Ví điện tử tìm cách giải bài toán ‘đốt tiền’

Trong sự kiện công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) diễn ra hồi đầu năm nay, Phó chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp đã khẳng định với báo giới rằng ví điện tử MoMo đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trước đó, trong cuộc trao đổi với , ông Diệp cũng không giấu giếm tham vọng IPO MoMo và đưa ví điện tử này lên sàn chứng khoán.

Trên thực tế, sau khi đã hoàn thành vòng gọi vốn Series D, doanh nghiệp start-up có thể tiến hành vòng gọi vốn đặc biệt Mezzanine (không bắt buộc) hoặc đi thẳng đến giai đoạn IPO. Theo logic này, việc MoMo lên kế hoạch IPO hiện giờ cũng không phải sớm.

Tuy nhiên, khi đã tiến đến vòng gọi vốn Mezzanine, thông thường doanh nghiệp đã phải đạt được những hiệu quả tài chính rất rõ ràng. Đặc biệt, khi tiến tới giai đoạn IPO, doanh nghiệp thường phải ra mắt công chúng với báo cáo tài chính tương đối “đẹp”, từ bảng cân đối kế toán cho đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, lợi nhuận là chỉ tiêu quan trọng. Đây là điểm khác so với các vòng gọi vốn trước, khi lợi nhuận không phải là yếu tố thực sự quan trọng mà là thị phần.

Từ lâu, giới tài chính vẫn lo ngại đằng sau cuộc chiến giữa các ví điện tử chính là cuộc đua “đốt tiền”, vì thế mà để tiến tới IPO, các ví điện tử buộc phải giải được bài toán “đốt tiền” kinh niên này để làm sao tiến dần đến lợi nhuận dương. Vấn đề là nếu dừng “đốt tiền”, chi phí có thể giảm mạnh giúp cải thiện lợi nhuận nhưng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị phần.

Theo tài liệu mà có được, tính đến cuối năm 2019, Công ty Cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) – công ty chủ quản của MoMo – ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 1.860 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, ví điện tử này đã lỗ tới hơn 850 tỷ đồng.

Tượng tự, Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca – chủ quản của ví điện tử Moca – cũng lỗ lũy kế hơn 200 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019; riêng năm 2019 lỗ 146 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu thậm chí âm hơn 55 tỷ đồng.

Ví điện tử SenPay cũng không tránh khỏi xu hướng “đốt tiền” khi chủ quản là Công ty TNHH Ví FPT liên tục lỗ: năm 2017 lỗ 4,6 tỷ đồng, năm 2018 lỗ gần 17 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 32,5 tỷ đồng. Điều này đã khiến vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2019 bị âm hơn 4 tỷ đồng.

“Lỗ trường kỳ” không thể không kể đến ví điện tử ZaloPay. Chủ quản của ví này là Công ty Cổ phần Zion lỗ tới 390 tỷ đồng trong năm 2019. Các năm trước đó đều lỗ, như năm 2018 lỗ 152 tỷ đồng, năm 2017 lỗ gần 30 tỷ đồng, năm 2016 lỗ gần 26 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng không phải ví điện tử nào cũng lỗ. Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion) – chủ quản của ví điện tử Payoo – đã xóa được lỗ lũy kế từ năm 2018. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế tăng nhanh qua các năm, từ mức 22,2 tỷ đồng năm 2017 lên 61,8 tỷ đồng năm 2018 (tức là tăng gấp gần 3 lần); tiếp tục tăng mạnh lên 107 tỷ đồng trong năm 2019 (tương đương tăng 74%).

Tất nhiên bản thân mỗi ví điện tử lại có một đặc thù riêng nhưng trường hợp của Payoo cũng mở ra hy vọng sớm đạt lợi nhuận dương cho những ví điện tử khác, đặc biệt là MoMo với tham vọng IPO.

Số liệu tài chính phần nào củng cố cho hy vọng này. Nhìn sâu vào báo cáo kết quả kinh doanh của MoMo, có thể thấy điểm sáng là ví điện tử này ghi nhận lợi nhuận gộp tương đối khả quan với 186 tỷ đồng trong năm 2019, gấp 2,4 lần năm 2018, dù doanh thu chỉ tăng 79%.

