[Tài chính 1 giây] Vì sao nhà ở xã hội xa tầm với người dân?

“Ở thành phố lương 20 triệu đồng/tháng đến 40 tuổi vẫn chưa mua được nhà”, tại sao vậy?

Giá trung bình chung cư hạng trung tại Hà Nội là 33 triệu/m2, giá chung cư bình dân khoảng 21 triệu/m2. Tuy nhiên đây chỉ là con số trung bình, tính gộp cả ở khu vực xa trung tâm, giá chung cư tại các quận gần trung tâm như Hoàng Mai hiện tại có giá từ 35-50 triệu/m2. Vậy thời điểm hiện tại để mua một căn hộ khoảng 60m2 tại quận Hoàng Mai cần 2-3 tỷ.

Với những người có thu nhập thấp thì phấn đấu cả mấy chục năm cũng chưa mua được nhà. Buồn hơn là thu nhập chưa chắc đã tăng nhưng giá chung cư lại tăng liên tục. Trong 5 năm qua, giá bán sơ cấp chung cư phân khúc trung cấp và bình dân ở Hà Nội tăng lần lượt là 7%/năm và 4%/năm. Dự kiến, giá bán của các dự án mới sẽ tiếp tục tăng 3-8% trong năm nay. Cứ như vậy thì bao giờ mới an cư lạc nghiệp ở thành phố?

Có một chỗ ở đàng hoàng là mong mỏi của tất cả những người lao động muốn bám trụ lại thành phố. Bởi vậy, Nhà nước đã có những quy định về điều kiện về một loại hình căn hộ nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp gọi là nhà ở xã hội.  

Có lẽ khi nghe đến cụm từ nhà ở xã hội, một số người có thể lầm tưởng đến những dự án chất lượng thấp, xây dựng tạm bợ để giải quyết chỗ ở cho một số bộ phần người dân chưa có nhà trong chính sách được hưởng ưu đãi giống như các dự án tái định cư. Nhưng nhà ở xã hội có thật sự như vậy không? Có nên mua nhà ở xã hội không? Quy định và điều kiện mua là gì? 

Nhà ở xã hội là gì?

Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, xây dựng với mục đích cung cấp căn hộ với mức giá thấp hơn (thấp hơn nhà ở thương mại) cho những đối tượng nằm trong chính sách, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Có nên mua nhà ở xã hội không?

Trên thực tế, nếu bạn thuộc nhóm đối tượng quy định của nhà nước và có một mức thu nhập vừa phải thì việc sở hữu cho mình một căn nhà ở xã hội là khá hợp lý. Bạn cũng có thể xem xét hay đánh giá các yếu tố khác liên quan trước khi quyết định có mua hay không. Dưới đây là những ưu điểm của nhà ở xã hội để giúp bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho bản thân mình.

Thứ nhất là giá cả thấp hơn nhiều so với giá chung cư, nhà ở thương mại. Đây là phân khúc căn hộ phù hợp với các hộ gia đình có thu nhập thấp do được trợ giá từ Nhà nước

Thứ hai, về kiến trúc xây dựng, nhà ở xã hội vẫn đảm bảo chất lượng, khép kín, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho các hộ gia đình. Diện tích căn hộ tối thiểu là 25m2, tối đa là 70m2

Thứ ba là hệ thống tiện ích đồng bộ, có rất nhiều khu chung cư xã hội được trang bị khu vui chơi, trường học…

Ai sẽ được mua nhà ở xã hội?

Vì nhà ở xã hội vừa “rẻ” hơn nhà ở thương mại nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi, chất lượng nên tất nhiên nó phải đi kèm nhiều điều kiện với người mua.

Những điều kiện để được mua nhà ở xã hội:

Về nhà ở

  • Chưa có sở hữu nhà ở và chưa thuê hoặc chưa thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.
  • Đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân đầu người trong gia đình dưới 8m² sàn/người hoặc nhà ở tạm, hư hỏng, dột nát.

Về cư trú

  • Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. 
  • Nếu không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này. 

Về thu nhập

Thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên. Các đối tượng này bao gồm:

  • Hộ gia đình nghèo, cận nghèo và người có thu nhập thấp 
  • Công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân

Tuy nhiên một vài đối tượng không cần đáp ứng yêu cầu về thu nhập gồm:

  • Người có công với cách mạng 
  • Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ đang gặp khó khăn về nhà ở
  • Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Đối tượng được ở nhà ở xã hội tùy theo quy định của các nước nhưng tựu trung, thường là các viên chức nhà nước, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, thực tế thì lại không giống như vậy, nói là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp nhưng đối tượng có thể tiếp cận và mua được lại không “nghèo” chút nào. Đó là một nghịch lý đang tồn tại bấy lâu nay. Nguyên nhân là do đâu?

Thứ nhất là số lượng nhà ở xã hội có hạn. Số lượng người dân thu nhập thấp tại các thành phố rất lớn nhưng số dự án nhà ở xã hội lại quá khan hiếm. 

Ví dụ, tại TP. HCM, trung bình cứ 5 năm, thành phố lại đón thêm một triệu người lao động mới. Nhưng sau 15 năm, chỉ có 31 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, tương ứng 18.800 căn hộ và 16 nhà lưu trú công nhân với khoảng 21.400 chỗ ở tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn nhưng số lượng lại hiếm hoi. Đơn giản là bởi xây nhà ở xã hội kém lợi nhuận trong khi chủ đầu tư lại gặp khó khăn trong vấn đề triển khai pháp lý, phải mất nhiều năm mới hoàn thành, còn giá đất vẫn liên tục tăng, chi phí vật liệu xây dựng và giá vật tư hoàn thiện biến động rất lớn khiến giá bán nhà ở xã hội từ khi triển khai đến khi bàn giao bị trượt giá mạnh nhưng lại phải bán với giá rẻ, nên không mấy chủ đầu tư muốn làm. 

Bên cạnh đó, khi đăng ký mua nhà ở xã hội, người mua (người có nhu cầu nhà ở thực sự) phải chờ bốc thăm, phải làm nhiều hồ sơ để chứng minh đủ điều kiện mua nhà xã hội (đây là những việc không dễ dàng). Thế nhưng nhiều người không đủ điều kiện nằm trong đối tượng được mua nhà ở xã hội thì nhờ những “thủ thuật lách” khác nhau lại mua được. Nguồn cung nhà ở xã hội đã hiếm hoi lại còn bị một bộ phận người khá giả chiếm bớt suất mua. 

Ngoài ra, chuyện nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp chỉ nằm trên lý thuyết còn vì người mua phải chịu thêm giá trung gian.

Người có nhu cầu thực sự muốn mua dễ dàng hơn thì cách tốt nhất là tìm mua lại của F1 (qua môi giới những người mua đi bán lại) với mức giá chênh lệch. Từ đây, nhà ở xã hội cũng dần trở thành nhà thương mại, giá cả bị đẩy lên cao khiến người thu nhập thấp rất khó để tiếp cận, chỉ những người có mức thu nhập trung bình khá mới dám mua và mới đáp ứng được điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng.

Tiếng là nhà giá rẻ nhưng lại xa tầm với của đại bộ phận dân chúng, người có nhu cầu thực sự lại không có tiền, còn người có tiền lại mua qua, bán lại kiếm lời.