Hà Nội kích hoạt ‘Ngày thanh toán không dùng tiền mặt 2021’

Sự kiện “Ngày thanh toán không tiền mặt” được lần đầu tổ chức vào năm 2020, do Sở Công Thương TP. Hà Nội chủ trì tổ chức và kéo dài trong tháng 11 hàng năm.

Ngày thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng, góp phần làm bình ổn giá cả, chống thất thu thuế, kiềm chế lạm phát…

Với việc phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ hàng hóa như các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố cùng các cơ quan truyền thông, Sở Công Thương muốn thông qua các chuỗi hoạt động của sự kiện để tuyên truyền về thanh toán qua POS, thanh toán điện tử, dịch vụ trung gian thanh toán dưới nhiều hình thức, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong thanh toán, giúp công chúng hiểu được lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần làm giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết giảm được chi phí in ấn và vận chuyển, tăng nguồn vốn đầu tư từ các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội, giúp đồng vốn được luân chuyển nhanh hơn.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp hữu hiệu để đạt được “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. 

Về tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến hình thức thanh toán này không được ưa chuộng là do niềm tin của người tiêu dùng đối với các giao dịch thương mại điện tử cũng như đối với nền tảng thanh toán trực tuyến còn hạn chế, đặc biệt là chính sách bảo vệ người tiêu dùng chưa được đồng bộ.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết trong thời gian qua, các nền tảng hạ tầng công nghệ trong thanh toán trực tuyến cũng đang bắt đầu được cải thiện.

“Theo số liệu thống kê gần đây nhất của các chuyên gia, tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trực tiếp qua thẻ visa tăng 230% so với cùng kỳ, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm giao dịch qua thương mại điện tử qua thẻ visa tăng nhiều lần trong quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết.

Về con số cụ thể, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, cho biết theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, tỷ lệ dân số tham gia mua bán trực tuyến là 53%, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, hình thức thanh toán COD (trả tiền mặt khi nhận hàng) là phổ biến nhất với tỷ trọng 78%.

Tại Lazada, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt của Lazada đã tăng trưởng hơn 30% mỗi tháng kể từ tháng 4/2021, tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm đáng kể từ mức 91% (trước tháng 4/2020) về 84% (tháng 10/2021).