VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính tiêu dùng 2021

FE Credit tăng mạnh vốn điều lệ lên gần 11.000 tỷ đồng

Ngày 22/4/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 684/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Theo đó, Thống đốc chấp thuận cho FE Credit tăng vốn điều lệ lên 10.928 tỷ đồng, tăng 3.600 tỷ đồng so với trước đó.

Tại thị trường Việt Nam, FE CREDIT hiện là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu với khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên. Bằng các khoản cho vay nhỏ lẻ, FE CREDIT đặc biệt tập trung phục vụ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Đến nay, FE CREDIT phục vụ hơn 11 triệu người dân Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp của mình.

VPBank hoàn tất thỏa thuận bán 49% vốn tại FE Credit cho SMBC Group

Ngày 28/04/2021, VPBank đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) bán 49% vốn điều lệ tại FE CREDIT cho công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE CREDIT được định giá 2,8 tỷ USD.

Ngày 28/10/2021, sau 6 tháng, VPBank đã có thông báo chính thức về việc hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBCCF.

Với sự góp mặt của cổ đông Nhật Bản, FE CREDIT sẽ đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Trong đó, VPBank tiếp tục nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit và 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

VPBank kỳ vọng việc giảm bớt gần một nửa cổ phần tại FE Credit sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác.

Trong khi đó, ngoài khoản đầu tư được “đồn đoán” là hơn 1,4 tỷ USD để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong khu vực, SMBCCF cũng đem đến cho FE Credit nhiều động lực phát triển khác, đơn cử bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.

Được biết, Sumitomo Mitsui Group là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, có tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2020. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu và hiện diện tại trên 40 quốc gia.

Sau khi thương vụ M&A này kết thúc, VPBank cho biết đã đóng góp khoảng 4.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Lần đầu tiên ngân hàng bán nợ vay tiêu dùng

Thời điểm tháng 5/2021, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Đó là các khoản nợ vay tiêu dùng của nhiều khách hàng với những món vay nhỏ, giá trị từ 1,68 triệu đồng đến 17,58 triệu đồng. Giá trị ghi sổ khoản nợ gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt.

Đáng lưu ý, các khoản nợ vay tiêu dùng này không có tài sản bảo đảm và giá bán khởi điểm bằng đúng với giá trị ghi sổ. Ngân hàng cũng yêu cần tiền đặt trước của khách hàng có nhu cầu mua khoản nợ bằng đúng với giá bán khởi điểm. Tổng giá trị của 9 khoản nợ này chưa tới 100 triệu đồng.

Thông tin này gây bất ngờ trên thị trường, bởi rao bán khoản nợ để xử lý, thu hồi nợ vay, nợ xấu là nghiệp vụ bình thường của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại thường rao bán khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, ôtô…, trong khi rao bán khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm là khá mới mẻ.

Trao đổi với báo giới, đại diện Vietinbank cho biết rao bán khoản nợ vay tiêu dùng là một trong những nghiệp vụ bình thường của ngân hàng theo quy định để xử lý, thu hồi nợ. Có những khoản nợ chưa xấu nhưng ngân hàng có nhu cầu vẫn được rao bán.

“Có thể đây là lần đầu ngân hàng rao bán với thông tin công khai nên thu hút sự chú ý của thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục bán các khoản nợ tương tự. Về giá bán khởi điểm bằng giá trị sổ sách là mong muốn của ngân hàng thu hồi nợ, trong trường hợp không bán được, ngân hàng sẽ tính toán để hạ giá những lần tiếp theo”, đại diện Vietinbank nói.

SHB bán 100% vốn tại SHB Finance cho thành viên thuộc Tập đoàn MUFG

Cuối tháng 8/2021, hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã có nghị quyết chấp thuận và phê duyệt việc bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho phía đối tác “người Thái” là Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri).

