khi chúng ta còn trẻ và còn nhiều trí tuệ, sức lực. Kiếm tiền từ bây giờ, mỗi ngày một nhiều hơn để tương lai được thư thả, cuộc sống ổn định. Nếu chúng ta hài lòng với mức thu nhập hiện nay của mình thì số tiền dư ra không đủ nhiều.

Thứ hai, cần tiết kiệm và sử dụng tiền khôn ngoan.

Chúng ta phải tiết kiệm tiền trước khi chúng ta sử dụng. Để quản lý và sử dụng tiền chặt chẽ có thể áp dụng phương pháp “những chiếc lọ” của người Do Thái, nghĩa là chia tiền thành những khoản theo mục đích sử dụng.

Đó là các khoản dành cho nhà, ăn uống, ăn mặc thiết yếu, chiếm khoảng 15-25%; tiện nghi sinh hoạt chiếm 10-20%; quỹ giáo dục chiếm 5-15%; quỹ hưởng thụ (du lịch, thể thao…) chiếm 5-15%; quỹ từ thiện 5-10%; quỹ tiết kiệm mua sắm để tránh vay tiêu dùng…

Lưu ý, cần tiết kiệm trước và để lại một số tiền nhất định để chi tiêu. Khi khoản tiền được phép chi tiêu không nhiều, chúng ta sẽ chỉ chi tiêu vào những việc quan trọng và cần thiết.

Ngoài ra, có một khoản rất quan trọng mà nhiều người hay thiếu là quỹ tài chính cá nhân hay quỹ tài chính gia đình. Đó chính là “khoản tiền tiết kiệm để chúng ta đầu tư đều đặn cho an toàn của mình bây giờ và cho tương lai”. Và đây là an toàn tài chính như đã nói ở trên.

Để quản lý tài chính tốt cần chia tiền thành những khoản theo mục đích sử dụng (Ảnh minh họa)

Thứ ba, sau khi tiết kiệm tiền, chúng ra phải bảo vệ được số tiền đó, không để hao hụt. Trên thực tế, chúng ta mất tiền hằng ngày do lạm phát. Chúng ta cầm tiền không làm cho tiền sinh sôi nảy nở ra là chúng ta đã mất tiền rồi.

Để tiền sinh sôi, nảy nở nhiều thì phải đầu tư dài hạn, đầu tư ngay từ bây giờ, đầu tư đều đặn. Để đầu tư có hiệu quả cần tuân thủ 5 nguyên tắc sau:

Thứ nhất, trước khi đầu tư chúng ta phải hiểu rõ cơ sở pháp lý đề phòng trường hợp xảy ra việc gì thì nhà nước và pháp luật có bảo vệ chúng ta hay không?

Nguyên tắc thứ 2 là độ tin cậy, hay còn gọi là hạng mức tín dụng của người nắm tài sản của mình.

Nguyên tắc thứ 3 là chúng ta phải hiểu rõ nguyên tắc vận hành, nguyên tắc tạo ra lợi nhuận của tài sản, sản phẩm đó.

Một nguyên tắc nữa là chúng ta phải nhận diện được những rủi ro tiềm ẩn của sản phẩm, hợp đồng đầu tư đó. Bất cứ sản phẩm hay hợp đồng đầu tư nào cũng có những rủi ro của nó, ví dụ như rủi ro mất vốn, rủi ro thanh khoản, tỷ suất lợi nhuận lên xuống…

Nguyên tắc cuối cùng là “Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí”. Nghĩa là khi người ta cam kết với mình mức lãi suất, tỷ suất lợi nhuận cao gấp 2,3 lần ngân hàng 2 lần 3 lần thì chắc chắn điều đó không thể xảy ra.

Hiện nay có rất nhiều kênh đầu tư. An toàn nhất là gửi ngân hàng, tuy nhiên lợi nhuận thấp nên chỉ gửi ngân hàng khoảng 10-15% số tiền tích lũy. Chúng ta cũng có thể gửi vào các quỹ đầu tư. Có rất nhiều chứng chỉ quỹ đầu tư trên sàn chứng khoán có thể cho tỷ suất lợi nhuận 8-12%/năm.

Hoặc chúng ta có thể mua trái phiếu doanh nghiệp của những doanh nghiệp uy tín trên những sàn chứng khoán và ngân hàng uy tín. Nên mua trái phiếu có mức lãi suất từ 10-12%, không nên chọn trái phiếu lãi suất cao hơn bởi sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro.

Ngoài ra, có thể đầu tư vào những sản phẩm bảo hiểm có liên kết đầu tư hoặc đầu tư vào cổ phiếu. Chúng ta chọn cổ phiếu tốt và đầu tư dài hạn thì tiền của chúng ta sẽ sinh sôi, nảy nở. Lưu ý, cần phải nghiên cứu đàng hoàng và tuyệt đối không đầu tư ngắn hạn, tức là mua vào xong thấy giá lên rồi bán. Với những nhà đầu tư bán chuyên nghiệp như chúng ta thì nên chọn cổ phiếu tốt, mua cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt với giá hợp lý và nắm giữ dài hạn để có có tỷ suất lợi nhuận cao.

Chuyên gia Lâm Minh Chánh là người sáng lập, Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni; đồng sáng lập Group Quản trị và Khởi nghiệp có hơn 50 ngàn thành viên là doanh nhân, nhà quản lý và startup.

Ông Lâm Minh Chánh tốt nghiệp MBA hạng ưu của trường Đại học Công nghệ Sydney theo chương trình học bổng toàn phần AusAID của chính phủ Úc.

Trước khi khởi nghiệp, ông đã có 17 năm làm Quản lý cấp cao cho các tập đoàn trong và ngoài nước như: Giám đốc Kinh doanh Bảo hiểm AIA (2000-2004), Giám đốc Kinh doanh Prudential (2004-2006), Phó tổng giám đốc Kinh doanh Daiichi Life (2006), Tổng giám đốc Chứng khoán Đại Việt (2007-2008)…

Từ năm 2009, ông tiếp tục gặt hái thành công cho riêng mình trong lĩnh vực khởi nghiệp với việc sáng lập các doanh nghiệp: Sàn giao dịch Vàng thế giới, hệ thống trung tâm Toán tư duy Hoa Kỳ Mathnasium, web thương mại điện tử Hangtumy.com, web vé xe Pasoto.com, Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni ….

Ông Lâm Minh Chánh là một chuyên gia nghiên cứu sâu về tài chính và đầu tư. Ông có nhiều bài viết về lĩnh vực này trên các tờ báo kinh tế lớn.

Tháng 4/2020,ông xuất bản cuốn sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam”. Cuốn sách này đã trở thành “Best Sellers” với hơn 40,000 ấn bản trong 1 năm phát hành, liên tục nằm trong Top 1 các cuốn sách bán chạy nhất trên sàn TIKI và được báo Doanh nhân Sài Gòn chọn là top 10 cuốn sách đáng đọc năm 2020.