Nhìn sang “kỳ phùng địch thủ” ZaloPay, đến năm 2019, ví điện tử này lỗ gộp 176 tỷ đồng trong năm 2019. Trong khi đó, ví Moca lỗ gộp 41 tỷ đồng cùng năm.

Việc ghi nhận lợi nhuận gộp tương đối khả quan là tiền đề đạt được lợi nhuận sau thuế dương. Với MoMo, câu chuyện hiện tại là làm sao tiết giảm chi phí, trong đó đặc biệt là chi phí bán hàng, nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị phần. Năm 2019, chi phí bán hàng của MoMo lên tới 942 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2018.

Đối chiếu với trường hợp của Payoo, năm 2019, ví điện tử này chỉ ghi nhận vỏn vẹn 39 tỷ đồng chi phí bán hàng, cho nên dù lợi nhuận gộp ít hơn MoMo (144 tỷ đồng so với 186 tỷ đồng) nhưng vẫn đạt được lợi nhuận sau thuế dương.

Tựu trung, để giải quyết bài toán “đốt tiền”, ví điện tử như MoMo phải giảm chi phí bán hàng, hay chí ít là giảm tốc độ tăng chi phí bán hàng xuống thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gộp.

Trên thực tế, MoMo có vẻ như đã tìm được manh mối giúp giải bài toán “đốt tiền” này.

Trong một thông cáo phát đi gần đây về kết quả của chương trình “Lắc xì 2021”, phía MoMo nhấn mạnh chương trình này ra đời đã 3 năm nhưng năm nay đã “không còn đơn thuần là chương trình giải trí, chăm sóc người dùng” mà đã “kiến tạo hướng đi mới cho xu hướng truyền thông tiếp thị”.

Theo đó, MoMo tiến hành hợp tác với hàng chục nhãn hàng lớn: MoMo cung cấp kênh quảng bá tới hơn 23 triệu người dùng, đổi lại, nhãn hàng cung cấp khuyến mại (chẳng hạn: thẻ giảm giá, quà tặng…). Bằng cách này, dù không “đốt tiền tấn” nhưng ví điện tử này vẫn giữ chân và tăng rất mạnh tương tác với người dùng (11 triệu người chơi Lắc Xì với 400 triệu lượt lắc, hơn 8 triệu người dùng sử dụng tính tăng chuyển tiền/lì xì…), bởi ngoài tiền thưởng (tổng giá trị 12 tỷ đồng), MoMo còn có một lượng thẻ giảm giá, quà tặng… từ các nhãn hàng với số lượng rất lớn để thu hút người dùng (tổng giá trị giải thưởng theo phía MoMo công bố lên đến khoảng 300 tỷ đồng).

Đây là một trong những cách thức triển khai giải pháp mà phía MoMo gọi là “Bán lẻ dành cho doanh nghiệp” (Merchant Solution) sẽ được đẩy mạnh trong năm nay.

Nhìn lại, giải pháp này có thể nhanh chóng đạt được thành công phải kể đến bước ngoặt quyết định trong “năm Covid” 2020, khi đại dịch mặc dù tác động tiêu cực tới hầu hết các doanh nghiệp nhưng với riêng MoMo lại đem đến cơ hội tăng trưởng đột biến trong bối cảnh giãn cách xã hội. Cụ thể, ví điện tử này đã có thêm tới 10 triệu khách hàng mới trong năm 2020, bằng lượng khách hàng của… 9 năm trước cộng lại.

Bước phát triển đột biến này giúp vị thế của MoMo tăng mạnh trong quá trình đàm phán hợp tác với doanh nghiệp. Đồng thời mở ra cơ hội tiếp tục gia tăng thị phần với chi phí tiếp cận và giữ chân khách hàng thấp hơn nhiều thời kỳ trước.

Gặp “thiên thời”, giành được “địa lợi” có lẽ là lý do ví điện tử MoMo không giấu giếm kế hoạch IPO, bởi hiện tại, thành công chỉ còn phụ thuộc vào khả năng triển khai chiến lược kinh doanh mới để hiện thực hóa dần lợi nhuận.

Câu chuyện của MoMo phần nào cho thấy cuộc đua “đốt tiền” để giành lợi thế về thị phần giữa các ví điện tử đang dần phân hóa mạnh hơn theo chiều sâu.