Bất động sản cho thuê gặp khó vì đại dịch, doanh nghiệp tìm hướng đi mới

Từ đầu năm 2021, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh khu vực phía Nam sau đó bùng phát lan rộng, khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, lĩnh vực cho thuê văn phòng, căn hộ, nhà xưởng “lao dốc” mạnh.

Tại Tp.HCM, từ tháng 4/2021, dịch hoành hành đã khiến nhiều khu vực bị phong toả, các cửa hàng kinh doanh cũng phải đóng cửa theo. Bị ngưng hoạt động, nhiều khách thuê mặt bằng, văn phòng không cầm cự nổi đành phải trả, bỏ lại.

Trước tình hình khó khăn này, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực cho thuê phải “chật vật” tìm hướng đi mới để thích nghi với giai đoạn bình thường mới.

Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hồng Hải – Chủ tịch VNO Group (Hệ thống văn phòng cho thuê VN Office), để tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp cho thuê trong thời kỳ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những sáng tạo biến “nguy” thành “cơ”, thích ứng với mô hình mới sau đại dịch Covid-19.

“Cú sốc” do đại dịch Covid-19

NĐT: Chào Chủ tịch Nguyễn Hồng Hải! Ông đánh giá thế nào về tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và trong nước một năm vừa qua?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Covid-19 đã gây ra những gián đoạn và thách thức chưa từng có đối với doanh nghiệp và nền kinh tế trên toàn thế giới. Khả năng phục hồi và vươn lên sau đại dịch là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới tương lai của không chỉ doanh nghiệp mà còn của người lao động.

NĐT: Dịch Covid-19 vẫn còn khá phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, ông đã có những thay đổi gì để thích ứng với đợt dịch này?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Chắc chắn trong nhiều tháng tới, chưa thể trở về trạng thái “zero-Covid”, không thể đảm bảo không có thêm các chùm ca lây nhiễm mới. Cả thế giới không nước nào dám đặt cược vào sự đảm bảo đó. Bởi, xu hướng thế giới hiện nay đều là sống chung với Covid-19.

Tp.HCM chịu hậu quả nặng nề nhất của đợt bùng phát dịch thứ tư, cũng là địa phương mở cửa sớm nhất, mạnh dạn nhất. Cơ sở cho quyết định đó là tỉ lệ phủ vắc-xin cao. Theo đó, sinh hoạt của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có thể được thực hiện một cách an toàn trong điều kiện Covid-19 vẫn còn nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch.

Mặt bằng cho thuê chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Trong thời điểm “sống chung” với dịch, để đảm bảo kinh tế và sức khỏe, người dân phải cắt giảm chi tiêu khi thu nhập giảm và có thể thời gian tới, công việc bấp bênh, không ổn định, họ cần các khoản dự phòng, thắt lưng buộc bụng. Khi người tiêu dùng không sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu, cũng tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

NĐT: Sau đợt dịch thứ tư, tại trung tâm quận 1, quận 3 (Tp.HCM) xuất hiện nhiều biển cho thuê nhà, mặt bằng, văn phòng. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực cho thuê nhiều năm, ông thấy thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Sức chống chịu của doanh nghiệp tư nhân trong nước đối với các “cú sốc” từ bên ngoài rất yếu, thể hiện hết sức rõ nét qua đại dịch Covid-19 vừa rồi. Hiện, đối với đa số doanh nghiệp, mặt bằng và tín dụng vẫn là hai nguồn lực quan trọng bậc nhất. Điều này có thể dẫn đến việc bất bình đẳng trong chính sách hỗ trợ giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước…

Ngoài ra, đại dịch và lệnh đóng cửa nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang kinh tế số. Chỉ 3 năm trước, những từ như học online, shipper, đặt hàng, giao hàng… vẫn còn mới lạ, thì nay lại trở nên thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Công nghệ thông tin đã thâm nhập vào từng gia đình, từng cá nhân dù già hay trẻ. Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi văn phòng diện tích nhỏ hơn; hoặc bật mạnh về mảng online song song mặt bằng kinh doanh truyền thống, để điều tiết chi phí, cầm cự qua dịch.

Có thể, trong tương lai gần 1-2 năm nữa ngành kinh tế, bán lẻ sẽ phát triển thịnh vượng trở lại, đó là khi người dân quen dần với Covid-19. Nhưng ít nhất tại thời điểm này, đầu tư mặt tiền lớn để kinh doanh bán lẻ vẫn rất rủi ro.

Doanh nghiệp “chật vật” tìm đường mở lối

NĐT: Sau dịch, nhiều công ty, thị trường cho thuê phải “chật vật” tìm khách hàng cho mình. Vậy ông có lo lắng khi lượng khách hàng ít đi mà tính cạnh tranh lại cao, trong khi giá cho thuê hầu như không thể giảm sâu?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Bất động sản cho thuê là một ví dụ điển hình về những tổn thương mà nền kinh tế đang phải chịu đựng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tại Việt Nam, có đến 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, song song với số lượng doanh nghiệp đóng cửa, thì số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng đang tăng chóng mặt.

Bất động sản - Bất động sản cho thuê gặp khó vì đại dịch, doanh nghiệp tìm hướng đi mới (Hình 3).

Nhà đầu tư mòn mỏi chờ khách thuê.

