Phó chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp: MoMo sẽ IPO và lên sàn chứng khoán

Phó chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp: MoMo sẽ IPO và lên sàn chứng khoán

Thập kỷ mới 2021 – 2030 được kỳ vọng sẽ là thập kỷ của công nghệ số. Các doanh nghiệp công nghệ số theo đó cũng được dự báo sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam chuyển mình và tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhân dịp bắt đầu một thập kỷ mới, đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một doanh nghiệp số tiêu biểu của Việt Nam, đó là ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo – ví điện tử nhiều người dùng nhất Việt Nam hiện nay – về hành trình 10 năm qua cũng như tầm nhìn 10 năm tới của MoMo nói riêng và thị trường ví điện tử của Việt Nam nói chung.

– Năm 2020 đánh dấu 10 năm MoMo ra mắt thị trường Việt Nam và trở thành ví điện tử đứng đầu về số lượng người dùng. Trong hành trình 10 năm qua, theo ông, năm nào là năm mang tính bước ngoặt đối với MoMo? Vì sao?

Đồng sáng lập, Phó chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp: Để đi đến ngày hôm nay, tôi nghĩ MoMo có 3 thời điểm quan trọng mang tính bước ngoặt.

Đầu tiên là năm 2013, khi MoMo quyết định làm ứng dụng ví điện tử trên trên điện thoại thông minh. Lúc đó điện thoại thông minh mới bắt đầu phát triển, thị trường chỉ quen với giao diện web hoặc trên SIMCARD điện thoại, không ai tin ứng dụng trên di động sẽ thành công.

Chúng tôi quyết định từ bỏ phương pháp truyền thống vì tin rằng khách hàng sẽ thích sự tiện dụng của di động với giao diện đơn giản.

3 năm sau đó (2016), khi smartphone phổ biến thì sản phẩm MoMo đã hoàn thiện, sẵn sàng để hứng thị trường trong khi các đơn vị khác chưa kịp chuẩn bị. Cũng nhờ điều này mà sản phẩm của MoMo lan tỏa nhanh chóng, hiệu quả trong khách hàng.

Năm bước ngoặt thứ hai là 2017, khi chúng tôi ngộ ra triết lý “Người dùng hạnh phúc” (Happy Users). Sau quá trình miệt mài làm sản phẩm công nghệ thì chúng tôi mới hiểu ra được rằng muốn giữ chân khách hàng thì cần phải làm cho họ cảm thấy hài lòng, hạnh phúc khi sử dụng.

Sản phẩm tốt thì sẽ khiến cho khách hàng dùng thử, nhưng những cảm xúc khi dùng sản phẩm mới là thứ để giữ họ ở lại. Nếu khách hàng đến với mình nhiều, rồi rời đi nhanh chóng, thì MoMo chẳng khác gì xô cát thủng, vào bấy nhiêu ra bấy nhiêu, không giữ được gì lại.

Với triết lý “Người dùng hạnh phúc” thì công nghệ chỉ là phần xác của sản phẩm, còn trải nghiệm khách hàng, cảm xúc của khách hàng khi sử dụng sẽ là linh hồn của sản phẩm.

Để làm được điều này, việc quan trọng nhất là tuyển mộ được mội đội ngũ nhân sự có cùng chí hướng, tận tụy và chia sẻ triết lý với chúng tôi. Rất may mắn, nhiều nhân tài có trình độ cao, tốt nghiệp các trường danh tiếng (Harvard, Yale, Chicago, Columbia, Oxford, Cambridge) làm việc cho các tập đoàn quốc tế, đã tụ hội về MoMo.

Kể từ khi áp dụng triết lý này, MoMo đã giữ được tỷ lệ khách hàng ở lại với dịch vụ rất cao, đó cũng là một trong những bí quyết mang lại thành công cho chúng tôi.

Năm 2020 cũng là năm bước ngoặt với MoMo, gắn liền với sự kiện đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Đây là giai đoạn khó khăn với hầu hết doanh nghiệp nhưng với MoMo đó là cơ hội cực lớn khi chứng kiến sự tăng trưởng đột biến chưa từng có.

Chỉ riêng năm 2020, chúng tôi có thêm 10 triệu khách hàng mới, bằng đúng lượng khách hàng của 9 năm (2010-2019) cộng lại. Đại dịch diễn ra là động lực để người dùng Việt Nam thay đổi tư duy (mindset) về các phương thức thanh toán điện tử, nhà cung cấp dịch vụ thực sự thấy nhu cầu cấp thiết của việc kinh doanh trực tuyến (go-online) để tồn tại…

Tất cả điều đó là “cú hích” để giúp cho thị trường thanh toán điện tử và thương mại điện tử bùng nổ. Đặc biệt là động thái của Chính Phủ trong việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, giúp tạo niềm tin về thanh toán điện tử cho toàn xã hội và là hình mẫu cho các doanh nghiệp học tập.

– Ông có đánh giá thế nào về thị trường ví điện tử Việt Nam trong thập kỷ vừa qua? Nếu chia sự phát triển của thị trường ví điện tử thành các giai đoạn thì thị trường ví điện tử Việt Nam đang ở trong giai đoạn nào, thưa ông?

Theo tôi thị trường ví điện tử Việt Nam trong thập kỷ qua chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1.0 (năm 2010 – 2012): Đây là giai đoạn hồng hoang của ví điện tử. Vào thời điểm đó, MoMo bắt đầu làm ứng dụng ví điện tử trên SIMCARD theo mô hình Mobile Money, còn các đơn vị khác thì triển khai dịch vụ trên web. Thời này ví điện tử chủ yếu phục vụ nhu cầu thanh toán thương mại điện tử và nạp tiền điện thoại.

Giai đoạn 2.0 (năm 2013 – 2016): Đây là giai đoạn mà điện thoại thông minh bắt đầu xuất hiện và giá thành ngày càng rẻ. Ví MoMo là đơn vị đầu tiên viết ứng dụng trên nền tảng di động và những đơn vị khác cũng làm theo tương tự. Giai đoạn này các ví đã mở rộng thanh toán thêm điện nước, các dịch vụ cơ bản và một số dịch vụ tài chính tiêu dùng.

Giai đoạn 3.0 (năm 2017 – 2020): Nền tảng thanh toán đa dịch vụ. Đây có thể xem là giai đoạn đầu của sự tiến hóa từ ví điện tử thành nền tảng đa da dịch vụ, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ khác nhau phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Giai đoạn 4.0 (năm 2021  trở đi): Super App (Siêu Ứng dụng). Khách hàng mong muốn có một ứng dụng trên di động “All in one” một “trạm dừng” mà người dùng có thể mua sắm, thanh toán, dịch vụ tài chính, giải trí, đi lại, từ thiện… đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Hiện Ví MoMo đang ở đầu giai đoạn 4.0, chúng tôi cung cấp nền tảng công nghệ mở giúp hàng trăm ngàn đơn vị bán hàng nhỏ lẻ có thể kết nối và bán hàng trên nền tảng MoMo.

Với giải pháp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Merchant Solution), thì ngay một tiểu thương nhỏ lẻ cũng có thể chấp nhận thanh toán MoMo hoặc đưa hàng hóa của mình lên bán trực tuyến trên ứng dụng MoMo (go-online) chỉ trong 10 phút. Giải pháp này không những giúp những tiểu thương yếu thế có thể số hóa dịch vụ của họ một cách đơn giản, với chi phí gần như bằng 0, mà còn cung cấp cho họ ngay lập tức công cụ quản lý khách hàng, quản lý dòng tiền và chăm sóc khách hàng. 

– Theo ông, yếu tố nào quan trọng nhất quyết định sự thành công của ví điện tử? Một số ý kiến cho rằng đó là khả năng tích hợp và đáp ứng nhu cầu thanh toán, trong khi một số ý kiến khác nhận định đó là trải nghiệm khách hàng…

Tất nhiên là thanh toán sẽ là cốt lõi nhưng ví điện tử đang trong quá trình “tiến hóa” khi người dùng đã thay đổi và ngày càng đòi hỏi cao hơn. Các yếu tố quyết định sự thành công của ví điện tử theo tôi đánh giá sẽ bao gồm hai phần chính: hệ sinh thái và trải nghiệm khách hàng.

Thứ nhất là hệ sinh thái, bao gồm tất cả các đối tác có liên kết với MoMo để cung cấp dịch vụ, từ ngân hàng, các công ty tài chính, bảo hiểm, sàn thương mại điện tử, các đơn vị bán hàng trực tuyến (online), hữu tuyến (offline)… phải đủ lớn và rộng để tạo sự thoải mái và đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu của khách hàng.   

