Doanh nghiệp bảo hiểm ngậm ngùi vì ‘bão chi phí’

Chi phí tăng mạnh

Các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn vừa trải qua một quý ảm đạm khi lợi nhuận đồng loạt đi xuống. Theo thống kê của Tạp chí Đầu tư Tài chính, 7 trong số 12 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn báo cáo kết quả lợi nhuận thụt lùi, 2 doanh nghiệp báo lỗ và 3 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng dương.

Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận thụt lùi, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI) là doanh nghiệp có mức độ sụt giảm lợi nhuận lớn nhất trong quý III (giảm 82%), đồng thời là doanh nghiệp có mức lợi nhuận sau thuế “khiêm tốn” nhất, chỉ đạt 17,8 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PGI đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 626 tỷ đồng, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lần lượt 16,8% và 24%, tương ứng đạt hơn 516 tỷ đồng và hơn 105 tỷ đồng. Biến động ngược chiều giữa doanh thu và chi phí, cùng với sự sụt giảm 34% của lợi nhuận hoạt động tài chính đã khiến PGI chỉ thu về mức lợi nhuận sau thuế ít ỏi, thua xa so với mức lợi nhuận hơn 97 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

Đứng thứ hai về mức độ sụt giảm, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III đạt hơn 58 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm và doanh thu tài chính đều đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ, lần lượt tăng 43% và tăng 7%, tương ứng đạt gần 691 tỷ đồng và 81,7 tỷ đồng.

Các loại chi phí của BIC đều ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số, như chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 69%, ch phí tài chính tăng 31% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 57%. Sự gia tăng đồng loạt của chi phí đã làm lợi nhuận sau thuế của BIC trong quý III giảm mạnh bất chấp doanh thu tăng.

Tương tự như BIC, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (UPCoM: ABI) cũng rơi vào trường hợp lợi nhuận giảm sâu bất chấp doanh thu tăng. Theo đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ABI chỉ tăng 6% so với cùng kỳ, tương đương đạt hơn 491 tỷ đồng, trong khi các loại chi phí là chi phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh lần lượt ở mức 14,3%, 32% và 25%. Chốt quý, ABI bão lãi sau thuế giảm 43%, đạt hơn 69 tỷ đồng.

Ngoài ra, 3 doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận sụt giảm là các “ông lớn” Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH), Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) và Tổng Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR). Trong đó, BVH và PVI là 2 doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất trên sàn đạt được mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, lần lượt là 408 tỷ đồng và hơn 274 tỷ đồng, tương ứng giảm 13,8% và giảm 21% so với cùng kỳ. VNR ghi nhận lợi nhuận hơn 71 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Một doanh nghiệp khác có mức lợi nhuận quý III sụt giảm là Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI (HNX: PRE) với mức giảm gần 48% so với cùng kỳ, đạt hơn 13,8 tỷ đồng.

Tồi tệ hơn, hai doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn báo lỗ quý III là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) với mức lỗ lần lượt là 25,4 tỷ đồng và hơn 167 tỷ đồng. Với AIC, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng tới 50%, đạt hơn 478 tỷ đồng. Tuy nhiên với việc tổng chi phí tăng mạnh hơn ở mức 74% và lợi nhuận tài chính sụt giảm 72% do không còn được hoàn nhập chi phí đầu tư tài chính như cùng kỳ, thua lỗ trong quý III là điều không thể tránh khỏi.

Về phía PTI, doanh nghiệp này lỗ nặng hơn 167 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi cùng kỳ lãi hơn 196 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm gần 12% so với cùng kỳ, đạt hơn 978 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bồi thường tăng 70%, làm tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 17% lên mức hơn 1.147 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính PTI cho biết là do phát sinh hàng trăm tỷ đồng chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An”. Đây là gói bảo hiểm tai nạn được triển khai từ giữa năm ngoái, có kèm theo chương trình hỗ trợ dịch bệnh. Trong quý II vừa qua, PTI cũng đã báo lỗ sau thuế gần 223 tỷ đồng vì nguyên nhân trên.

Như vậy, nhìn chung nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ trong quý III của các doanh nghiệp nêu trên là do sự gia tăng mạnh về chi phí trong kỳ, trong đó bao gồm chi phí bồi thường, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính. Ở một số doanh nghiệp, chi phí tăng mạnh đến mức sự tăng trưởng của doanh thu không thể bù đắp.

Điểm sáng quý III và triển vọng năm 2023

Điểm sáng quý III đến từ 3 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng dương là Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UCPoM: BLI) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG) với mức tăng trưởng lần lượt là 60%, 8% và 55%. Động lực tăng trưởng chủ yếu là từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Cụ thể, BMI ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 39%, đạt hơn 1.172 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 74%, đạt hơn 121 tỷ đồng. Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu, dù chi phí của BMI tăng tương đối nhanh cùng với xu hướng chung của doanh nghiệp bảo hiểm, BMI vẫn đạt được tăng trưởng lợi nhuận dương ở mức 60%.

Với BLI, lực đẩy cũng tới từ sự gia tăng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời tiết giảm chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Còn MIG thì cho biết kết quả đạt trong quý III chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm, lên đến 59% so với cùng kỳ, đạt 887 tỷ đồng. Song song với đó, doanh thu tài chính cũng tăng 15% lên mức 46 tỷ đồng trong quý III.

Dù điểm sáng quý III chỉ có ít ỏi với 3 doanh nghiệp đạt tăng trưởng lợi nhuận dương, tuy nhiên các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong quý IV và năm 2023. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại bước vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động, các doanh nghiệp bảo hiểm được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ diễn biến này.

Bên cạnh tiền gửi ngân hàng, trái phiếu Chính phủ cũng là một trong những khoản đầu tư tài chính chủ đạo của các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo nhận định của Công ty chứng khoán VNDirect, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 và 15 năm trên thị trường sơ cấp đã tăng khoảng 180 – 190 điểm cơ bản từ đầu năm nay. Động lực tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ đến từ việc các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, gây nên áp lực tỷ giá tiền đồng so với USD.

Theo VNDirect, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới và khả năng cao sẽ phải phát hành nhiều trái phiếu Chính phủ hơn. Như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không chỉ được hưởng lợi từ diễn biến lãi suất huy động mà còn từ lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Cũng theo VNDirect, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ ở Việt Nam hiện đang ở mức thấp, cho thấy tiềm năng tăng trưởng rộng mở của ngành bảo hiểm ở phía trước. Công ty chứng khoán này cho rằng một loạt các yếu tố vĩ mô thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nhu cầu bảo hiểm trong dài hạn, bao gồm tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở mức cao, già hóa dân số nhanh, tiến bộ trong nền giáo dục, sự phát triển của thị trường tài chính và đầu tư nước ngoài.