Mặc dù giá trị thương vụ không được SHB công bố, song truyền thông nước ngoài đã tiết lộ số tiền mà Krungsri cần chi là khoảng 5,1 tỷ baht, tương đương khoảng 156 triệu USD, khoảng hơn 3.500 tỷ đồng.

SHB cho biết, thỏa thuận này sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của ngân hàng, cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB. Việc hoàn tất bán công ty tài chính cho đối tác ngoại là một trong những kế hoạch của SHB trong năm.

Được biết, SHB Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do SHB sở hữu 100% vốn. Tiền thân của SHB Finance là công ty tài chính Vinaconex Viettel. Trong khi đó, Krungsri là ngân hàng lớn thứ 5 tại Thái Lan và cũng là thành viên chiến lược của MUFG Group, tập đoàn đến từ Nhật Bản.

MUFG là cái tên không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam, tập đoàn này là cổ đông chiến lược nắm giữ 20% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Nhiều công ty tài chính báo lỗ 

Chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh tác động lên kết quả kinh doanh và nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng là điều khó tránh. FE Credit đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với giá trị giải ngân đạt 10.300 tỷ đồng, đồng thời doanh số giảm so với cùng kỳ năm trước.

Khoản phải thu ròng giảm nhẹ xuống 62.300 tỷ đồng, theo đó thu nhập từ hoạt động kinh doanh trong quý III/2021 của FE Credit đạt 3.100 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh số giải ngân của công ty đạt 42.000 tỷ đồng, giảm đến 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên, FE Credit báo lỗ sau 11 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động đến nay.

HD Saison cũng không tránh khỏi tác động của dịch bệnh khi lợi nhuận quý III/2021 đạt 205 tỷ đồng, thấp hơn mức 218 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm ngoái, khi dư nợ cho vay sụt giảm. Tính đến cuối quý III/2021, tổng tài sản của HD Saison là 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 15,8 nghìn tỷ đồng cuối quý II và 16,1 nghìn tỷ hồi đầu năm nay. Dư nợ cho vay của HD Saison cuối tháng III/2021 là 12.305 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của HD Saison đạt 795 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 777 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.

Tại MCredit, 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận doanh thu đạt 3.190 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 432 tỷ, tăng 105%. Riêng trong quý III/2021, doanh thu của MCredit đạt 1.022 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 quý trước đó.

Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt 

Tại sự kiện tổng kết 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng, đại diện các công ty tài chính cho biết dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh lần thứ tư đã đẩy các công ty này rơi vào cảnh khó khăn.

Số liệu tổng hợp cho thấy tổng dư nợ tín dụng bình quân khoảng 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Còn tỷ lệ nợ xấu bình quân khoảng 9-10%, tăng mạnh so với con số 6% vào cuối năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng lên vào cuối năm nay.

Chia sẻ tại sự kiện, các đại diện công ty tài chính cho rằng phân khúc khách hàng chủ yếu của hoạt động cho vay tiêu dùng đã chịu ảnh hưởng trực tiếp trong làn sóng dịch Covid-19 lần thư tư. Theo đó, người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Ngoài ra, trong thời gian giãn cách tại nhiều địa phương, các khách hàng là F1, F0 hoặc ở trong khu vực giãn cách nên không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định.

Không chỉ vậy, các điểm giao dịch cũng phải tạm thời đóng cửa, khiến việc giao tiếp với khách hàng gặp khó, ảnh hưởng doanh thu cũng như việc thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu. Do đó, không chỉ có nợ xấu tăng lên mà nhiều công ty tài chính hạn chế tăng trưởng tín dụng, thậm chí tăng trưởng âm.

MSB dự kiến bán Công ty tài chính FCCOM 

Trong buổi gặp nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết đang tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư cho thương vụ thoái vốn Công ty Tài chính FCCOM. Ngân hàng dự kiến ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần công ty để tập trung vào phát triển mảng bán lẻ.

“Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau”, ông Linh nói. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và ngân hàng có thể thu 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Nguồn thu này có thể là động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 30% trong năm 2022.