Giữa bộn bề khó khăn do tác động của dịch Covid-19, vẫn xuất hiện điểm sáng là hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI/nước ngoài đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Một số khác cũng dự định sẽ gia nhập vào thị trường nước ta. Đây là những cơ hội, triển vọng đối với thị trường bất động sản cho thuê trong thời gian tới. Đặc biệt là phân khúc văn phòng cho thuê giá bình dân mà VNO đang theo đuổi.

NĐT: Nhận định của ông đối với thị trường cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi mà dịch Covid-19 vẫn chưa ổn định?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Các đợt giãn cách kéo dài đã gây nên những bức bối, kìm nén về tâm lý, đặc biệt thời điểm cuối năm, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu mạnh tay để bù đắp cho giai đoạn trước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bứt phá doanh thu, tìm kiếm thị trường, khách hàng mới, nếu có các lợi thế về chi phí, sản phẩm, chất lượng và kênh phân phối đa dạng, đặc biệt là biết cách tận dụng lợi thế Internet.

NĐT: Có thể thấy, sau đại dịch Covid-19, thị trường tỉnh, vùng ven Tp.HCM vẫn chưa thể hoạt động đúng với công suất trước đây. Vậy, ông đánh giá thế nào về thị trường cho thuê ở các tỉnh?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Dịch bệnh cũng khiến cả thế giới nhận ra rằng, không nên tập trung vào một quốc gia và Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến của sự chuyển dịch này. Do đó, nhu cầu giao thương tại các vùng ven khu công nghiệp sẽ trở thành tất yếu.

Sau thành công tại thị trường Tp.HCM, tỉnh Bình Phước là điểm đến mới được nhiều nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” khi mở rộng và phát triển hệ thống sang thị trường tỉnh. Đây là cửa ngõ, là cầu nối giúp kết nối Tp.HCM, Bình Dương với các tỉnh Tây Nguyên, Lào và Campuchia thông qua QL 13, QL 14, cửa khẩu quốc tế Hoa Lư…

Bất động sản - Bất động sản cho thuê gặp khó vì đại dịch, doanh nghiệp tìm hướng đi mới (Hình 4).

Ảm đạm các mặt bằng cho thuê, phân khúc văn phòng “vắng lặng” vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Được mệnh danh là thành phố trẻ khi sở hữu nhiều khu công nghiệp hiện đại, Đồng Xoài – Bình Phước thu hút được một số lượng lớn các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu tư phát triển tại đây, tạo ra nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh, văn phòng cũng tăng không ngừng.

NĐT: Theo ông, trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp, khối cho thuê đang phải đối mặt hiện nay?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Giữa thời điểm quỹ đất tại các quận trung tâm khan hiếm, không có nhiều tòa nhà mới, sức thuê yếu, thì nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang kinh doanh online. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ dễ rơi vào trạng thái “bất ổn định”. Bởi, các doanh nghiệp này thường có độ “biến động” lớn, thậm chí một số doanh nghiệp mới chỉ hoạt động trong vòng 3 – 6 tháng đã phá sản. Chúng tôi vẫn có thể trả lại tiền cọc văn phòng cho họ. Thế nên, người cho thuê mặt bằng phải nắm bắt được điều này và chuẩn bị phương án để đối mặt với rủi ro cũng như tìm người thuê mới, nếu doanh nghiệp không thuê tiếp.

Giá cho thuê trong thời gian tới sẽ trở nên cạnh tranh hơn do chính sách cắt giảm ngân sách của nhiều doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí. Khu vực Tp.HCM sẽ chịu áp lực giảm giá lớn nhất, khi mặt bằng trống xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài ra, khi chúng tôi đi thuê tòa nhà thì khả năng bị chủ tòa nhà “hất chân” ra ngoài cũng khá cao, nếu có chủ đầu tư khác chào giá tốt hơn. Chính vì thế, việc soạn thảo hợp đồng kinh tế là yếu tố rất quan trọng. Hợp đồng phải nêu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên một cách rõ ràng.

NĐT: Vậy ông có liều “vắc-xin” nào giúp cho thị trường cho thuê phát triển tốt hơn, thu hút nguồn khách hàng trong giai đoạn “bình thường mới”.

Ông Nguyễn Hồng Hải: Hy vọng Tp.HCM kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo vệ thành quả chống dịch để khôi phục kinh tế. Chúng tôi vẫn đang triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực: Giới thiệu nhiều giải pháp văn phòng đáp ứng nhu cầu của từng doanh nghiệp, giảm giá thuê, gia hạn thanh toán, miễn phí quản lý… giúp khách hàng tối ưu chi phí, an tâm tập trung phát triển kinh doanh.

NĐT: Một năm Tân Sửu với nhiều khó khăn đã qua, ông nhận định thế nào về thị trường trong năm mới Nhâm Dần 2022?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Khái niệm “bình thường mới” không thể không tính đến sự xáo trộn về sinh kế của người dân, cần giải pháp kéo họ vào chuỗi cung ứng, chứ không đơn giản là cần cứu trợ. Rõ ràng, nền kinh tế cần một gói cứu trợ đủ lớn để hồi phục. Tôi ủng hộ một gói kích thích kinh tế với số tiền tỷ đồng để giúp đỡ người lao động, trợ giúp doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư sản xuất.

Ngoài ra, cần có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước trong quy trình giao dịch bất động sản để tránh giá đất tăng cao đột ngột khiến chi phí thuê mặt bằng của doanh nghiệp bị đội lên… Chi phí kinh doanh và dòng tiền vì thế rất dễ đứt gãy, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trong nước cần kết nối vào mạng lưới cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu để đảm bảo tạo ra việc làm, giá trị kinh tế lớn…