Rà soát hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh

Cụ thể, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các nội dung báo chí nêu về hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng để kịp thời xử lý theo thẩm quyền và theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hạn chế tín dụng đen; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12/2021.

Trước đó, báo điện tử Chính phủ có bài viết “Các công ty tài chính là một kênh cho vay tiêu dùng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch, các hoạt động này cũng đang gặp một số khó khăn, đòi hỏi khẩn trương tháo gỡ, hoàn thiện hành lang pháp lý để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần đẩy lùi ảnh hưởng của tín dụng đen”.

Ngày 20/10/2021, báo Người Lao động đăng bài viết “Tín dụng gần như không tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu tăng mạnh khi thu nhập của khách hàng vay giảm sút khiến phân khúc cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính đang ‘ngấm đòn’ trong đại dịch”.

Tạp chí VnEconomy cũng có bài “Công ty tài chính tiêu dùng: Nợ xấu tăng mạnh, có tiền nhưng không thể cho vay”.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của nhóm công ty tài chính do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 9/2021, tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính hội viên của hiệp hội đạt 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, mặc dù vốn và tài sản được cải thiện, song tổng dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm nay của khối công ty tài chính gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020, đạt 129.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu bình quân tăng lên 9% – 10%, cao hơn nhiều con số 6% cuối năm 2020 và có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng cuối năm 2021.

Nguyên nhân được Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra là do đối tượng khách hàng chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương – đây cũng chính là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 nên doanh số giải ngân và thu nợ của các công ty tài chính suy giảm, có đơn vị tăng trưởng âm.

Bên cạnh đó, việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc (theo Thông tư 01,03,14) rất lớn và hiện đang được thực hiện thủ công, không có phần mềm phù hợp nên khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng.

“Hơn nữa, room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các công ty tài chính quá thấp làm hạn chế khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hòa tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính do nhu cầu của khách hàng vay tăng lên, nhất là sau dịch Covid-19 và chưa phù hợp với đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc phê duyệt. Nhiều công ty tài chính tăng trưởng tín dụng âm trong quý III/2021, thừa vốn song không thể mang đi đầu tư vào các giấy tờ có giá vì Ngân hàng Nhà nước không cấp phép, dẫn tới giảm hiệu quả hoạt động”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trước khó khăn, bất cập hiện hành, tại hội nghị, các công ty tài chính kiến nghị cơ quan quản lý gỡ rảo cản chính sách, rà soát lại các thông tư, các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng để hạn chế sự chồng chéo; điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.

Các công ty tài chính cũng kiến nghị, sửa đổi quy định về điểm giới thiệu dịch vụ theo hướng mở hơn, cho phép các công ty tài chính mở các điểm giới thiệu dịch vụ để giới thiệu đa dạng các sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng phù hợp với điều kiện, đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng.

Bên cạnh đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân, hạn chế người dân tìm đến “tín dụng đen” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.