Đặt mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 vừa được Phó thủ tướng Lê Minh Khái phê duyệt tại Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 5/1/2023.

Theo đó, chiến lược đặt mục tiêu doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 15%/năm, quy mô đạt 3% – 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 – 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% – 3,5%.

Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021 – 2025 và 10%/năm giai đoạn 2026 – 2030. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023 – 2030.

Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025 và 5 triệu đồng năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ, tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam. 

Đồng thời, nâng cao tính an toàn hệ thống, bền vững và hiệu quả của thị trường; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện nhất trong việc tham gia bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân. Nâng cao quản trị rủi ro, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng. 

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, chiến lược nêu rõ 10 bộ giải pháp. Một là hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Hai là tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ba là phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, trong đó đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già, các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thảm họa, thiên tai, rủi ro mới phát sinh thông qua cơ chế quỹ rủi ro bảo hiểm, bảo hiểm xanh, sản phẩm bảo hiểm về ant oàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng, hợp tác, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở phí bảo hiểm thuần, hạn chế cạnh tranh hạ phí bảo hiểm ảnh hưởng đến an toàn tài chính và giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.

Giải pháp thứ tư là đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm. Năm là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sáu là đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm.

Bảy là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh bảo hiểm, quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, chiến lược nêu rõ về việc xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (Insurtech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho donh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số.

Giải pháp tám là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra. Chín là tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm.