Vì sao người Việt chuộng vàng?

Tiêu thụ vàng ở Việt Nam vẫn đang tăng

Tính từ đầu năm đến nay, vàng thế giới có 2 phiên giảm giá mạnh, mất hơn 2,3% trong phiên giao dịch ngày 6/7 và mất 2,5% trong ngày 13/6. Xét trong nửa đầu năm, giá vàng thế giới đã giảm hơn 8%.

Ngược chiều với thế giới, giá vàng miếng SJC trong nước vẫn tăng liên tục. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,14% so với tháng trước; tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2022, giá vàng trong nước tăng 6,63%. Đây là mức tăng khá hấp dẫn với các nhà đầu tư đã bỏ tiền mua vàng từ đầu năm.

Vàng miếng SJC tại Việt Nam được xem như “một mình một chợ”, khá “lạc lõng” với thị trường toàn cầu; giá cả và giao dịch không cùng chiều với thị trường vàng thế giới. Vàng thế giới tăng, vàng trong nước tăng mạnh nhưng không ít thời kỳ giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước vẫn tăng, dẫn đến chênh lệch giá giữa vàng miếng trong nước và thế giới có lúc lên đến gần 20 triệu đồng/lượng.

Các đơn vị, cá nhân giữ vàng miếng SJC vẫn có mức lãi “khủng” bất chấp vàng thế giới rớt giá mạnh. Đáng chú ý, tiêu thụ vàng ở Việt Nam vẫn đang tăng.

Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quý I/2022 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của người tiêu dùng ở Việt Nam trong quý I/2022 đạt 19,6 tấn, so với 18,6 tấn trong quý IV/2021 và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, bất chấp dịch bệnh Covid-19, tổng nhu cầu vàng Việt Nam năm 2021 ở mức 43 tấn, tăng 8% so với năm liền trước; trong đó, trang sức đạt 12 tấn, cao hơn 11% so với con số 11 tấn của năm 2020 trong khi vàng thanh và tiền xu đạt 31,1 tấn, tăng nhẹ so với 29,1 tấn của năm 2020.

Đại diện Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam ước tính tiêu thụ vàng trong nước quý II/2022 cũng như 6 tháng đầu năm 2022 tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu ghi nhận từ các đơn vị kinh doanh vàng lớn ở trong nước cũng cho thấy doanh thu từ vàng miếng tăng từ 30% – 60% so với 6 tháng đầu năm 2021. Loại trừ yếu tố vàng tăng giá, số lượng vàng miếng mua – bán từ các đơn vị tăng khoảng 10% – 15%, có nơi trên 20%. Theo báo cáo của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), doanh thu vàng miếng lũy kế 5 tháng tăng 59,4% so với cùng kỳ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu vẫn chưa hạ nhiệt và kinh tế vĩ mô đối diện với áp lực lạm phát.

WGC đánh giá, người dân Việt Nam rất chuộng sở hữu vàng. Bên cạnh đó, hành vi dự trữ vàng của người Việt Nam khác so với các nước trong khu vực, thường dự trữ vàng trong dài hạn trong khi người dân Thái Lan thường tích trữ trong ngắn hạn.

So sánh với các nước trong khu vực, nhu cầu vàng miếng và vàng xu của Việt Nam đứng thứ nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ tại châu Á. Còn về nhu cầu vàng trang sức, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Trong các nghiên cứu của WGC, một trong những lí do khiến người tiêu dùng Việt Nam mua nhiều vàng, đặc biệt là vàng miếng, là do họ coi vàng miếng như loại tài sản trú ẩn an toàn, phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, lạm phát. Nghiên cứu về người tiêu dùng của Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy 81% nhà đầu tư tại Việt Nam cảm thấy vàng khiến họ an tâm về lâu dài và 79% tin rằng mua vàng là biện pháp bảo vệ tốt trước lạm phát và biến động tiền tệ.

Lý giải về xu hướng tiêu thụ vàng đang tăng, ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia của WGC tại Việt Nam cho rằng dù Covid-19 đã giảm mức ảnh hưởng nhưng lạm phát toàn cầu là nguyên nhân lớn nhất, các nguy cơ dẫn đến lạm phát ngày càng trầm trọng hơn nếu chiến sự ở châu Âu kéo dài, cộng thêm giá xăng dầu, giá lương thực tăng trên toàn cầu.

Dữ liệu lịch sử cũng chỉ ra rằng giá vàng thường tăng khi điều kiện kinh tế xấu đi và vàng thường được coi là một kênh trú ẩn an toàn trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nước đang đối mặt với tình trạng lạm phát rất cao, đơn cử lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ lên tới gần 79%, cao nhất trong 24 năm. Lạm phát thúc đẩy các ngân hàng trung ương trữ vàng nhiều hơn. Theo WGC, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới mua 35 tấn vàng đưa vào kho dự trữ ngoại hối trong tháng 5, sau khi đã mua 19,4 tấn trong tháng 4/2022. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ mua 13 tấn, trong khi đó Uzbekistan mua 9 tấn, Kazakhstan mua 6 tấn, Qatar mua 5 tấn, Ấn Độ mua 4 tấn…

Tại Việt Nam, có thêm yếu tố thúc đẩy tiêu thụ vàng, đó là người dân ngày càng tiếp nhận nhanh và nhiều đối với các thông tin về thị trường, kinh tế, biến động trong nước cũng như toàn cầu. Người dân đều có thể theo dõi thời sự sát sao, các thông tin chiến sự hàng ngày, xăng dầu tăng giá xuất hiện trên khắp các kênh báo chí, mạng xã hội… Tất cả tạo nên tác động tâm lý khiến người dân trú ẩn tài sản vào vàng.

Bên cạnh đó, dòng tiền “tháo chạy” khỏi thị trường chứng khoán và thị trường tiền số cũng tìm đến kênh đầu tư vàng.

Tâm lý “người già”

Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) nhận định: “Hiện tượng vàng miếng SJC tại Việt Nam đắt nhất thế giới, có lúc đắt hơn vàng thế giới hơn 19 triệu/lượng đang nói lên rằng, người dân vẫn chuộng vàng như kênh đầu tư bảo toàn vốn an toàn trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế còn nhiều biến động hiện nay”.

Là chuyên gia có thâm niên gắn bó với thị trường vàng Việt Nam từ cấp quản lý lên đến Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và nay là Chủ tịch VGTA, ông Nguyễn Thành Long khẳng định: “Với người dân, truyền thống giữ vàng vẫn còn khá sâu đậm”. Cụ thể, thói quen mua vàng tích trữ của người lao động có từ thời bao cấp, dành dụm được khoản tiền nhỏ ra ngay tiệm vàng đầu hẻm mua vài phân vàng, tích lũy dần dần mua 1 chỉ (nhẫn khoen), rồi gom nhiều nhẫn chỉ tích thành lượng, thậm chí giữ vàng theo người.

Nhìn từ góc độ dòng tiền, có thể thấy, đầu tư vào bất động sản đòi hỏi nhà đầu tư phải có vốn lớn, ngay cả muốn vay ngân hàng cũng cần nguồn tài sản; đầu tư vào chứng khoán đòi hỏi phải có kiến thức, am hiểu, nắm bắt thông tin tốt; đầu tư tiền số lại càng cần kỹ năng và sự hiểu biết về công nghệ, ngoại ngữ… Lúc này, vàng chứng tỏ được lợi thế đặc biệt của nó.

Với những gia đình có khoản dư chỉ ở mức vài chục, vài trăm triệu đồng, hay với những nhân viên văn phòng dành dụm được vài tháng lương, thì việc mua vàng “làm của” có thể thực hiện dễ dàng ở mọi tỉnh thành. Khi bán vàng cũng dễ dàng, có thể bán 1-2 chỉ theo nhu cầu chứ không cần phải bán hết số vàng đang có. Mua dễ, thanh khoản nhanh, giá cả lại tăng tốt hơn cả gửi tiết kiệm, vậy nên từ truyền thống giữ vàng làm của, nhiều người đến nay vẫn chọn vàng làm kênh dự trữ vốn. Đây cũng là một trong những lý do giá vàng trong nước biến động không đồng pha với thế giới và đắt hơn vàng thế giới khá nhiều.

