‘Trục lợi bảo hiểm’ nhìn từ vụ 1 khách hàng mua 19 hợp đồng

Theo thông tin từ Đầu tư chứng khoán, trong văn bản số 61/HHBH/2021 ngày 29/4/2021 mà IAV gửi cơ quan chức năng nêu rõ IAV đã có những bằng chứng cho thấy ông Khánh đã biết trước mình bị K tuyến giáp vì trước đó khách hàng này lấy tên là Khanh đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhận được kết quả chuẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp.

Ngay sau đó, từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, ông Khánh đã che giấu việc mình bị bệnh để mua 19 hợp đồng bảo hiểm sức khoẻ mức cao nhất. Theo đó, mỗi năm ông Khánh đóng trên 200 triệu đồng tiền phí bảo hiểm tại 13 DNBH nhằm mục đích yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm khi đã hợp pháp hoá hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại bệnh viện K Hà Nội.

Sau khi mua bảo hiểm hơn 3 tháng, người này đã được Prudential, MB Ageas, Bảo hiểm Bảo Việt và VBI chi trả số tiền bảo hiểm gần 4 tỷ đồng. IAV cho rằng nếu không kịp thời điều tra làm rõ và ngăn chặn hành vi gian dối, trục lợi của khách hàng thì các công ty bảo hiểm còn lại sẽ phải tiếp tục chi trả số tiền bảo hiểm ước tính lên tới 20 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.

Sự việc nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận cũng như ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau của những người trong và ngoài ngành về vấn đề trục lợi/gian lận bảo hiểm trong thị trường.

Luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt, thành viên Đoàn luật sư TP. HCM, người đã làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực BHNT, cho biết, tại các nước, chẳng hạn như Hoa Kỳ, hành vi gian lận nói chung, trong đó có gian lận (trục lợi) bảo hiểm được quốc gia này quy định là phạm tội hình sự. Hành vi “tìm cách gian lận (trục lợi)” dù chưa chiếm đoạt được tiền bảo hiểm cũng là vi phạm tội hình sự.

Tại Việt Nam, trục lợi bảo hiểm (TLBH) có thể hiểu là “kiếm lợi riêng một cách không hợp lý và hợp pháp trong lĩnh vực bảo hiểm”. Nếu kết quả điều tra cho thấy hành vi trục lợi bảo hiểm của một người hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015)  hoặc “tội gian lận bảo hiểm” (Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015) thì người đó sẽ bị khởi tố theo tội danh tương ứng như luật định.

Theo đó, hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở mức 2 triệu đồng trở lên đã có thể bị khởi tố. Còn cấu thành tội phạm của tội danh “gian lận bảo hiểm” thì số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt từ 20 triệu trở lên cũng sẽ nằm trong diện bị khởi tố.

Cũng theo ông Đạt, các hành vi TLBH có thể được thực hiện bởi người tham gia bảo hiểm (TGBH) gồm bên mua bảo hiểm (BMBH)/người được bảo hiểm (NĐBH), đại lý bảo hiểm hoặc cán bộ và nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), pháp nhân bảo hiểm. Đối với sự việc 1 khách hàng mua 19 hợp đồng trên, nếu được xác định là TLBH thì đây là trường hợp điển hình trong đó người TLBH là bên mua bảo hiểm kiêm người được bảo hiểm.

Cùng đó, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa BMBH và DNBH. Quá trình giao dịch dân sự chính thức được bắt đầu khi các bên đã xác định rõ được nhu cầu giao dịch của mình. BMBH phải “kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của DNBH (quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm). DNBH có quyền “yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm” (Điểm b Khoản 1 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm).

