Đồng Tổng giám đốc MoMo: ‘Chúng tôi đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần’

Đồng Tổng giám đốc MoMo: 'Chúng tôi đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần'

Chia sẻ tại Lễ công bố MoMo gọi vốn thành công Series D mới đây, ông Nguyễn Mạnh Tường – Phó chủ tịch, Đồng Tổng giám đốc MoMo bày tỏ trong 10 năm qua, MoMo đã “chết đi sống lại” không biết bao nhiêu lần.

“10 năm trước, khi chúng tôi công bố ra mắt ví điện tử đầu tiên của Việt Nam, dung lượng của MoMo lúc đó chỉ bằng 1/3.000 ví điện tử hiện tại. Ví điện tử đó có thể chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, nạp game… nhưng đó chỉ là sự kỳ diệu của công nghệ. Nó quá khó dùng, sản phẩm đó không đủ tốt để đa phần người dân Việt Nam chấp nhận”, ông Tường cho hay.

Vị lãnh đạo này gọi 10 năm qua là hành trình dài của MoMo để phá bỏ cái cũ, tạo dựng cái mới.

“Ra mắt được ví điện tử chỉ là một chuyện, được khách hàng dùng hay không lại là chuyện khác. Chúng tôi vật vã 3 năm, từ năm 2014 đến năm 2016, mới đạt được 1 triệu khách hàng đầu tiên. Đó là cột mốc đáng nhớ vì giới start-up gọi đây là mốc xác định sản phẩm được thị trường chấp nhận. Đây là một hành trình đầy khúc khuỷu, phá đi đập lại không biết bao nhiêu lần”, Đồng Tổng giám đốc MoMo Nguyễn Mạnh Tường nói.

Ông Tường cho hay trong quá trình gọi vốn 1 năm qua, rất nhiều nhà đầu tư hỏi thách thức lớn nhất của MoMo là gì.

“Thách thức đầu tiên theo tôi là có giấc mơ và tầm nhìn đủ lớn, bởi chỉ có như vậy, chúng tôi mới kêu gọi được các nhân tài khắp Việt Nam và thế giới cùng hội tụ để giải quyết bài toán mà suốt 10 năm qua chúng tôi vẫn xác định mình mới chỉ đang ở điểm khởi đầu”, vị lãnh đạo nói.

Bài toán đó là làm sao để khách hàng chấp nhận thanh toán điện tử.

Thách thức thứ hai là niềm tin. “Để xây dựng được một nền tảng tài chính số, niềm tin là quan trọng nhất. Chúng tôi rất may mắn trong 10 năm qua đã được ‘tạm ứng niềm tin’ từ các khách hàng, đối tác và chứng minh được rằng MoMo nghĩ được, làm được”.

Thách thức niềm tin ở đây là làm sao để khách hàng yên tâm, bởi nền tảng số còn tồn tại nhiều hình thức lừa đảo, chính vì vậy cần phải giúp khách hàng nhận ra đâu là rủi ro. Nếu quản lý được rủi ro thì khách hàng có thể sử dụng được các tiện tích mà nền tảng công nghệ số mang lại.

“Đó không phải là việc một sớm một chiều, cần những ‘tay chơi’ trên thị trường cùng nhau giải quyết bài toán đó”, ông Tường nêu quan điểm.

Đó là thách thức. Còn đối thủ lớn nhất của MoMo, theo ông Tường, là tiền mặt. “Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng hiện nay, việc làm sao để khách hàng ra quán café rút điện thoại ra thanh toán thay vì rút tiền mặt vẫn là một thách thức”, lãnh đạo MoMo ví von.

Nói về lần gọi vốn này, Tổng giám đốc MoMo Phạm Thành Đức cho hay kế hoạch gọi vốn chính thức được triển khai cách đây 1 năm nhưng sau đó đại dịch Covid-19 xảy ra, MoMo rơi vào tình huống khó khăn trong việc tiếp cận các nhà đầu tư, đồng thời băn khoăn rằng thái độ, tâm lý của các nhà đầu tư liệu có còn lạc quan như trước hay không.

“Chúng tôi đã phải đưa ra rất nhiều kịch bản. Nếu gọi được vốn thì sẽ như thế nào. Nếu không gọi được vốn thì công ty sẽ tồn tại ra sao”, ông Đức chia sẻ.

Tuy vậy, cuối cùng MoMo cũng thực hiện được “lần gọi vốn đầu tiên mà không cần phải đi đâu”.

2 năm tới, tham vọng của MoMo là tăng gấp đôi số lượng khách hàng, từ 23 triệu hiện tại lên 50 triệu khách. Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường chủ yếu của MoMo và trọng tâm phát triển sẽ được ví điện tử này dồn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), bởi đây là nền tảng của kinh tế Việt Nam.