Thứ hai là trải nghiệm khách hàng và niềm vui của họ khi sử dụng dịch vụ. Khách hàng không cần một ứng dụng công nghệ khô khan mà là cảm xúc vui vẻ, nhân văn khi sử dụng dịch vụ. Đó cũng là lý do bên cạnh hàng ngàn dịch vụ, MoMo đã tung ra hàng loạt các chương trình vui nhộn, có tính giải trí cao như: Lắc xì, Học viện MoMo, Ngày hội Siêu Deal…

Song song với đó, chiến lược năm 2021 của chúng tội sẽ không chỉ “nghiêng” về người dùng cuối (end-users) mà chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa để kiến tạo Hệ sinh thái Việt để trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngay trong quý I/2021, chúng tôi sẽ chính thức cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Merchant Solutions) để giúp SMEs đẩy mạnh phát triển kinh doanh, vượt khó hậu Covid.

– Trong thập kỷ tới, ông kỳ vọng gì về thị trường ví điện tử Việt Nam? Vị thế của MoMo thời điểm đó sẽ khác biệt thế nào so với hiện nay?

Công nghệ và thị trường thay đổi quá nhanh, nên nói đến kỳ vọng cho cả thập kỷ là rất xa và khó chính xác, vì vậy tôi xin phép đưa ra đánh giá trong 3-5 năm tới. Theo tôi, thời gian tới sẽ là giai đoạn phát triển bùng nổ của nền kinh tế số và ví điện tử sẽ là phương tiện chính được người dân sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có thanh toán.

Trước hết, nhà nước đã có những chính sách để thúc đẩy việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và kinh tế số. Gần đây nhất là quy định cho phép dùng xác thực điện tử để mở tài khoản ngân hàng của Ngân hàng nhà nước, đã giúp cho người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng. Chính phủ điện tử cũng đang dần hình thành từng bước, với các dịch vụ được cung cấp trực tuyến.

Kế đến, ví điện tử sẽ trở nên một phương tiện đa năng không chỉ là phương tiện thanh toán mà còn là nền tảng kết nối cung cấu giữa người mua và người bán, là nền tảng để các tổ chức tài chính, bảo hiểm có thể tiếp cận khách hàng với chi phí thấp nhất và nhanh nhất.

Khác với các ví điện tử quốc tế đang có mặt trên thị trường hoạt động trong hệ sinh thái đóng kín, MoMo là nền tảng mở được xây dựng bằng trí tuệ người Việt và phục vụ riêng cho thị trường Việt Nam. Hệ sinh thái của MoMo cũng sẽ được mở rộng để đón chào và hỗ trợ các công ty sáng tạo đổi mới trong việc tìm kiếm khách hàng và phát triển thị trường. Đồng thời, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các chương trình của chính phủ, của nhà nước liên quan đến dịch vụ công hay phát triển tài chính toàn diện.

Nhà nước đang có chính sách ưu đãi mời các “đại bàng quốc tế” về làm tổ. Về phần mình, MoMo cũng có ước vọng cũng nhận được sự hỗ trợ của nhà nước để có thể bằng trí tuệ Việt, trở thành một “đại bàng nội địa” của Việt Nam, đồng thời có thể cạnh tranh sòng phẳng, không thua kém với các đơn vị nước ngoài không chỉ tại thị trường nội địa, mà trên cả thị trường quốc tế.  

– Huy động vốn là bài toán quan trọng trong suốt quá trình phát triển của MoMo cũng như các ví điện tử khác. Trong thập niên tới, MoMo có kế hoạch IPO và lên sàn chứng khoán Việt Nam hay không?

Đây là điều chắc chắn và tôi tin tưởng vào việc này.

– Để phát triển ngành ví điện tử tại Việt Nam, theo ông, chính sách nhà nước cần hoàn thiện và hỗ trợ những gì?

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, sự phát triển của công nghệ trong đó Fintech… luôn đi trước hành lang pháp lý. Sáng tạo nghĩa là tạo ra những cái mới, chưa từng có tiền lệ, nói rộng hơn là chưa có cơ sở pháp lý. Dưới góc nhìn của các nhà quản lý, điều hành thì việc phải cân đong, đo đếm giữa lợi ích và rủi ro với những mô hình chưa có tiền lệ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Đối với mô hình mới, việc đánh giá rủi ro nên được thực hiện thông qua cơ chế thử nghiệm, sandbox. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn nhận được các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực này, có khung chính sách mở cho Fintech, được tham gia các dự án của chính phủ trong các lĩnh vực liên quan, được tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi của chính phủ…

Những điều này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà Chính phủ đang hướng tới.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!