Kiểm toán Nhà nước: Bảo Minh có nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 2,79%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; giảm lãi suất điều hành 2 lần. Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% .

Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và hợp nhất của Vietcombank lần lượt là 9,24% và 9,6%, Agribank là 9,2% và 9,6% (quy định 9%). Tại Agribank, tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 15,8% (quy định tối thiểu 10%), tỷ lệ khả năng chi trả 30 ngày đối với VND là 72,2% (quy định tối thiểu 50%), tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn là 29,6% (quy định tối đa là 40%)…. Bảo Minh đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định của Bộ Tài chính.

Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Vietcombank lần lượt là 23.211,57 tỷ đồng và 22,99%; Agribank là 13.896,02 tỷ đồng và 16,02%; Bảo Minh là 254,02 tỷ đồng và 9,05%.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đại Chúng vượt 13.656 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn vượt 8.654 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt vượt 3.153 tỷ đồng, Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho TP. HCM vượt 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan – Chi nhánh TP. HCM vượt 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga vượt 69 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc xác định giá trị tài sản đảm bảo, việc hạch toán giá trị tài sản cho thuê tài chính chưa phù hợp. Việc xác định giá trị tài sản bảo đảm cho thuê tài chính theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 chưa căn cứ vào giá trị thực tế hợp lý của tài sản mà phụ thuộc vào dư nợ cho thuê, chưa phản ánh đúng bản chất của tài sản bảo đảm.

Cùng đó, việc hạch toán, theo dõi, phản ánh giá trị tài sản cho thuê tài chính theo giá gốc ban đầu theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-NHNN ngày 17/01/2018 chưa phù hợp với nguyên tắc giá trị tài sản cho thuê giảm dần và được chuyển giao cho bên đi thuê khi hết thời gian thuê.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác. Trong đó, Bảo Minh có nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Cụ thể, Bảo Minh hạch toán thiếu doanh thu 7,04 tỷ đồng đối với các hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm; chưa hạch toán thu đòi người thứ ba 55,21 tỷ đồng; trích lập dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm thừa 13,96 tỷ đồng.

Cùng với đó, nợ quá hạn phí bảo hiểm gốc 1.062,16 tỷ đồng, chiếm 98,77% nợ phải thu phí bảo hiểm gốc, trong đó nợ phải thu khó đòi 743,56 tỷ đồng, bằng 70,67% nợ quá hạn.