TS. Nguyễn Đức Kiên: ‘Cẩn trọng ‘kẽ hở’ tài chính trái phiếu doanh nghiệp giao thông’

“Tôi tin kế hoạch thanh toán được đảm bảo 100%”

TS Nguyễn Đức Kiên cho biết: Hiện tại, dòng tài chính cho 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông là: Diễn Châu – Bãi Vọt; Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tư cách là người góp ý xây dựng Luật PPP chúng tôi đã lường trước điều đó.

Chính vì thế, việc Tập đoàn Đèo Cả dự định phát hành TPDN để hút vốn cho cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã được các nhà làm Luật PPP dự báo là hoàn toàn hợp lý.

Nhưng tôi tin rằng, những yêu cầu về việc chia sẻ doanh thu của các tổ chức tín dụng đối với các dự án PPP là hoàn toàn đúng đắn, nó được vận hành theo quy luật, nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, cho nên chúng ta phải chấp nhận.

“Nhà nước không thể lấy tư duy của những năm 2011 – 2015 với tinh thần Nghị quyết 15 và Nghị định 15 của Chính phủ để đánh giá thời điểm ngày hôm nay”, ông Kiên nói.

TS Nguyễn Đức Kiên cũng nhận định: “Hiện tại, tôi không biết các nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp lo sợ gì? Còn đứng về mặt phân tích vĩ mô, chúng tôi thấy TPDN làm cơ sở hạ tầng giao thông theo kế hoạch của nhà nước thì gần như kế hoạch thanh toán được đảm bảo 100%. Nó chỉ có 1 điểm lo ngại duy nhất là doanh thu có đạt được hay không và như phương án tài chính hay không? thời gian thu có chính xác hay không? Như vậy, bài toán thị trường sẽ quay trở lại. Nếu anh có ý định gian dối trong việc tính doanh thu, kéo dài thời gian ra, thì bài toán thị trường này là một nhát đánh quyết định, “khai tử” luôn những doanh nghiệp gian dối để mưu cầu lợi ích riêng”.

“Khi phát hành TPDN bắt buộc Nhà đầu tư dự án phải làm ăn trung thực, có tiềm lực tài chính và phải chia sẻ được lợi nhuận với nhà đầu tư thứ cấp khác mới có thể huy động được vốn”, ông Kiên nói.

Liên quan đến vấn đề lãi suất TPDN cao sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Ở đây nó phải là cơ chế huy động vốn và chia sẻ trách nhiệm bằng quyền lợi, chứ không còn là việc anh đưa ra con số lãi suất, cổ tức có thể lên tới 12%/năm”.

“Nếu người ta nhìn thấy lãi suất của anh trong bài toán kinh tế khi anh tham gia dự án PPP đặt ra chỉ có 6-8% mà anh lại trả lãi trái phiếu doanh nghiệp 12-15%, như vậy có một “kẽ hở” về mặt tài chính mà anh không giải thích được, thì sẽ không có nhà đầu tư nào đi cùng với anh cả”, ông Kiên cảnh báo. 

Tập đoàn Đèo Cả muốn phát hành TPDN cho 2 cao tốc nghìn tỷ nào?

Hiện tại Tập đoàn Đèo đang triển khai hàng loạt các dự án cao tốc trên cả nước với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 60.000 tỷ đồng. Để hút vốn cho các dự án, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến thí điểm phát hành TPDN cho cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Đối với cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh dài 93km, tổng mức đầu tư 10.642 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án khoảng 5.250 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 870 tỷ đồng và nguồn huy động 4.522 tỷ đồng.

Phía Đèo Cả đang muốn huy động 4.522 tỷ đồng, thông qua mô hình hợp tác kinh doanh (BCC), ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với các nhà thầu thi công có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong nước và quốc tế với tỷ suất lợi nhuận khoảng 11,5%/năm. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ tiến hành phát hành TPDN để thu hút nguồn vốn với lãi suất huy động khoảng 13%/năm.

Đối với dự án Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước khoảng 4.199 tỷ đồng và nhà đầu tư phải bỏ ra 3.786 tỷ đồng (gồm 1.030 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 2.756 tỷ đồng vốn huy động).

Vì thế, Tập đoàn Đèo Cả đang lập hồ sơ để phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo với khối lượng khoảng 2.700 tỷ đồng. Dự kiến việc phát hành trái phiếu sẽ chia làm nhiều đợt trong thời gian 3 năm theo tiến độ xây dựng của dự án. 

Trong đó, đợt 1 sẽ phát hành vào đầu tháng 9/2021 với khối lượng khoảng 500 tỷ đồng. Dự kiến, trái phiếu phát hành có kỳ hạn từ 3- 5 năm, mức lãi suất khoảng 12%/năm. Hình thức phát hành có thể là trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng.

Theo ghi nhận của , thông qua Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS ), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đang đề xuất đầu tư vào dự án BOT Cam Lâm – Vĩnh Hảo do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư theo hình thức Khoản vay Xanh (Green loan) hoặc Trái phiếu Xanh (Green bond) với tổng giá trị lên đến 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng), kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định trong suốt kỳ hạn. Thời gian tới các bên sẽ tiếp tục thảo luận chi tiết hơn về đề xuất đầu tư này.