FE Credit chốt xong thương vụ bán 49% vốn cho tập đoàn tài chính của Nhật Bản?

Tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tháng 2/2015, FE Credit đã chuyển đổi hoạt động với tư cách là pháp nhân độc lập, được nhận diện với thương hiệu FE Credit.

Đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho FE Credit tăng vốn điều lệ, chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Được biết mới đây, ngày 22/4/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 684/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của FE Credit.

Cụ thể, NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 2 Giấy phép số 64/GP-NHNN ngày 30/10/2017 của Thống đốc NHNN về thành lập và hoạt động FE Credit. Theo đó, vốn điều lệ của FE Credit tính đến thời điểm hiện tại là 10.928 tỷ đồng.

Trước đó, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết VPBank đã lên kế hoạch bán FE Credit – công ty cho vay tiêu dùng từ năm 2017. Tuy nhiên, ngân hàng đã hủy bỏ kế hoạch do tại thời điểm đó, FE Credit đóng góp một nửa lợi nhuận doanh nghiệp. Những năm gần đây, FE Credit chỉ chiếm 1/3 lợi nhuận ròng hợp nhất của ngân hàng.

Tình trạng này là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt quy định liên quan tới cho vay tiêu dùng. Cụ thể, vào tháng 11/2019, NHNN đã ban hàng Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định cho vay cá nhân không thế chấp (cho vay bằng tiền mặt) không được phép vượt quá 70% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của một công ty tài chính, kể từ năm 2021. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống 60% vào năm 2022, 50% vào năm 2023 và 30% vào năm 2024.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến phân khúc khách hàng đại chúng, vốn là trọng tâm của công ty tài chính tiêu dùng này. Một số công ty tài chính tiêu dùng đã phải thay đổi hoạt động kinh doanh nhằm chuẩn bị trước các thách thức hiện nay. FE Credit, đã cắt giảm 4.400 nhân viên trong năm 2020 nhằm giảm chi phí hoạt động.

FE Credit đã duy trì vị thế dẫn đầu trong giai đoạn 2015 – 2020, với tổng dư nợ cho vay trong giai đoạn 2015 – 2019 đạt tăng trưởng kép 34%, chiếm gần 50% thị phần giai đoạn này. Theo nhận định của VNDirect, FE Credit đã thành công trong việc tận dụng sự bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng giai đoạn đầu. Do đó, mặc dù chính thức gia nhập thị trường tiêu dùng muộn hơn so với các đối thủ, FE Credit đã nhanh chóng chiếm được thị phần bằng chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ và khác biệt.

Tuy nhiên, do dư nợ cho vay duy trì mức tăng trưởng cao, lợi nhuận ròng ghi nhận xu hướng giảm do chi phí vốn cao và nợ xấu tăng nhanh. Việc tăng trưởng mạnh dư nợ cho vay đặt áp lực lên nguồn vốn của ngân hàng, khiến chi phí sử dụng vốn của VPBank thường xuyên duy trì cao nhất trong các ngân hàng đã niêm yết.

Chuyên gia của VNDirect cho rằng việc bán cổ phần FE Credit tại thời điểm này là hợp lý. Với VPBank, một đối tác chiến lược nước ngoài kết hợp với FE Credit sẽ cải thiện chi phí vốn của doanh nghiệp và giúp kiểm soát rủi ro.

“Sau khi nghiên cứu các công ty tài chính tiêu dùng trong khu vực sở hữu hoạt động kinh doanh và phân khúc sản phẩm tương tự, chúng tôi tin rằng FE Credit có thể đạt được mức P/B mục tiêu 3,5 – 4,0 lần (mức thấp nhất trong các doanh nghiệp khu vực có ROE tương đương) cho thương vụ chiến lược này (tương đương định giá công ty đạt 2,3 – 2,6 tỷ USD). Nguồn vốn tăng thêm sẽ đem lại nhiều phương án sử dụng, như thúc đẩy quy mô cho vay của ngân hàng mẹ, đầu tư vào ngân hàng điện tử…”, chuyên gia của VNDirect nêu quan điểm.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng việc mua lại FE Credit sẽ tạo dựng chỗ đứng cho nhà đầu tư chiến lược trong thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Công ty cũng đã sở hữu một lượng lớn khách hàng và đã phục vụ hơn 10 triệu khách hàng. Bên cạnh đó, ngành cho vay tiêu dùng của Việt Nam được dự báo sẽ có xu hướng phát triển trong vài năm tới, nhờ dân số trẻ, mức thu nhập tăng và tỷ lệ sở hữu nhà, xe và hàng hóa lâu bền ngày càng gia tăng.