Ngoài ra, đầu tư vào vàng ít khả năng xảy ra sự cố bất ngờ, cũng là điểm hấp dẫn nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Long gọi tâm lý giữ vàng là tâm lý “người già”. Nếu người trẻ mong mỏi khi đầu tư là phải sinh lãi nhanh, kiếm nhiều tiền, chấp nhận rủi ro cao để có lợi nhuận cao thì người già thận trọng, vì người già không còn nhiều cơ hội, mất không làm ra được nữa. Nhà đầu tư “già” giữ vàng đi đến đâu cũng sống tốt, vàng có thể đổi ra nhà, xe, tiền nhanh và dễ dàng.

Trên thực tế, hiện tượng “lướt sóng” vàng theo kiểu trước đây cũng gần như không còn do thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới, tín dụng cho kinh doanh vàng không được cấp, cũng là nguyên nhân khiến kênh đầu tư vàng ít hấp dẫn giới trẻ.

Giải pháp nào để giá vàng trong nước bớt chênh với thế giới?

Tính đến giữa tháng 7/2022, vàng miếng SJC đang trở thành loại vàng có mức giá đắt nhất thế giới. Chẳng hạn, vàng của Công ty GoldSilver Central (Singapore) có giá mua là 2.438 đô la Singapore/ounce (quy đổi tương ứng 49,6 triệu đồng/lượng), vàng của Ngân hàng Công thương Trung Quốc có giá 11.668 CNY/ounce (tương ứng khoảng 49,23 triệu đồng/lượng)…

Không những vậy, chênh lệch giữa giá mua – bán vàng ở nước ngoài khoảng 0,5 – 1 USD/ounce, còn ở Việt Nam lên đến 600.000 – 700.000 đồng/lượng (tương ứng khoảng 25 USD/ounce).

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn của WGC: Chênh lệch giá vàng SJC bắt đầu xuất hiện rõ nét từ hai năm sau khi Nghị định 24/2012 được ban hành, khi nước ta không nhập thêm bất cứ miếng vàng nào. Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không còn sản xuất thêm vàng miếng SJC mà chỉ dập lại những miếng vàng bị móp méo.

Do đó, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường trong vòng 8 năm nay không hề tăng mà ngày càng giảm, trong khi nhu cầu mua loại vàng này lại luôn hiện hữu nhờ tính thanh khoản cao, việc kiểm đếm dễ dàng. Trong bối cảnh nhu cầu mua vàng cao hơn nguồn cung, giá vàng SJC tăng mạnh.

Thực trạng vàng nằm trong tay người kinh doanh vàng hoặc người dân, đang phô bày vấn đề mới, đó là tính độc quyền tương đối của người giữ vàng, khiến vàng không dễ xuống giá. Các chuyên gia chỉ ra rằng tâm lý chung của người đang giữ vàng từ trước đến nay là “giữ vàng miếng SJC chỉ có lời”, nên cả người kinh doanh và người dân đều “cố níu” mặt bằng giá cao trong bối cảnh khan hiếm.

Nhiều ý kiến từ các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng miếng SJC sẽ giúp giảm giá vàng SJC.

Để kéo giá vàng miếng SJC xuống, theo nhận định của một số đơn vị kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước phải nhập khối lượng đủ sức chi phối thị trường. Cho đến thời điểm này, chưa có đơn vị nào tính toán được nhập bao nhiêu mới kéo được vàng hạ giá, vì ngoài vàng miếng, thị trường vẫn cần nguyên liệu vàng dùng trong sản xuất, chế tác nữ trang sức khẩu…

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2022, vấn đề giá vàng trong nước cao hơn thế giới đến gần 19 triệu đồng/lượng đã trở thành đề tài “nóng”, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình trạng này và đặt câu hỏi xoay quanh việc độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia của vàng SJC.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ xin ý kiến rộng rãi, để xem nên lựa chọn như thế nào giữa việc nhiều thương hiệu khác nhau cùng sản xuất vàng miếng hay chỉ một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước.

Trước khi các giải pháp từ phía cơ quan quản lý được đưa ra, giá vàng trong nước vẫn có khả năng tự hạ xuống. Theo chuyên gia Huỳnh Trung Khánh, khi kinh tế và chính trị toàn cầu ổn định, tăng trưởng trở lại, thị trường chứng khoán tốt lên… thì nhà đầu tư sẽ bớt đi tâm lý giữ vàng. Khi giữ vàng không sinh lãi, nhà đầu tư sẽ buộc phải bán vàng để phóng thích dòng tiền tham gia vào các hoạt động đầu tư tài chính khác.