“Việc kê khai đầy đủ và chính xác thông tin trong đơn yêu cầu bảo hiểm là một trong những yêu cầu dành cho BMBH. Thông thường, đơn yêu cầu bảo hiểm có các câu hỏi liên quan đến người TGBH về tình trạng sức khỏe (tuổi, chiều cao, cân nặng, những bệnh hiện có, những triệu chứng có thể là biểu hiện của bệnh nào đó, tiền sử bệnh tật, tiền sử bệnh gia đình…); về tình hình tài chính (nghề nghiệp và thu nhập hiện tại, thu nhập tiềm năng, tình hình tài sản, bảo hiểm nhân thọ còn đang hiệu lực …); về các hành vi thói quen của người được bảo hiểm (hút thuốc, dùng bia rượu, sử dụng chất kích thích, tham gia thể thao nguy hiểm…) và về loại hình bảo hiểm, mức yêu cầu bảo hiểm và mục đích tham gia”, ông Đạt nêu.

Bên cạnh đó, việc nắm rõ thông tin về những hợp đồng BHNT còn đang hiệu lực của người TGBH là một trong những nội dung quan trọng cần phải kê khai. Người TGBH được yêu cầu phải kê khai chi tiết tất cả những hợp đồng BHNT còn đang có hiệu lực của họ. Yêu cầu kê khai còn bao gồm những thông tin liên quan đến tăng phí, loại trừ, tạm hoãn, từ chối hoặc đã hay đang yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm liên quan đến các hợp đồng đó.

Ngoài ra, việc yêu cầu kê khai những HĐBH còn đang hiệu lực nhằm tránh tình trạng bảo hiểm quá mức. Đó là trường hợp một cá nhân có những HĐBH với phạm vi bảo hiểm/mức độ bảo hiểm vượt quá mức bảo hiểm cho cùng một loại rủi ro hoặc có tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá trị tổn thất có thể xảy ra mà họ có thể gặp phải. Tình trạng bảo hiểm quá mức cũng có thể được nhận diện khi tổng phí bảo hiểm mà người TGBH phải thanh toán hàng năm chiếm tỷ lệ cao so với thu nhập trong năm của người ấy.

Ông Đạt cũng chỉ ra bảo hiểm quá mức có xu hướng dẫn đến tình trạng tự gây ra tổn thất đối với NĐBH để được chi trả quyền lợi bảo hiểm. Cụ thể, nếu người TGBH có thể kiếm được lợi ích tài chính từ tổn thất, điều đó có thể thúc đẩy họ cố ý gây ra tổn thất để thu được lợi ích đó. Bên cạnh đó, bảo hiểm quá mức còn có thể là dấu hiệu của những hành vi không phù hợp nguyên lý bảo hiểm như đầu cơ bảo hiểm hoặc những hành vi vi phạm pháp luật như trục lợi/gian lận bảo hiểm hay rửa tiền bằng công cụ bảo hiểm.

“Trong ngành BHNT đã xảy ra một số vụ việc điển hình của bảo hiểm quá mức. Từng có người TGBH đã mua BHNT từ nhiều doanh nghiệp và ngón tay của người ấy đã được bảo hiểm tổng cộng đến nhiều tỷ đồng”, ông dẫn chứng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự chỉ ra rằng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội và thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu. Cả 2 hành vi này đều quy định số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thuộc khung hình phạt cao nhất của 2 tội danh này.

Cùng với đó, mặt khách quan của 2 tội này đều là hành vi gian dối. Gian dối được hiểu là người phạm tội (người mua bảo hiểm) đưa ra các thông tin, tài liệu, hồ sơ bệnh án không đúng sự thật,… nhằm chiếm đoạt tiền.

Theo Luật sư Hiển, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 thì hành vi gian dối và ý thức chiếm đoạt tài sản có từ thời điểm trước khi mua bảo hiểm. Cụ thể, khi mua bảo hiểm hoặc/và khi lập hồ sơ để hưởng tiền bảo hiểm thì người mua bảo hiểm đưa ra các thông tin (hành động) không đúng, sai sự thật hoặc cố tình che giấu thông tin (không hành động) nhằm mục đích cho công ty bảo hiểm tin tưởng để trả tiền bảo hiểm, qua đó chiếm đoạt số tiền bảo hiểm.