Địa ốc Long Phát: ‘Nhà phát triển’ hàng loạt dự án ảo, ‘om’ tiền cọc của khách hàng

Long Phát ‘vẽ’ dự án trên đất cá nhân, ‘om’ tiền cọc của khách hàng

Thời gian qua, đã có nhiều khách hàng mua đất tại các “dự án” của Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc Long Phát (Công ty Long Phát) rồi mới phát hiện dự án không có thật nhưng đã đặt cọc, và số tiền cọc này không thể lấy lại, chỉ biết cầm đơn khiếu nại đi kêu cứu khắp nơi.

Vào giữa năm 2019, nhóm khách hàng gần 60 người đã “tố cáo” hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc Long Phát (số 3 Cửu Long, quận Tân Bình, TP HCM) và Công ty CP Thương mại – Dịch vụ và Đầu tư Thiên Hưng Khang (Công ty Thiên Hưng Khang, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Tổng tiền chiếm đoạt lên tới vài chục tỉ đồng.

Những khách hàng của Công ty Long Phát và Thiên Hưng Khang nhiều tháng nay chỉ biết cầm đơn đi kêu cứu khắp nơi nhằm đòi lại tiền đã đóng.

Những người này cho biết vào khoảng tháng 5/2018, họ được nhân viên môi giới của Công ty Long Phát chào mời mua đất nền dự án do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tín An Phát (tên cũ của Thiên Hưng Khang) đầu tư (Long Phát là đơn vị phân phối) tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Nhiều người đã ký hợp đồng mua đất nền với Công ty Thiên Hưng Khang tại tờ bản đồ số 84, thửa 424, 425, 426, 427, 429… Công ty này hứa hẹn sẽ giao đất, ra sổ vào tháng 12-2018. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người đã thanh toán đến 95% giá trị lô đất nhưng cả chủ đầu tư và đơn vị môi giới đều né tránh trách nhiệm.

Có người mua đến 2-3 lô, đã đóng trên 3 tỉ đồng đang chạy vạy khắp nơi để đòi đất, đòi tiền và khiếu nại.

Không dừng lại ở đó, gần đây, chị N.Đ.M.T. (trú tại TP.HCM) có đơn cầu cứu gửi các cơ quan báo chí về việc chị được nhân viên tên Quân của Địa ốc Long Phát tư vấn về dự án Crescent Maill 6.

Do nhầm tưởng đây là đất dự án do Địa ốc Long Phát làm chủ đầu tư nên chị mới quyết định mua lô đất được công ty này đặt mã số là CM6-56, với giá gần 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên khi hỏi Sở TNMT tỉnh Đồng Nai thì chị mới được biết trên địa bàn huyện Trảng Bom không có dự án Crescent Maill 6 và lô đất chị mua là đất của một người đàn ông tên Dương Văn Kiểm.

Chị T. muốn chấm dứt giao dịch và lấy lại tiền thì bị Địa ốc Long Phát đem luật sư ra doạ và nói chỉ trả cho chị 50% số tiền đã nộp.

Hay trước đó, trường hợp của chị A.T (cùng trú tại TP.HCM) cũng phản ánh chị liên hệ với một nhân viên của Địa ốc Long Phát để hỏi mua một lô đất tại dự án tại quận 12, TPHCM, tuy nhiên nhân viên này lại đưa chị xuống Đồng Nai và mời chào chị mua một lô đất tại “dự án” Centre Mall 3.

Sau khi nộp 100 triệu tiền cọc chị mới phát hiện đây chỉ là đất của cá nhân, nên muốn đòi lại tiền thì bị Địa ốc Long Phát gây khó khăn.

Trụ sở Công ty Địa ốc Long Phát tại TP.HCM.

Trao đổi với Đất Việt, lãnh đạo Địa ốc Long Phát cũng thừa nhận, các lô đất bán cho chị T, và chị A.T đều là đất cá nhân uỷ quyền cho công ty này phân phối. Tên dự án Crescent Maill 6 hay Centre Mall 3 chỉ là tên thương mại do công ty này tự đặt.

Cụ thể, lô đất được Công ty Long Phát đặt mã số là “CM6-56 – dự án Crescent Maill 6” thực chất là thửa đất số 4402 tờ bản đồ số 5 thuộc sở hữu của ông Dương Văn Kiểm (trú tại Biên Hoà, Đồng Nai) uỷ quyền cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đất Phát làm đại diện theo hợp đồng uỷ quyền do Phòng Công chứng Bùi Ngọc Hiếu chứng nhận ngày 12/3/2020.

Sau đó lô đất lại được uỷ quyền cho Địa ốc Long Phát phân phối, quyết định người nhận chuyển nhượng, giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán…

Trước thông tin khách hàng muốn chấm dứt giao dịch và đòi lại toàn bộ số tiền đã đóng cho Công ty Long Phát, vị Đại diện Công ty Long Phát nói: “Thời buổi bây giờ đã làm ăn khó khăn lại toàn gặp âm binh”.

Hợp đồng uỷ quyền là trái pháp luật

Theo tìm hiểu, Công ty Long Phát có trụ sở chính tại số 95 Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.

Thời gian qua, Công ty Long Phát luôn tự nhận mình là nhà phát triển một loạt dự án lớn tại tỉnh Đồng Nai, như: Khu đô thị Crescent Mall, khu đô thị Centre Mall, Khu Đô Thị Thương Mại – Dịch Vụ The King City, Khu Đô Thị Lộc Phát, dự án Khu Đô Thị Lộc An, dự án Khu Đô Thị Long Thành…

Tuy nhiên thực chất đa số các “Khu đô thị” các “dự án” trên đều chỉ là đất cá nhân tự phân lô rồi ủy quyền cho Công ty Long Phát phân phối tới khách hàng với giá khá cao.

Trao đổi với báo Đất Việt, Luật sư Trần Đức Phượng hợp đồng uỷ quyền trên là vô hiệu vì trái pháp luật. Bởi “công ty không có chức năng ngành nghề nhận uỷ quyền định đoạt tài sản của người khác”, luật sư Phượng cho biết.

Theo luật sư Trần Đức Phước chính Hợp đồng uỷ quyền trái pháp luật kiểu này đã giúp cho một số công ty bất động sản mặc nhiên tự đặt tên “dự án” cho lô đất như là đất của mình, thoải mái “hét” giá và khách hàng không tìm hiểu kỹ sẽ bị nhầm tưởng đây là đất dự án do công ty đó làm chủ đầu tư.

Về hợp đồng đặt cọc 95% giá trị lô đất mà Địa ốc Long Phát ký với khách hàng, luật sư Trần Đức Phượng cho biết: Về hình thức, thoả thuận đặt cọc hay hợp đồng đặt cọc nói chung chỉ là tên gọi khác nhau, còn về nội dung cũng đều là “đặt cọc” và thu tiền đặt cọc.

Về nguyên tắc, tiền đặt cọc vẫn là tiền của bên mua, bên bán chưa có quyền sử dụng số tiền này vì chưa phải là mua bán. Tuy nhiên, trong phiếu thu tiền của Địa ốc Long Phát lại thể hiện số tiền 95% giá trị lô đất là tiền thanh toán đợt 1 cho lô đất.

Việc thu tiền như vậy là trái quy định pháp luật vì thực tế vẫn chưa phải là mua bán, chưa ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng khách hàng đã phải trả tiền” Luật sư Trần Đức Phượng cho biết.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