MWG bắt tay F88 cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) cho biết công ty này và F88 đã chính thức trở thành đối tác, cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt.

Theo đó, các khách hàng của F88 có thể đến các cửa hàng của thegioididong.com và Điện máy Xanh để vay tiền mà không cần phải mua hàng. MWG cũng cho biết hiện tại, đơn vị này chỉ giải ngân qua tài khoản ngân hàng, khách hàng cần phải có tài khoản ngân hàng mới có thể sử dụng dịch vụ vay của F88.

Theo nội dung được MWG công bố, đối với các sản phẩm cho vay tiền mặt, khách hàng vay phải là chủ sở hữu xe máy. Số tiền vay tối đa là 10 triệu đồng; tiền gốc, chi phí vay trả đều trong vòng 12 tháng.

Về chi phí, chi phí vay ở mức 7,5%/tháng; phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân với số tiền gốc còn lại; phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày quá hạn, tối đa không quá 150.000 đồng trên 1 kỳ quá hạn.

VietCredit sắp chào sàn UPCoM với mã TIN, giá tham chiếu 15.200 đồng/cổ phiếu

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho gần 69 triệu cổ phiếu của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán TIN.

Cổ phiếu TIN bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/12/2021, giá tham chiếu là 15.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa trên nghìn tỷ đồng.

Được biết, tiền thân của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng, được thành lập ngày 29/5/2008, vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Nhóm cổ đông sáng lập gồm có Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng công ty Thép Việt Nam.

Đến nay, sau nhiều đợt tăng vốn, vốn điều lệ của VietCredit đã vượt trên 688 tỷ đồng. Hiện cổ đông lớn của VietCredit là Tổng công ty Xi măng Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 14,59%, còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Theo giới thiệu, VietCredit sở hữu hệ thống 59 điểm cung cấp dịch vụ, bao phủ 36 tỉnh thành trong cả nước, tập trung chủ yếu ở các trung tâm thương mại, siêu thị và các khu công nghiệp trong và gần thành phố.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt gần 879 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm hơn 89%, đạt 785 tỷ đồng, tăng 66,3%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 107 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020.

Khấu trừ các loại chi phí, VietCredit báo lãi sau thuế gần 70 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 9 tháng đầu năm 2020. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành được 72% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Tại ngày 30/9/2021, dư nợ vay cá nhân và đoàn thể lên tới 3.338 tỷ đồng, chiếm 99,83% tổng dư nợ; dư nợ cho vay tổ chức kinh tế là 5,7 tỷ đồng, chiếm 0,17% tổng dư nợ cho vay.

EVNFinance (EVF) được chấp thuận niêm yết trên HOSE

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) mới đây cũng đã chấp thuận niêm yết 304,71 triệu cổ phiếu của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance, mã EVF), tương đương giá trị cổ phiếu niêm yếu là 3.047 tỷ đồng. Hiện tại, cổ phiếu EVF đang giao dịch trên sàn UPCoM kể từ hồi tháng 8/2018.

EVN Finance được thành lập và đi hoạt động từ 1/9/2008 với mức vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng, đứng thứ nhất về quy mô trong hệ thống các công ty tài chính tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Báo cáo tài chính quý III/2021 được EVN Finance công bố trước đó cho biết, trong đó thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đều ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số. Theo đó, thu nhập lãi thuần quý III của EVNFinance đạt hơn 219 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Chốt quý III, EVNFinance báo lãi sau thuế đạt hơn 89 tỷ đồng, tăng gần 5,7% so với quý III/2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế của EVNFinance lần lượt đạt hơn 574 tỷ đồng và hơn 237 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% và tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, EVNFinance đã hoàn thành hơn 91% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Quy mô tổng tài sản của EVNFinance tính đến cuối quý III đat hơn 31.907 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác đạt hơn 12.240 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 13.373 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và tăng 2,6% so với đầu năm.