Băn khoăn gần 2.000 căn hộ khách sạn tại dự án Vega City Nha Trang có phải là condotel hay không?

Căn hộ khách sạn tại Vega City Nha Trang không phải condotel?

Thời gian gần đây, dự án Vega City Nha Trang gây nhiều chú ý trên thị thị trường bất động sản, đặc biệt là những người quan tâm đến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khi dự án được quảng cáo rầm rộ với quy mô khá lớn, tổng mức đầu tư “khủng” lên đến 13.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các thông tin giới thiệu, quảng cáo dự án cũng như thông tin từ phía chủ đầu tư khiến nhiều người băn khoăn về gần 2.000 căn hộ khách sạn tại dự án Vega City Nha Trang liệu có phải là condotel hay không?

Phối cảnh dự án Dự án Vega City Nha Trang.

Theo giới thiệu dự án dự án Vega City Nha Trang là quần thể bất động sản phức hợp Nghệ thuật – Nghỉ dưỡng – Giải trí ven biển rộng 43,8ha tại Nha Trang do Tập đoàn KDI Holdings là chủ đầu tư. Đây là một “siêu dự án” có quy mô “khủng” với tổng vốn đầu tư lên đến 13.000 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 của dự án có diện tích 15,61ha, được khởi công vào quý 2/2020 và dự kiến bàn giao vào quý 4/2022 với các loại hình sản phẩm gồm căn hộ khách sạn (chủ đầu từ còn gọi là phòng khách sạn), shophouse mặt biển và biệt thự nghỉ dưỡng.

Đáng chú ý, theo thông tin quảng cáo trên các website mua bán bất động sản, dự án Vega City Nha Trang sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 – 2.000 căn hộ condotel. Bên cạnh đó, các thông tin rao bán căn hộ khách sạn tại dự án Vega City Nha Trang cũng xuất hiện tràn lan trên thị trường…

Các nội dung quảng cáo cho biết “Condotel tại Vega City Nha Trang có 2 chức năng chính bao gồm: Chức năng khách sạn và chức năng căn hộ. Tùy theo mong muốn của mình, khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 2 chức năng trên để đầu tư sinh lời. Với chức năng đặc biệt, Condotel Vega City Nha Trang chính là cơ hội hiếm có để đầu tư sinh lời dành cho khách hàng hiện nay…”.

Các thông tin quảng cáo, rao bán condotel Vega City Nha Trang.

Tuy nhiên, theo giải thích của đại diện truyền thông chủ đầu tư, thì gần 2.000 căn hộ khách sạn tại dự án Vega City Nha Trang không phải loại hình Condotel mà là phòng khách sạn cho thuê, không có mục đích bán.

Cụ thể, phòng khách sạn tại dự án Vega City Nha Trang là dịch vụ cho thuê phòng để phục vụ mục đích nghỉ dưỡng khi đi trải nghiệm du lịch… phòng ở khách sạn thường chỉ bao gồm phòng ngủ và nhà tắm. Đa phần phòng khách sạn đều không sở hữu phòng bếp và khách hàng được cung ứng các dịch vụ, tiện ích để săn sóc bản thân.

Vị đại diện này còn nhấn mạnh, phòng khách sạn Vega City Nha Trang không có mục đích bán. Theo đó, chủ đầu tư không bán những căn hộ này mà sẽ hợp tác với các đơn vị vận hàn và quản lý vận hành dự án.

Nhiều thông tin cho thấy gần 2.000 căn hộ khách sạn tại Vega City Nha Trang là condotel.

Theo giải thích này thì gần 2.000 căn hộ khách sạn tại dự án Vega City Nha Trang không phải là condotel và chủ đầu tư sẽ không bán căn hộ này ra thị trường.

Tuy nhiên, điều này khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn bởi thời gian qua, căn hộ condotel tại dự án này được quảng cáo, giới thiệu rầm rộ trên nhiều website về bất động sản, thậm chí trên nhiều tờ báo chính thống.

Pháp lý là đất thương mại dịch vụ, sở hữu 50 năm nay chỉ còn 38 năm?

Dự án Vega City Nha Trang (trước đây có tên gọi là dự án Champarama Resort & Spa) do Công ty Cổ phần Vega City làm chủ đầu tư, Huyndai E&C là đơn vị thi công dự án. Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư NewstarGroup và Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ Bất Động Sản RealHomes là đơn vị phân phối độc quyền dự án. Trong đó, Công ty Cổ phần Vega City là công ty thành viên trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư KD (KDI Holdings).

Theo tìm hiểu, dự án Vega City được KDI Holdings đã nhận chuyển nhượng từ Công ty Cổ phần Khu du Lịch Champarama. Sau đó dự án chính thức có tên gọi mới là Vega City Nha Trang.

