Sửa Luật Bảo hiểm: Quy định về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm chưa phù hợp với Luật Phá sản

Những nội dung chưa phù hợp gồm: việc chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm bị phá sản, thứ tự ưu tiên khi phân chia tài sản doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm…

Ủy ban Kinh tế yêu cầu làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản.

Bên cạnh nội dung trên, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra một số vấn đề về nội dung của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định về chính sách phát triển bảo hiểm để quy định cụ thể hơn; đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để tạo linh hoạt trong triển khai thực hiện bảo đảm các chính sách này khả thi trên thực tế.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá tác động về chi phí, việc sử dụng ngân sách nhà nước, chi phí từ các nguồn khác (nếu có) trong trường hợp đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm vì vấn đề này chưa được đánh giá tác động khi xây dựng hồ sơ dự án luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm. Với 2 loại bảo hiểm bắt buộc hiện có, Ủy ban đề nghị thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm.

Về bảo hiểm vi mô, để đảm bảo tính khả thi của luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng cơ quan soạn thảo cần tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế – xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đề nghị bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường, đánh giá việc trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập theo quy định tại Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/2/2005 của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết thêm, thời gian có hiệu lực như quy định của dự thảo luật là quá chậm, các luật khác thường chỉ sau khoảng 6 tháng kể từ thời điểm Quốc hội thông qua, trừ các dự án luật có tính phức tạp.

Đồng thời, Ủy ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung biện pháp quản lý trong trường hợp sau 5 năm các doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm không thực hiện đầy đủ các quy định tại dự thảo luật.