Nhiều rủi ro khi giao dịch qua cổng thanh toán không chính thống

Nhiều rủi ro khi giao dịch qua cổng thanh toán không chính thống

– Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều cá nhân sử dụng cổng thanh toán quốc tế để trốn thuế, lách thuế. Hành vi trốn thuế, lách thuế không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tiếp tay cho người vi phạm. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

– Ls Lê Thị Hồng Vân: Khái niệm về cổng thanh toán quốc tế không còn mới mẻ với đa số người dân, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, để hiểu một cách đúng đắn về phương thức thanh toán này thì chắc hẳn không phải ai cũng hiểu. Do vậy, phương thức thanh toán này có rủi ro hay không, có được pháp luật Việt Nam bảo hộ hay không còn là vấn đề cần bàn luận một cách nghiêm túc.

Trên thực tế, hình thức thanh toán này không được Nhà nước Việt Nam công nhận, do vậy không được pháp luật bảo vệ.

Do không được xây dựng trên một thiết chế chính trị, hay pháp luật nào, nên không được điều chỉnh và áp dụng tại Việt Nam. Mặc dù có một bộ phận người dân sử dụng như một phương thức thanh toán, nhưng đó là kênh thanh toán không chính thống.

Nếu muốn giao dịch được pháp luật công nhận, thì người dân phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Do đó, cá nhân, tổ chức phải mở một tài khoản giao dịch, tài khoản này sẽ mất phí duy trì và phí giao dịch theo quy định của ngân hàng.

Phí này nhằm đảm bảo vệ về mặt pháp lý cho chủ tài khoản, cũng như xác lập các quyền, nghĩa vụ của của tài khoản trong giao dịch tài chính.

Quay trở lại vấn đề thanh toán quốc tế, vì không được pháp luật Việt Nam công nhận, cho nên không được áp dụng công khai, cũng như áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Những cá nhân, tổ chức tại Việt Nam giao dịch theo hình thức này bị coi là “giao dịch chui”, đồng nghĩa với việc trốn thuế, lách thuế, vi phạm điều cấm của pháp luật.

Ngoài ra, những rủi ro khi thanh toán quốc tế bất hợp pháp như vậy cũng không được pháp luật bảo vệ, nếu gặp phải hành vi lừa đảo thì những chủ tài khoản này cũng phải chấp nhận mà không được áp dụng các biện pháp bảo hộ nào.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, cũng như những lợi ích trước mắt mà hình thức thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro này vẫn còn tồn tại và như làn sóng ngầm. Nếu không hiểu biết nhưng bất chấp rủi ro mà tiến hành thanh toán quốc tế là hành vi tiếp tay cho những vi phạm pháp luật.

– Như bà vừa nói thì các cổng thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer, Skrill, WebMoney… là những cổng thanh toán không chính thống, không được pháp luật của Việt Nam công nhận. Bà có lời khuyên gì đối với người sử dụng các cổng thanh toán này?

Như trên tôi đã nêu, những cổng thanh toán quốc tế đang được một bộ phận người dân thực hiện không được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Do đó, những rủi ro nếu có sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Chỉ vì lợi trước mắt mà áp dụng phương thức thanh toán này chỉ để giảm bớt khoản tiền phí giao dịch qua các tổ chức tín dụng tại Việt nam, hoặc các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động theo pháp luật Việt Nam, nhưng hậu quả xảy ra thì người giao dịch sẽ có nguy cơ mất trắng.

Do đó, theo tôi, chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ những giao dịch mà mình sẽ thực hiện, cũng như những rủi ro nếu có xảy ra thì cá nhân, tổ chức nào sẽ đứng ra bảo vệ mình.

Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ những mặt hàng, những giao dịch tài chính mà mình sẽ thực hiện, những tài khoản thanh toán có đáng tin cậy hay không. Đừng vì một chút lợi nhuận trước mắt mà ảnh hưởng đến túi tiền của chính mình.

– Để chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định các bộ, ngành cùng phải có trách nhiệm quản lý thuế trong lĩnh vực này. Theo bà, để chống thất thu ngân sách, trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là ngân hàng thương mại như thế nào?

Các bộ, ngành cần có nhiều biện pháp tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo người dân, phương thức tuyên truyền phải dễ hiểu, dễ ngấm để người dân nhanh chóng tiếp thu.

Ngoài ra, cần có những ví dụ cụ thể, những nhân chứng là nạn nhân của những vụ lừa đảo thông qua hình thức giao dịch quốc tế để cảnh báo đối với người dân.

Tôi cho rằng, sai lầm của người dân là thiếu hiểu biết, hoặc hiểu biết không chính xác. Do đó, biện pháp tuyên tuyền qua mọi phương tiện thông tin truyền thông là vô cùng cần thiết để người dân nắm rõ bản chất của từng chính sách.

Xin cảm ơn bà!

Cơ quan thuế đang phối hợp với ngân hàng để nắm bắt dòng tiền

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động kinh tế số là một hoạt động khá mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình này hiện nay, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 sẽ chuyển dịch rất mạnh.

Vì vấn đề giãn cách, nên người dân thay vì đến các cửa hàng, siêu thị mua hàng, thì hiện nay chuyển sang mua qua mạng rất nhiều. Để quản lý thuế đối với hoạt động này, trong năm 2020 ngành Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý thuế đối với hoạt động này. Cơ quan thuế cũng đã thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế số.

Về mặt pháp lý, Luật Quản lý thuế số 38, cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đã được Tổng cục Thuế xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Trên cơ sở đó, ngành Thuế cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là ngân hàng để quản lý thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới.

Đề cập đến các trường hợp đã sử dụng các cổng thanh toán quốc tế không chính thống để giao dịch, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, việc tuân thủ nghĩa vụ thuế là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Cơ quan thuế đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để theo dõi, nắm bắt dòng tiền, cũng như các dấu vết mà tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật về thuế để xử lý theo quy định của pháp luật.