Được biết, ngày 7/5/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định số 1313/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Dự án Champarama Resort & Spa, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, điều chỉnh quy mô theo hướng tăng mật độ xây dựng tại dự án.

Đáng chú ý, theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt, khu C và khu B của dự án có chỉ tiêu quy hoạch 4.700 – 5.000 phòng/căn hộ nghỉ dưỡng du lịch.

Theo quy hoạch, dự án có chỉ tiêu 4.700 – 5.000 phòng/căn hộ nghỉ dưỡng du lịch.

Đến ngày 12/3/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản số 506/QĐ-UBND Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận Công ty cổ phần Vega City làm chủ đầu tư dự án này. Đồng thời điều chỉnh lại tiến độ dự án.

Theo đó, Giai đoạn 1: Thời gian hoàn thành các thủ tục để đưa vào khai thác sử dụng đối với khu C trước ngày 31/12/2022; Giai đoạn 2: Thời gian hoàn thành các thủ tục để đưa vào khai thác sử dụng đối với khu B trước ngày 30/6/2025. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 37121000389 ngày 16/4/2013.

Quyết định số 506/QĐ-UBND ngày 12/3/2020 của tỉnh Khánh Hoàn. Ảnh Thương Trường

Theo thông tin trên tờ Thương Trường, Dự án Champarama Resort & Spa là đất thương mại dịch vụ, với thời gian sử dụng đến ngày 16/4/2063. Nếu đúng như tiến độ như trong Quyết định chủ trương đầu tư thì đến năm 2025 dự án sẽ đi vào hoạt động, khách hàng chỉ được sử dụng, khai thác dự án với thời hạn 38 năm (nếu dự án được triển khai đúng tiến độ).

Thông tin này có thể khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc, thậm chí “chùn chân” khi tìm hiểu và muốn tham gia đầu tư dự án này.

Condotel “thê thảm” đến mức nào?

Nói về condotel, có lẽ là câu chuyện dài “kể mãi không hết” bởi phân khúc này đã trải qua đủ thăng trầm dù chỉ mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam khoảng hơn 5-6 năm nay.

Theo các chuyên gia, phân khúc căn hộ condotel hiện đang là “mảng tối” nhất của thị trường bất động sản và đang bị khách hàng “quay lưng” từ khoảng 2-3 năm trở lại đây khi những tranh cãi về pháp lý kéo dài không dứt, khả năng sinh lời không như kỳ vọng trong khi giá bán quá cao, quyền lợi của nhà đầu tư không được đảm bảo và cam kết lợi nhuận từ các chủ đầu tư liên tục đổ vỡ…

Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp như hiện nay đã khiến nhiều người tin rằng, căn hộ condotel đã không còn “cửa sáng”. Các nhà đầu tư không còn mặn mà, khách hàng “vỡ mộng”, mất niềm tin vào cam kết của các chủ đầu tư khiến thanh khoản loại hình này ngày càng khó khăn.

Thị trường condotel ảm đạm.

Trước đó, vào đầu năm 2020, sau nhiều tranh cãi về pháp lý condotel, Bộ TN&MT đã có công văn hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thời hạn vẫn là 50-70 năm. Đất đai từ “cam kết miệng” được sử dụng dài hạn như đất ở, nay phải chuyển sang sử dụng theo thời hạn 50-70 năm, khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp thất vọng và ồ ạt “tháo chạy” khỏi loại hình này.

Thời điểm hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư đều nhận thấy họ không cho thuê được hoặc ủy thác kinh doanh lợi nhuận thấp. Thậm chí, giá condotel không tăng như kỳ vọng, không thể lướt sóng, nếu muốn bán lại chỉ còn cách duy nhất là chấp nhận cắt lỗ sâu giá bán căn hộ.

Và thực tế, hiện tượng cắt lỗ, giảm giá bán căn hộ condotel đã xuất hiện và “nở rộ” thời gian qua. Nhiều thông tin rao bán cắt lỗ mạnh những dự án thuộc các thị trường trọng điểm như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An (Quảng Nam)…

Condotel rơi vào tình trạng ế ẩm, nguồn cung dư thừa, tồn kho từ các dự án mở bán trước đây ở mức cao trong khi sức tiêu thụ vô cùng ảm đạm. Tỷ lệ hấp thụ theo khu vực ở mức đáng quan ngại…

Trong khi đó, theo Báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2021 của DKRA Vietnam, nguồn cung tăng khá mạnh ở phân khúc condotel với mức tăng 26% so với quý trước. Sức mua có dấu hiệu hồi phục vào cuối quý 1 nhưng lại tiếp tục suy giảm từ giữa quý 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thực tế này khiến nhiều chuyên gia lo ngại phân khúc condotel sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng “bội thực” nguồn cung, tồn kho cao, các sản phẩm khó tiêu thụ trên thị trường…

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo