Vay tiêu dùng qua App: Phân biệt để không sập bẫy tín dụng đen

Theo Công ty tài chính FE Credit, thời gian qua xuất hiện rất nhiều app cho vay với những lời mời như, “giải ngân tức thì”, “giải ngân trong một phút không cần thẩm định”… làm nhiều người tiêu dùng sập bẫy tín dụng đen. Với lãi suất và phí cắt cổ từ 2.000-4.000 đồng/ngày thực tế những app cho vay này chính là tín dụng đen.

Hành vi tiếp cận khách hàng của các app là dụ người dùng mạng xã hội vay vốn kích hoạt vào đường dẫn (link) lập tức được yêu cầu cài đặt app trên điện thoại, trong quá trình cài đặt ứng dụng vô tình hay được gợi ý cho phép app truy cập vào danh bạ, hình ảnh, vị trí…

Sau khi hoàn tất cài đặt, các app yêu cầu người vay vốn chia sẻ lên tài khoản mạng xã hội ở chế độ công khai để nhận khuyến mãi kỳ đầu vay vốn không lãi suất và cung cấp CMND hoặc CCCD, chụp ảnh nhận diện và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vay.

Ông Đỗ Minh Hải – Giám đốc ATM Online cũng cho biết thêm, thông thường một app cho vay sẽ có khoảng 30 app đi sau nhảy vào khuyến khích cho vay mới trả nợ cũ. Nhiều người vay vốn qua app không tìm hiểu thông tin, đến kỳ trả nợ app cộng phí chồng lên phí gấp nhiều lần số tiền vay.

Theo các công ty tài chính, người vay qua app chậm trả nợ, các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ sử dụng công nghệ lùng sục vào danh bạ lấy số điện thoại của những người bạn đã được lưu và gọi điện, gửi tin nhắn xúc phạm người vay vốn. Thậm chí, chúng còn sử dụng hình ảnh của người vay vốn cắt ghép, dán vào hình ảnh khỏa thân đăng trên các tài khoản mạng xã hội bôi nhọ người vay vốn để gây áp lực phải trả nợ.

Các app tín dụng đen hoành hành không chỉ gây ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của người đi vay mà còn làm cho các nhà cho vay tiêu dùng hợp pháp ngần ngại không dám phát triển app để tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống. Nhiều nhà cho vay tiêu dùng hiện nay vẫn sử dụng nền tảng web phục khách hàng vào vay vốn khai thông tin hồ sơ và chờ duyệt khoản vay như một cách phân biệt với các app cho vay nặng lãi phản cảm trên thị trường thời gian qua.

Để bảo vệ người vay vốn tiêu dùng trước nạn app cho vay lừa đảo mạo danh các công ty tài chính, một số công ty tài chính còn liên tục nâng cấp các phương thức liên hệ khách hàng. Chẳng hạn mở dịch vụ cuộc gọi thương hiệu công ty để khách hàng yên tâm cũng như giảm thiểu tình trạng kẻ gian giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng liên hệ, mạo danh thương hiệu công ty nhằm đánh cắp thông tin khách hàng, mã OTP.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để tránh sập bẫy của các app tín dụng đen, người vay nên lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên ứng dụng hoặc trang web như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay vốn, lãi suất quá hạn…

Bên cạnh đó, các nhà cho vay tiêu dùng hợp pháp sẽ luôn cung cấp cho khách hàng vay vốn mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… Đặc biệt, không yêu cầu bên cho vay tiêu dùng truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn ngừa vấn nạn tín dụng đen cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Về phía mình NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp để chung tay ngăn chặn vấn nạn này như: hoàn thiện hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay, không cần những điều kiện quá phức tạp, hay những thủ tục khó khăn để người dân có thể dễ dàng tiếp cận những khoản tín dụng nhỏ, phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới ở các vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn…

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, hiện các tổ chức tín dụng cũng triển khai nhiều gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất ưu đãi để đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân. Đơn cử như FE Credit và HDSaison, mỗi công ty tài chính dành ra 10.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng ở các KCN-KCX với lãi suất ưu đãi, nhằm góp phần hạn chế tín dụng đen.

Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định công ty tài chính phải thực hiện ký hợp đồng cho vay tiêu dùng với khách hàng và công ty tài chính phải công bố khung lãi suất cho vay tiêu dùng trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Lãi suất cho vay tiêu dùng phải niêm yết công khai theo tỷ lệ %/năm, tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế. Công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký. Công ty tài chính phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN cũng quy định, công ty tài chính thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, không được đe dọa khách hàng…