[CHÙM ẢNH] Cận cảnh tình trạng ‘bức tử’ hồ Đá Dựng

Hồ Đá Dựng thuộc địa phận thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Theo người dân địa phương, trước đó hồ Đá Dựng luôn trong và sạch, không khí xung quanh hồ trong lành.
Tuy nhiên, gần đây hồ nước chuyển sang màu đen bốc mùi hôi thối đặc biệt trong những ngày trời mưa phùn không có nắng.
Theo ông Đinh Hồng Quân, trưởng thôn 6, xã Tiến Xuân thì hồ Đá Dựng bị ô nhiễm chủ yếu là do quá trình chăn nuôi của hộ gia đình ông Đinh Văn Hiệu.
Trang trại nuôi vịt của ông Hiệu rộng khoảng một hecta, mỗi lứa nuôi từ 4.000 – 5.000 con vịt.
Hệ thống nước thải từ ao trong trang trại nhà ông Hiệu xả thẳng ra hồ Đá Dựng, khiến nước hồ đổi sang màu đen. (Ảnh phóng viên chụp từ tháng 5/2022).
Cũng theo phản ánh của người dân, hồ Đá Dựng hiện cũng đang bị xâm chiếm trái quy định?
Cận cảnh hoạt động xâm lấn tại hồ Đá Dựng do người dân cung cấp. (Ảnh chụp ngày 6/1/2023)
Hàng chục nhân lực, máy móc phương tiện hiện đại để đẩy nhanh quá trình xâm lấn hồ Đá Dựng.
Hoạt động xâm chiếm hồ Đá Dựng của một số cá nhân có đất ven hồ chỉ dừng lại khi người dân thông tin đến chính quyền địa phương?

Để làm rõ thông tin về tình trạng lấn chiếm cũng như nguyên nhân gây ô nhiễm tại hồ Đá Dựng, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ làm việc với UBND xã Tiến Xuân, UBND huyện Thạch Thất. Sau nhiều ngày liên hệ qua số điện thoại di động của ông Đinh Công Tuân – Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, nhưng số máy liên tục báo bận.

Ngày 8/2, phóng viên trực tiếp đến trụ sở UBND xã Tiến Xuân để hỏi về lịch làm việc. Sau khi nghe phóng viên trình bày, ông Tuân khẳng định chưa có căn cứ cụ thể để xác định trang trại chăn nuôi vịt của gia đình ông Hiệu (Đinh Văn Hiệu) gây ô nhiễm môi trường. Sau đó vị này lấy lý do bận họp với tỉnh đội Hòa Bình đồng thời giao Văn phòng UBND xã bố trí cán bộ địa chính xã trả lời phóng viên. Tuy nhiên, theo cán bộ Văn phòng UBND xã Tiến Xuân thì cán bộ địa chính không có mặt tại trụ sở.

Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.

TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải. “Hầu hết các sông, hồ ở Hà Nội ô nhiễm là do nguồn nước thải đổ thẳng vào, nếu chính quyền quyết tâm xử lý ô nhiễm thì phải xử lý được nguồn nước thải, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết triệt để được”, TS. Đào Trọng Tứ khẳng định.

Theo ông Tứ, nhiều nước trên thế giới đặt nặng vấn đề xử lý nước thải đầu nguồn. Các gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra sông, hồ. Chính quyền đặt vấn đề đô thị lên hàng đầu, nếu công trình nào không có hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được xây dựng. “Nếu Hà Nội đặt quyết tâm xử lý ô nhiễm thì về lâu dài phải áp dụng các biện pháp “cứng rắn” như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, như xử lý nước thải từ đầu nguồn các gia đình, công ty…”, TS. Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.