Covid-19 ảnh hưởng thế nào tới ngành bảo hiểm nhân thọ?

Covid-19 ảnh hưởng thế nào tới ngành bảo hiểm nhân thọ?

Đây là chia sẻ của ông Chung Bá Phương – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TC Advisors (TCA), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN qua điện thoại từ Hồng Kong (Trung Quốc).

Ông Phương cho biết do Covid-19 “ngăn cách” nên ông không thể về Việt Nam tham dự sinh nhật TCA nhân dịp công ty tròn 6 tuổi. Chia sẻ riêng về TCA, ông Phương bày tỏ khá hài lòng về sự phát triển đầy năng động, bền vững của TCA dù có lúc thách thức, khó khăn. Ông Phương cũng chia sẻ những câu chuyện thú vị về bảo hiểm thời Covid-19.

– Covid-19 ảnh hưởng ra sao tới ngành bảo hiểm nhân thọ ở các nước trên thế giới, thưa ông?

Chúng ta sẽ nói về tác động với cả bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe vì đó cũng là điều mà TCA tập trung vào. Đối với bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, dịch bệnh Covid-19 đã làm tăng nhu cầu về bảo hiểm bởi vì người dân nhận thức rõ hơn về sức khỏe và chăm sóc y tế quan trọng như thế nào.

“Các doanh nghiệp bảo hiểm cần quản lý tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của các công ty, giống như ngành ngân hàng quản lý nợ xấu. Ngân hàng nào, chi nhánh nào quản lý nợ xấu không tốt thì không nên cho tăng trưởng tín dụng. Đối với các công ty bảo hiểm có tỷ lệ duy trì thấp thì nên quản lý hoặc bị xử lý”, ông Chung Bá Phương.

Tính đến thời điểm diễn ra cuộc trao đổi này, trên thế giới đã có gần 29 triệu người đã nhiễm virus này và gần hơn 920 nghìn người tử vong (ngày 13/9). Hậu quả lâu dài của những người đã hồi phục vẫn chưa chắc chắn, từ tổn thương phổi và não rất nặng cho đến cả những tác động nhỏ hơn. Điều rất quan trọng là phải cẩn thận và Chính phủ đang làm một công việc tuyệt vời để chăm sóc cho người dân.

Đối với bên yêu cầu thanh toán, chúng tôi thấy rằng, những người có virus có thể phải chăm sóc đặc biệt dài hạn rất tốn kém. Các hợp đồng bảo hiểm đang chi trả rất nhiều quyền lợi để trang trải các chi phí này cho khách hàng. Chúng ta có xu hướng nhìn vào doanh thu nhưng không xem xét bao nhiêu lợi ích đã được trả để giúp đỡ khách hàng. Chi trả quyền lợi là công việc quan trọng nhất của hợp đồng bảo hiểm.

Trên toàn cầu, ngành bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe đã chậm lại một chút nhưng vẫn đang phát triển. Đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển. Lý do là mọi người nhìn thấy nhu cầu rõ ràng hơn đối với các sản phẩm chúng tôi cung cấp. Thứ hai, mọi người đã hạn chế chi tiêu cho những thứ như rượu, thuốc lá (đeo khẩu trang khó hút), du lịch, nhà hàng đắt tiền để có thêm thu nhập cho những thứ quan trọng mà họ cần như chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm không gây hại cho họ. Việc chậm lại rõ ràng là do người dân có thu nhập thấp hơn vì kinh tế giảm sút…

Chúng tôi nhận thấy tổng phí bảo hiểm từ các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Canada, Mỹ không giảm nhiều và các thị trường châu Á vẫn đang tăng trưởng tính đến 6 tháng đầu năm 2020 so với năm 2019.

Ngành bảo hiểm toàn cầu đã trở nên rất chuyên nghiệp với sự tư vấn chuyên nghiệp và sản phẩm phù hợp cho khách hàng, nên tỷ lệ duy trì rất tốt. Quyền lợi bảo hiểm cũng được chi trả nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp. Đây là lý do chính khiến ngành bảo hiểm toàn cầu không tăng trưởng chậm lại. Ngành bảo hiểm toàn cầu đã đi vào nề nếp, số hóa và tăng cường sử dụng công nghệ. Điều này cũng giúp đáp ứng và giải quyết các vấn đề của khách hàng trên mạng để giảm bớt tác động của việc lây lan Covid-19.

– Còn tại Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ đang chịu ảnh hưởng ra sao từ Covid-19, thưa ông?

Ở Việt Nam theo thống kê từ đầu năm vẫn tăng trưởng. Nhưng theo tôi, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang phát triển chưa thực sự khỏe mạnh. Tổng phí vẫn đang tăng lên nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Cũng cần lưu ý rằng, các ngân hàng nói chung đã làm tốt hơn đại lý truyền thống nhiều với việc bán bảo hiểm đúng cách dẫn đến tính bền vững cao hơn. Không có gì lạ khi các công ty bảo hiểm cạnh tranh để đưa ra các khoản trả trước lớn hàng trăm triệu USD để các ngân hàng có thể phân phối bảo hiểm thay cho họ.

Ngoài ra, Covid-19 cũng đang làm lộ diện các vấn đề về chất lượng đại lý kém và đang giúp các công ty tốt khác biệt hóa chính họ.

– Tỷ lệ duy trì hợp đồng đang là chỉ tiêu đáng quan tâm của toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ. Làm thế nào để tăng tỷ lệ này lên, thưa ông?

Toàn ngành cần quản lý tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của các công ty, giống như ngành ngân hàng quản lý nợ xấu. Ngân hàng nào, chi nhánh nào quản lý nợ xấu không tốt thì không nên cho tăng trưởng tín dụng.

Đối với các công ty bảo hiểm có tỷ lệ duy trì thấp thì nên quản lý hoặc bị xử lý. Toàn ngành rõ ràng cần phải cải thiện phương thức bán hàng và dịch vụ khách hàng vì đây là những vấn đề quan trọng.

Điều này có nghĩa là họ không thể mở rộng chi nhánh hoặc khu vực cho đến khi vấn đề được giải quyết bằng cách hạn chế tuyển dụng đại lý, hạn chế mở văn phòng trong khu vực “có vấn đề”,… Sau 18 tháng, chi nhánh/khu vực cần được xem xét lại tỷ lệ duy trì và loại bỏ các hạn chế nếu nó đạt tiêu chuẩn.

– Là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, ông có thể cho biết thách thức lớn nhất đối với kênh này hiện là gì?

Các ngân hàng nói chung đều tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng như tiền gửi, thẻ cho vay và thanh toán, ngoại tệ,… Họ có xu hướng xem bảo hiểm như một mảng kinh doanh phụ không phải cốt lõi dù nó quan trọng đối với khách hàng. Nhưng từ quan điểm khách hàng, bảo hiểm quan trọng hơn ngân hàng.

Ví dụ, cha mẹ sẽ mua bảo hiểm bệnh hiểm nghèo để bảo vệ con cái của họ nhưng không mở tài khoản ngân hàng cho con. Các ngân hàng cần hiểu bảo hiểm từ quan điểm của khách hàng nhiều hơn và cung cấp sản phẩm chính xác.

Xin cảm ơn ông!