Sức sống mới của ví điện tử

Thị trường ví điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam. Theo một khảo sát của Visa, 85% người tham gia khảo sát có ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, 71% sử dụng các ứng dụng này ít nhất một lần một tuần.

Theo nhận định của PwC, với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam được ví như “chiếc áo đã chật” trong vài năm qua. Ba ví điện tử dẫn đầu là Momo, Moca và ZaloPay đã chiếm tới 90% thị phần, không còn quá nhiều “đất” cho các nhà cung cấp khác. Mặc dù vậy, PwC cho rằng các ví điện tử lớn cũng đang gặp khó khăn khi họ không thể hiện được lợi thế cạnh tranh của mình so với các ứng dụng phát triển bởi ngân hàng truyền thống vốn đã bắt kịp các chức năng của ví điện tử.

Dù rằng có sự cạnh tranh nhau nhưng ví điện tử và ngân hàng không nhất thiết phải coi nhau là kẻ thù.

Tư duy win – win

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính – , bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay, cho hay ví điện tử hay ứng dụng ngân hàng đều là những sản phẩm tài chính phục vụ người dùng bằng những điểm mạnh và chức năng riêng. Đối với ZaloPay, ngân hàng là một trong những đối tác quan trọng đã và đang đồng hành trên hành trình xây dựng xã hội không tiền mặt.

Bà Chi nhấn mạnh ví điện tử là một trong những mắt xích giúp ngân hàng đến gần hơn với khách hàng. Ngân hàng không chỉ tiếp cận được người dùng ví điện tử mà nhờ sự am hiểu người dùng, ví điện tử có thể đưa sản phẩm của ngân hàng đến khách hàng theo cách phù hợp nhất. Hai bên cũng có thể hợp tác với nhau để cùng tạo ra sản phẩm tài chính ưu việt cho khách hàng.

Ví điện tử cũng không ngần ngại hợp tác với các nền tảng số đã có ví điện tử riêng, như trường hợp của ZaloPay hợp tác với Grab dù hệ sinh thái của Grab đã có ví điện tử Moca.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, cho biết mặc dù Grab đã có các giải pháp thanh toán không tiền mặt khác trên nền tảng nhưng để đẩy mạnh việc người dùng lựa chọn giao dịch không tiền mặt trên ứng dụng, Grab cần phải mang đến cho người dùng lựa chọn thanh toán đa dạng và tận dụng các nguồn lực để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Sự hợp tác với ZaloPay bổ sung thêm một lựa chọn vào danh mục các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên Grab. Mục tiêu là nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều người dùng hơn sử dụng thanh toán không tiền mặt và với tần suất thường xuyên hơn.

Nhìn chung, bất kỳ sự bắt tay nào giữa các đơn vị kinh doanh trong thời đại số ngày nay cũng đều hướng đến mục tiêu nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh:

Thứ nhất là tận dụng hệ sinh thái của nhau. Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG (công ty mẹ của ZaloPay), sự hợp tác giữa hai hệ sinh thái lớn sẽ tạo ra môi trường đa dạng hơn cho cả người dùng lẫn đối tác doanh nghiệp, mang đến trải nghiệm các dịch vụ hàng ngày một cách thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy cộng đồng thanh toán không tiền mặt ngày một lớn hơn.

Chia sẻ thêm, bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay, cho biết với nền tảng công nghệ mở hiện nay, các đơn vị trung gian thanh toán sẽ có ưu thế trong việc kết nối, mở rộng mạng lưới đối tác để các bên có thể tận dụng công nghệ và hệ sinh thái của nhau.

Thứ hai là đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng chiều sâu của sản phẩm. Tổng giám đốc VNG cho hay hiện nay, các trung gian thanh toán đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dùng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt. Một trong những lý do đó có thể là vì chất lượng sản phẩm chưa thực sự đủ tốt.

Theo ông Minh, sự kết hợp giữa siêu ứng dụng giúp đáp ứng hầu hết nhu cầu hằng ngày như Grab và đơn vị trung gian thanh toán như ZaloPay sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các tính năng, sản phẩm mới ưu việt hơn trong tương lai.

“Chúng tôi không gò mình trong bất cứ giới hạn nào. Việc tích hợp ZaloPay vào Zalo, bắt tay cùng Grab hay với bất kỳ đối tác sở hữu các nền tảng, hệ sinh thái lớn khác cũng vậy – là cách để chúng tôi đa dạng hoá và tối ưu sản phẩm của mình”, Tổng giám đốc ZaloPay Lê Lan Chi nhấn mạnh.

Bất kỳ sự bắt tay nào giữa các đơn vị kinh doanh trong thời đại số ngày nay cũng đều hướng đến mục tiêu nâng cao trải nghiệm cho khách hàng

Văn hóa học tập, đổi mới sáng tạo

Bên cạnh các lợi ích trên, việc hợp tác cũng giúp các bên học hỏi lẫn nhau. “Những công ty công nghệ, cả Grab và ZaloPay, đều trưởng thành từ việc thử nghiệm và liên tục học hỏi từ những thử nghiệm của chính mình. Việc hợp tác cùng nhau cho phép đẩy mạnh quá trình học hỏi nhờ cả hai bên có thể học hỏi lẫn nhau, giúp cho cả hai nền tảng ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững”, ông Lê Hồng Minh kỳ vọng.

Bắt tay nhau cũng là một trong những cách để các bên thử nghiệm, tích lũy kinh nghiệm để đánh giá các cơ hội hợp tác khác trong tương lai. Đây là điều rất quan trọng bởi trong thời đại số ngày nay, các Fintech nói chung và các ví điện tử nói riêng phải liên tục “thử và sai” thì mới có thể phá vỡ các ranh giới truyền thống. Đổi mới sáng tạo là thứ tạo ra sức sống liên tục cho các doanh nghiệp công nghệ, bao gồm cả ví điện tử.

Theo Tổng Giám đốc ZaloPay Lê Lan Chi, khuyến khích đề xuất ý tưởng mới, chấp nhận đầu tư để cùng nhau thử nghiệm nhiều tính năng, công nghệ mới để phát triển sản phẩm là điều cần liên tục thực hiện.

Song song với đó, cần tạo môi trường làm việc năng động, không gian mở để mọi người thoải mái sáng tạo. “Những ý tưởng tiềm năng và phù hợp sẽ được đưa vào thử nghiệm và triển khai để đo lường độ hiệu quả. Và tất cả đều phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp trải nghiệm khách hàng”, bà Chi nói.