Doanh nghiệp khổ vì tín dụng đen ‘khủng bố’

Ngập tràn bẫy cho vay

Chỉ cần lên mạng tham gia vào các diễn đàn hay các nhóm cộng đồng, người sử dụng mạng xã hội luôn bị bủa vây bởi những lời chào mời cho vay. Ví dụ như “hỗ trợ khách hàng khoản vay từ 20 – 500 triệu, hỗ trợ tất cả khách hàng nợ xấu, thủ tục nhanh gọn…”, hỗ trợ khách hàng khoản vay không thế chấp, thẩm định, giải ngân…”.

Anh Duy Trường, quản trị viên một nhóm cộng đồng chợ đầu mối nông sản, cho biết: “Các nhóm cho vay xuất hiện khắp nơi, tung các tin rao cho vay tràn ngập khắp diễn đàn, đây thực chất là spam (tin nhắn rác). Tôi và các quản trị viên luôn xóa các thông tin này nhưng chúng rải rất nhiều, không thể nào xóa sạch hết được. Với những người cần tiền xoay xở trong lúc khó khăn khi gặp những tin nhắn như thế này nhiều lần cũng sẽ bị tác động, và một lúc nào đó sẽ sa bẫy của chúng”.

Theo tìm hiểu và ghi nhận của phóng viên, hầu hết các group chat, các nhóm cộng đồng đều khổ sở vì hình thức rao cho vay này. “Tin nhắn mời gọi cho vay xuất hiện khắp nơi, nhóm Facebook hay Zalo đều có. Nhiều người nhẹ dạ hoặc túng quẫn đều có thể sa vào bẫy cho vay nặng lãi này bất cứ lúc nào”, anh N.K.H, quản trị viên một diễn đàn ô tô, cho biết.

Công nhân là đối tượng dễ sa vào bẫy tín dụng đen, chủ doanh nghiệp cũng bị liên lụy

Chị V.K.L (xin giấu tên) kể: “Người nhà của tôi có lỡ vay tiền online theo những lời chào mời trên mạng, sau đó đã chuyển khoản thanh toán hết gần triệu đồng trong khi app (ứng dụng) chỉ cho vay 250.000 đồng mà họ cứ đòi nợ hoài, đến người nhà cũng bị làm phiền suốt”.

Chị Thủy, công nhân may ngụ tại quận Bình Thạnh (TP. HCM), chia sẻ: “Năm trước mẹ tôi bị bệnh phải nhập viện, trong lúc kẹt tiền, tôi đánh liều vay tiền qua mạng, vay có vài triệu, sau đó trả hoài vẫn không hết nợ. Tôi bị bọn cho vay kiếm đến tận nhà, vì lo lắng nên tôi phải hỏi mượn bạn bè khắp nơi để trả nợ. Cuối cùng nợ của bạn tôi cũng không trả được, thành ra mang tiếng là người không uy tín”.

Anh B.H.A, công nhân một công ty da giày tại khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc (Long An), kể: “Trong công ty tôi có một người vay tín dụng đen, thế là bọn chúng “khủng bố” cả người thân, đồng nghiệp và hăm dọa đến tận ban giám đốc để làm phiền, mục đích đòi nợ. Tuy nhiên, kiểu đó chỉ làm phiền người khác thôi chứ nợ làm sao mà đòi, có ai chịu đứng ra trả nợ giùm đâu”.

Công nhân thiếu nợ, đòi chủ doanh nghiệp !

Ông L.T.T, Chủ tịch công đoàn một công ty ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), cho hay cả ban chấp hành công đoàn bị các đối tượng lạ khủng bố. Ông T. cho biết nhóm này khủng bố cả ngày, cứ 5 – 10 phút gọi một lần, chặn số này thì số khác lại gọi tới, rất phiền phức. Ông L.B.H, Phó chủ tịch công đoàn một công ty sản xuất giày ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), thì quá mệt mỏi khi suốt ngày bị nhóm đòi nợ khủng bố.

“Họ nhá máy rồi gọi điện liên tục, hăm dọa đủ kiểu làm xáo trộn mọi công việc. Hết gọi cho tôi lại chuyển sang gọi những người thân khác trong gia đình tôi. Sau đó họ còn khủng bố trên Facebook, ghép ảnh xúc phạm danh dự”, ông H. bức xúc.

Mới đây nhất, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn đến Cục An ninh kinh tế (A04 – Bộ Công an) về việc các cá nhân quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ lãnh đạo nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản.

Trao đổi với báo giới chiều 28/7, đại diện VASEP cho biết: Gần đây, văn phòng VASEP nhận được phản ánh của nhiều DN thành viên về việc lãnh đạo của DN bị quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ một cách trắng trợn, công khai (qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội…) từ các cá nhân không quen biết, được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân, ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực đến các DN, tâm lý lãnh đạo DN cũng như trật tự xã hội. Số lượng các DN phản ảnh rất nhiều, danh sách lên đến hàng chục và còn nhiều đơn vị khác chưa lên tiếng. Trước thực trạng đó, VASEP đã tổng hợp các trường hợp và gửi đến cơ quan chức năng để yêu cầu xử lý.

Theo phản ánh và tự tìm hiểu ban đầu của các DN, trong hơn 2 năm qua, dịch vụ vay tiêu dùng nhanh có dấu hiệu rộ lên ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các công ty, tổ chức tín dụng cho vay cá nhân thông qua app trên smartphone hoặc chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính, với nhiều thông tin quảng cáo hấp dẫn, lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người lao động để dụ dỗ, lôi kéo cho vay.

Khi các công nhân, người lao động không trả được nợ, các cá nhân (được cho là từ các công ty, tổ chức tín dụng cho vay) đã gọi điện và nhắn tin liên tục, đe dọa, quấy nhiễu, chửi bới đến ban giám đốc, công đoàn, các phòng ban của công ty mà người lao động đang làm việc. Ngoài ra, các đối tượng này còn lên các mạng xã hội bôi nhọ công ty, cắt ghép hình ảnh của lãnh đạo công ty và lan truyền như đang truy tìm đối tượng lừa đảo, thậm chí tung tin lãnh đạo công ty đã chết… Các thủ đoạn này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN, làm xáo trộn cuộc sống và gia đình người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Mặc dù thời gian qua, các DN đều đã phản ánh, báo cáo sự việc tới chính quyền tại các địa phương nơi DN hoạt động, nhưng các vụ việc này vẫn ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn. Theo VASEP, đây là một vấn nạn ngày càng có dấu hiệu phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của cộng đồng DN cũng như trật tự an toàn xã hội. Việc quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ người khác, đến lãnh đạo DN một cách công khai, trắng trợn không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với sự an toàn của các DN, tổ chức và người lao động.

Không chỉ có công nhân mà ngay cả các DN nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương cũng đang là “miếng mồi ngon” của các tổ chức tín dụng đen.

Tại hội thảo gỡ khó vốn vay cho DN chế biến nông sản tổ chức ngày 28.7, ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), nhận định: “Các DN vừa và nhỏ, các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay rất đói vốn, trong khi đó chính sách hỗ trợ vốn vay cho các đối tượng này có nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Khó khăn tiếp cận ngân hàng thương mại không chỉ dẫn đến nhiều hệ quả như các hợp tác xã không được khuyến khích đầu tư chế biến mà còn hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn”.